Thị trường chứng khoán mới nổi hóa “gấu”
Nhiều nhà đầu tư dự báo sẽ còn giảm tiếp sau khi chứng khoán thị trường mới nổi bước vào phạm vi thị trường mới nổi, tức giảm hơn 20% so với mức đỉnh 52 tuần.
Chỉ số MSCI Emerging Market Index giảm 0.3% trong ngày thứ Năm (06/09 – giờ New York), qua đó nâng tổng mức giảm so với đỉnh tháng 1/2018 lên hơn 20% và chính thức bước vào thị trường con gấu.
Tài sản của thị trường mới nổi đang chịu áp lực nặng nề từ đồng USD mạnh hơn và đà tăng của lãi suất Mỹ, cũng như lập trường bảo hộ thương mại từ phía Donald Trump. Nỗi lo lan truyền từ các thị trường mới nổi bỗng trở thành tâm điểm chú ý trong vài tuần gần đây, khi các nền kinh tế đang phát triển có khả năng bị tác động nhiều nhất – như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ – rơi vào khủng hoảng. Nader Naeimi, Trưởng nhóm thị trường tại AMP Capital Investors Ltd. ở Sydney, cho hay, giá cổ phiếu có khả năng rớt thêm 10% kể từ mức này.
“Giảm thêm chút nữa và chúng ta sẽ có cơ hội mua vào khổng lồ”, ông nói.
Mặc dù sở hữu các yếu tố cơ bản tốt hơn, nhưng các nền kinh tế châu Á vẫn đang bị nhà đầu tư rút vốn mạnh. Chỉ số theo dõi cổ phiếu của các quốc gia đang phát triển ở châu Á giảm 3.6% trong tuần này và đang ở mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
Nhà đầu tư – những người chấp nhận mức biến động mạnh hơn trong ngắn hạn – rồi sẽ được tưởng thưởng với đà hồi phục, Suresh Tantia, Chiến lược gia đầu tư tại Credit Suisse Group AG ở Singapore, nói rõ.
“Cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đang bị kìm hãm bởi bất ổn thương mại và nỗi lo ngại về rủi ro lây lan tại thời điểm này”, ông nhận định. “Chúng tôi tin là các thị trường này đem lại giá trị khổng lồ khi triển vọng tăng trưởng của thị trường mới nổi vẫn tốt đẹp và mức định giá đã trở nên rất hấp dẫn”.
Đâu là những nguyên nhân dẫn tới làn sóng bán tháo tại thị trường mới nổi?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất, qua đó thắt chặt chính sách tiền tệ và thúc đẩy đồng USD. Một vài nền kinh tế mới nổi có lượng nợ bằng đồng USD rất lớn, vì vậy đồng bạc xanh mạnh hơn sẽ làm gia tăng chi phí trả nợ cho các quốc gia này. Ngoài ra, đồng bạc xanh mạnh hơn còn gây khó khăn cho các quốc gia mới nổi trong việc mua hàng hóa vì phần lớn hàng hóa đều được mua và bán bằng đồng USD.
“Đây vẫn là điểm then chốt. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu khăng khăng giảm bớt thanh khoản, đồng thời nâng lãi suất, những nạn nhân sẽ tiếp tục lao đao, bắt đầu với những quốc gia yếu hơn, nhưng rồi sẽ dần lan sang các quốc gia mạnh hơn”, Viktor Shvets, Trưởng Bộ phận Chiến lược cổ phiếu châu Á tại Macquarie, cho biết trong một báo cáo.
Fed đã nâng lãi suất 2 lần trong năm 2018 (tháng 3,6) và còn dự định nâng thêm 2 lần nữa trước khi kết thúc năm nay.
Cùng lúc đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn ngày một nóng hơn. Chính quyền Donald Trump được cho là sẽ áp thêm thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau lúc giữa đêm – vốn là hạn chót của giai đoạn bình luận công khai về đề xuất áp thuế. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng đe dọa áp thuế bổ sung lên hàng hóa Mỹ.
Trong khi đó, các quan chức Canada gặp gỡ các quan chức Mỹ để cố gắng tham gia vào thỏa thuận thương mại song phương giữa Mỹ và Mexico – vốn đã tiến tới vào ngày 27/08/2018. Thỏa thuận thương mại mới sẽ thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – vốn bao gồm Mỹ, Canada và Mexico. Hiệp định NAFTA đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích nặng nề. Ông Trump đã gọi đây là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, các cuộc đàm phán thương mại cũng diễn ra sau khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Mexico và Canada, và hai quốc gia này cũng đã đáp trả lại.
Các chính sách bảo hộ thương mại của chính quyền Donald Trump đã nhiều lần gây chấn động trên các thị trường mới nổi, vì phần lớn các nền kinh tế này đều phụ thuộc vào xuất khẩu. Các điều kiện thương mại thắt chặt hơn sẽ gây tổn thương tới các nền kinh tế này.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|