Tổng Giám đốc IMF cảnh báo về cú sốc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới các thị trường mới nổi
Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lên tiếng cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tạo ra một cú sốc tới các thị trường mới nổi, đồng thời làm gia tăng khả năng khủng hoảng ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ có thể lan ra khắp các quốc gia đang phát triển.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde
|
Trao đổi với Financial Times, bà Lagarde cho biết, các quan chức IMF vẫn chưa nhận thấy tình trạng lan rộng ra nhiều quốc gia. Thế nhưng, bà cảnh báo rằng, “tình hình có thể thay đổi nhanh chóng” và dẫn lại “triển vọng không chắc chắn và sự thiếu vắng niềm tin từ các mối đe dọa thương mại (ngay cả trước khi các lời đe dọa này trở thành sự thật) như là một trong những mối nguy cơ chính mà các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt.
Bà Lagarde đưa ra những nhận định này trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị áp hàng rào thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, qua đó leo thang căng thẳng với Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc hứa sẽ trả đũa, và ông Trump cho biết, ông sẵn sàng áp thêm thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Việc triển khai hàng rào thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc “sẽ diễn ra rất sớm phụ thuộc vào những gì sắp diễn ra”, ông Trump nói với các phóng viên trên chiếc Không Lực Một trong ngày thứ Sáu (07/09). “Tôi ghét làm như thế này, nhưng đằng sau đó là thêm hàng rào thuế quan 267 tỷ USD sẵn sàng triển khai một cách nhanh chóng nếu tôi muốn”.
Cuộc xung đột thương mại mỗi lúc một nóng hơn ngay khi các thị trường mới nổi đang cố gắng vực dậy niềm tin thị trường, sau chuỗi bán tháo quyết liệt xuất phát từ đà tăng của đồng USD. Đồng Usd mạnh hơn sẽ gây khó khăn cho các Chính phủ và các công ty có vay nợ bằng đồng USD. Tính cho tới nay, cuộc khủng hoảng ở các quốc gia đang phát triển tập trung vào Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai quốc gia này đều có những vấn đề tài khóa hoặc chính trị cụ thể khiến nhà đầu tư phải “đứng ngồi không yên”. Thế nhưng, các quốc gia như Nam Phi, Indonesia và Brazil cũng chứng kiến tình trạng tháo chạy của dòng vốn trong vài tuần gần đây, qua đó làm gia tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng diện rộng hơn. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị nhóm họp trong ngày thứ Năm (13/09) sau khi báo hiệu rằng họ đã sẵn sàng nâng lãi suất để khôi phục niềm tin nơi nhà đầu tư, và Argentina đã yêu cầu IMF đẩy nhanh quá trình giải ngân gói cứu trợ để hỗ trợ tình hình tài chính.
Bà Lagarde cho biết, các biện pháp thắt lưng buộc bụng từ Tổng thống Argentina, Mauricio Macri, sẽ là yếu tố quyết định chính trong chính sách tài khóa sắp tới. Ngoài ra, bà nói thêm IMF đang xem xét yêu cầu của Argentina về việc đẩy nhanh giải ngân.
Tổng Giám đốc IMF nhận định, việc chiến tranh thương mại leo thang sẽ gây tác động đáng kể tới tăng trưởng Trung Quốc và sau đó còn tác động tới các quốc gia châu Á láng giềng, vì sự hòa hợp trong chuỗi cung ứng giữa các quốc gia này. Bên cạnh đó, bà cũng nói rằng, tác động tiêu cực ở Mỹ sẽ thể hiện rõ ở những người có thu nhập thấp – những người sẽ bị tác động nặng nề vì mức giá hàng hóa cao hơn.
“Thương mại là một điều tích cực, một điểm cộng, thương mại cần phải thiết lập một cách chắc chắn, nhưng nó là một công cụ và một động lực tăng trưởng không nên bị đe dọa, nhất là trong thời khắc này”, bà Lagarde nói rõ.
Ở Argentina, bà Lagarde cho biết, IMF đang trông đợi chính sách tiền tệ “rõ ràng, minh bạch, hợp lý và truyền tải thông tin tới các nhà điều hành thị trường và cải thiện truyền thông”. Điều này sẽ có một tác động rất lớn tới niềm tin trong nước, khi người dân tập trung tới thị trường tiền tệ, bà nói rõ.
Vũ Hạo (Theo Financial Times)
FiLi
|