Sau tiền tệ, đến lượt cổ phiếu thị trường mới nổi bị bán tháo
Áp lực lên các thị trường mới nổi đã chuyển từ tiền tệ sang chứng khoán trong phiên giao dịch buổi sáng ngày thứ Tư (05/09), khi triển vọng lãi suất cao hơn làm mất đi tính hấp dẫn của các công ty hưởng lợi từ mức tăng trưởng ấn tượng của các nền kinh tế mới nổi.
Tính tới lúc 11h46 ngày thứ Tư (05/09 – giờ Hồng Kông), chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 1%, trong đó chỉ số chuẩn ở Jakarta trượt dốc 3.1% và chỉ số chuẩn ở Manila hạ 1.7%. Đồng Rupiah của Indonesia – một trong những đồng tiền bị tác động nặng nề nhất trong khu vực – không thay đổi quá nhiều sau khi chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 trong ngày thứ Ba (04/09).
Góp phần gia tăng căng thẳng ở thị trường mới nổi là đà tăng kéo dài của đồng USD. Đồng bạc xanh tăng giá sẽ khiến việc trả nợ bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những quốc gia như Brazil, Malaysia và Nam Phi. Tâm lý tiêu cực xuất hiện trong ngày thứ Ba (04/09) khi dữ liệu sản xuất công nghiệp Mỹ lạc quan làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ và nền kinh tế Nam Phi rơi vào suy thoái.
“Dường như chưa có dấu hiệu chấm dứt xu hướng giảm” đối với các tài sản thị trường mới nổi, Koji Fukaya, Giám đốc điều hành tại FPG Securities Co. ở Tokyo, cho hay. “Nhà đầu tư đã trở nên có chọn lọc hơn và các quốc gia có thông tin tiêu cực như tăng trưởng kinh tế yếu, cán cân nước ngoài yếu và lạm phát cao đều bị bán tháo mạnh hơn”.
Thị trường cổ phiếu Indonesia nới rộng đà giảm sang ngày thứ Năm liên tiếp, khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng hỗ trợ đồng Rupiah thông qua các biện pháp như nâng lãi suất. Các cổ phiếu ở Philippines giảm sau thông tin cho thấy lạm phát tăng vượt mốc 6% trong tháng trước.
Bên ngoài khu vực châu Á, nhà đầu tư vẫn còn lo lắng rằng Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ có thể không thực hiện đủ để vực dậy niềm tin cùa nhà đầu tư tại cuộc họp chính sách trong tuần tới. Và triển vọng kinh tế của Argentina ngày càng tồi tệ hơn khi các quan chức thương lượng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đẩy nhanh việc giải ngân gói cứu trợ.
Chỉ số theo dõi các đồng tiền tại các quốc gia đang phát triển của MSCI đang rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Trong khi đó, đồng bạc xanh dao động gần mức cao nhất trong hơn 1 năm, sau khi chỉ số ISM sản xuất công nghiệp của Mỹ nhảy vọt lên mức cao nhất trong 14 năm.
Đồng USD tiếp tục nới dài đà tăng sang phiên thứ 4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa gia tăng căng xung đột thương mại với Trung Quốc, với tuyên bố áp thuế lên 200 tỷ USD sớm nhất là vào ngày thứ Năm (06/09). Khi lãi suất tại Mỹ gia tăng, nhà đầu tư ngày càng lo ngại về các rủi ro riêng ở các thị trường mới nổi, bao gồm “nỗi đau” về tài khóa của Argentina, thâm hụt kép của Thổ Nhĩ Kỳ, các cuộc bầu cử của Brazil và dự luật cải cách đất của Nam Phi.
“Không có quá nhiều yếu tố khiến tôi suy nghĩ là đồng USD sẽ tăng giá, nhưng có quá nhiều lý do làm tôi lo ngại về các đồng tiền khác”, Kit Juckes, Chiến lược gia toàn cầu tại Societe Generale SA, cho hay.
Thị trường trái phiếu cũng bị tác động, trong đó chỉ số theo dõi trái phiếu định danh bằng USD tại các thị trường mới nổi của Bloomberg Barclays giảm gần 4% trong năm nay.
Điều tốt hiện nay là Trung Quốc đã thực hiện các động thái để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ, bao gồm cả việc đưa ra phương pháp “yếu tố phản chu kỳ” trong hoạt động thiết lập tỷ giá hàng ngày của đồng Nhân dân tệ. Các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc cũng đang cố gắng duy trì mức tăng trưởng cao.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|