VDS: Chứng khoán tháng 9 sẽ trông chờ vào khối ngoại
Theo báo cáo chiến lược tháng 9/2018, CTCK Rồng Việt (VDS) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, thị trường sẽ phải trông chờ vào khối ngoại.
Dù VN-Index đã hồi phục tốt trong tháng 8, VDS lại nhận định rằng dòng tiền không tăng mạnh mà chủ yếu được điều tiết và luân chuyển khéo léo giữa các nhóm ngành để hỗ trợ thị trường đi lên. Do vậy, rất khó để thị trường có thể đi xa hơn nữa nếu không có một sự đột biến về dòng tiền. Ở chiều ngược lại, thị trường rất dễ bị tổn thương nếu gặp áp lực bán mạnh. Trong bối cảnh đó, thị trường sẽ phải trông chờ vào khối ngoại.
Tuy vậy, dòng vốn ngoại vẫn đang thận trọng khi mà sự bất nhất trong các động thái của Tổng thống Trump vẫn gây ra lo ngại về bất ổn của kinh tế thế giới. Như đã nhận định trong tháng trước, dòng vốn này quả thật vẫn chưa trở lại các thị trường cận biên và mới nổi trong tháng vừa qua, và có lẽ sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa. VDS nhấn mạnh rằng, nên nhớ, Fed gần như sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 9 này.
Dù vậy, nếu nhìn nhận dưới góc độ tiền tệ, độ biến động ẩn (implied volatility) đã tăng rất mạnh, không chỉ ở Châu Á mà trên toàn thế giới. Điều này cho thấy rủi ro tiền tệ các nước bị phá giá sâu hơn so với USD hầu như đã được thị trường phản ánh. Thị trường chứng khoán trong khu vực vì vậy có vẻ đang ở mức rủi ro tương đối thấp, và có khả năng khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn thị trường khó có thể vượt xa khỏi mốc 1,000 điểm khi mà căng thẳng Mỹ-Trung, kỳ cơ cấu ETF và khả năng Fed nâng lãi suất là các rào cản không nhỏ. Trong bối cảnh đó, VDS cho rằng thanh khoản nếu có thể duy trì ở mức hiện tại, hoặc cao hơn 4,000 tỷ đồng/phiên sẽ là một kịch bản không tồi.
Về mặt tích cực, VDS kỳ vọng một chuyển biến từ khối ngoại trong một vài tháng tới, điều vẫn thường diễn ra ở cuối năm và đầu năm. Sau khi mua thỏa thuận VHM trong đợt IPO, khối này đã liên tục bán ròng cổ phiếu này (cùng với VIC và VRE), nên không loại trừ khả năng có một phần tiền vẫn đang chờ đợi thời điểm thích hợp để trở lại.
Dù vậy, các biến chuyển vĩ mô trên thế giới vẫn sẽ là nhân tố chính quyết định xu hướng trong 12 tháng tiếp theo. Nhà đầu tư cần lựa chọn đúng thị trường cho mục tiêu quý 4.
Theo VDS, nếu chỉ nhìn vào điểm số của các chỉ số thì thị trường đã có một tháng 8 tích cực với các chỉ số tăng điểm. Tuy vậy, mức tăng này không phản ánh diễn biến chung của thị trường khi mà các cổ phiếu vốn hóa lớn thay phiên nhau hỗ trợ chỉ số.
Nhìn chung, thị trường đã và đang nhận được nhiều bất lợi hơn so với tin tức hỗ trợ. Mặc dù các chỉ số vĩ mô của Việt Nam vẫn tích cực, các rủi ro bên ngoài đang là mối bận tâm lớn của nhà đầu tư. Chiến tranh thương mại cho có dấu hiệu kết thúc và xác suất cao là Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào cuối tháng 9. Kết quả là, những lo ngại về hoạt động bán ròng của NĐT nước ngoài cũng như rủi ro tiền đồng mất giá khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán e dè hơn.
Cho đến khi có sự đảo chiều của dòng vốn ngoại cũng như cải thiện hơn về thanh khoản, VDS cho rằng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 960 – 1,040 điểm. Trong biên độ này, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình – nhỏ sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Đông Tư
FILI
|