Góc nhìn 23/08: Khả năng điều chỉnh trở lại kiểm định lực cầu cao
Theo nhận định của các công ty chứng khoán (CTCK), trong phiên giao dịch 23/8, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại nhằm kiểm định lực cầu tại các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn.
Chờ đợi các thông tin hỗ trợ mới để bức phá về mốc 1,000 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Mặc dù áp lực chốt lời mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên chiều, chỉ số VN-Index tăng nhẹ trong phiên (22/08) do nhà đầu tư tiếp tục duy trì tâm lý lạc quan về triển vọng tích cực xoay quanh căng thẳng Mỹ-Trung cũng như khả năng Fed tăng lãi xuất vào kỳ họp tháng 9 sắp tới. Khối ngoại tiếp tục hỗ trợ thị trường (22/08) khi duy trì mua ròng, đặc biệt là ở 2 mã MSN và HPG.
BSI nhận định thị trường trong trạng thái tích lũy ngắn hạn trong khi chờ đợi các thông tin hỗ trợ mới để bức phá về mốc 1,000 điểm trong phiên sau, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi các diễn biến về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong tuần này để mở vị thế khi có thông tin tích cực.
Tận dụng những nhịp tăng của thị trường để chốt lời dần
CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): Đà tăng được nối dài lên phiên thứ 5 liên tiếp, tuy nhiên mức tăng đã bị thu hẹp nhiều do lực chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư. Cây nến đỏ nhỏ cho thấy sự giằng co khá cân bằng trong tương quan cung-cầu trong vùng giá 980-990 điểm. Đà tăng đang gặp khó khăn và nếu trong phiên tiếp theo, bên mua không thực sự dứt khoát để kéo thị trường bứt phá thì có thể một phiên giảm điểm sẽ sớm xảy ra. Trên góc độ kỹ thuật, ngưỡng 990 điểm (MA50 tuần) và 1,000 điểm (MA20 tuần) sẽ tiếp tục là kháng cự cũng như mục tiêu của VN-Index trong một vài phiên tới. Bên cạnh đó, sự rung lắc sẽ diễn ra nhiều hơn khi mà thị trường cố gắng vươn đến những mức cao kể trên.
Dự báo, trong phiên giao dịch 23/08, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại nhằm kiểm định lực cầu tại các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn. Nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng tiếp tục tận dụng những nhịp tăng của thị trường để chốt lời dần danh mục cổ phiếu đã mua trước đó. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Chỉ số sẽ sớm vượt qua vùng cản 982-985 điểm
CTCK Bảo Việt (BVS): VN-Index tăng 0,3% lên 982,15 điểm. Chỉ số duy trì đà tăng trên vùng 980-982 điểm trong suốt phiên giao dịch nhưng có dấu hiệu bị suy yếu về cuối phiên. Điều này phần nào cho thấy áp lực cung tiềm ẩn tại vùng kháng cự 980-982 điểm. Diễn biến điều chỉnh có thể xuất hiện trong phiên giao dịch kế tiếp.
Vùng kháng cự 983-985 điểm vẫn cho thấy là một vùng cản tương đối khó vượt qua. Dấu hiệu suy yếu của nhiều cổ phiếu bluechips vào cuối phiên 22/08 có thể khiến thị trường chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh trong một vài phiên kế tiếp. Vùng hỗ trợ của chỉ số nằm tại 970-975 điểm. Đường giá được kỳ vọng sẽ cho phản ứng tăng trở lại tại vùng điểm trên.
Mặt khác, BVS vẫn kỳ vọng rằng, chỉ số sẽ sớm vượt qua vùng cản 982-985 điểm để tiến đến thử thách vùng kháng cự mạnh 990-1,000 điểm ngay trong tháng 8 này. Xu hướng thị trường vẫn khá ổn định, tuy nhiên thị trường cần thêm những phiên tích lũy trước khi hướng về mốc 1,000 điểm. Nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục tối đa ở mức 60-70% cổ phiếu. Có thể kết hợp một phần tỷ trọng cho các hoạt động trading T+ trong các phiên thị trường biến động mạnh. Có thể xem xét bán giảm tỷ trọng khi chỉ số tiến vào vùng cản 990-1,000 điểm.
Vùng kháng cự của chỉ số nằm tại 980-982 điểm và 990-1,000 điểm.
Cẩn trọng với khả năng đảo chiều
CTCK KB Việt Nam (MSI): Sự phục hồi của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã đưa thị trường thoát khỏi xu hướng giảm giá trung-dài hạn và trở về trạng thái cân bằng. Dòng tiền tiếp tục tập trung mạnh trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, có xu hướng đẩy sự phân hóa đến mức bất hợp lý. Trong những phiên gần đây, nhóm ngân hàng nổi lên là điểm thu hút dòng tiền nhưng rủi ro tiềm ẩn vẫn ở mức cao khi các cổ phiếu vốn hóa lớn luân phiên xuất hiện những phiên biến động với biên độ cao. Với các diễn biến ngắn hạn, xu hướng tăng giá đang được các cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm ngân hàng luân phiên hỗ trợ nên chiến lược giao dịch ngắn hạn vẫn ưu tiên MUA những cổ phiếu dẫn dắt thị trường (top 10 vốn hóa và các ngân hàng hàng đầu). Tuy nhiên, do phân hóa quá mạnh, thiếu sự đồng thuận trong hầu hết các nhóm/ngành cùng với hiện tượng sụt giảm bất ngờ của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn/có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất hiện trở lại nên cần cẩn trọng với khả năng đảo chiều giảm điểm bất ngờ có thể xảy ra trong những phiên giao dịch tới.
Dương Lâm
FILI
|