"Thả nổi" giá xăng dầu: Nên hay chưa?
Lần đầu tiên, một lãnh đạo Bộ Công Thương mạnh dạn nêu đề xuất nhà nước quản lý giá xăng dầu thông qua các công cụ thuế, phí chứ không nhất thiết bằng công thức tính giá phức tạp như hiện nay. Lý do, thị trường đang trên đà cạnh tranh sòng phẳng với nhiều đầu mối lớn và 2 nhà máy lọc dầu đủ cung ứng 70% nguồn cung.
Tuy nhiên, trước đề xuất này, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), lại nêu quan điểm dè dặt hơn. "Đúng là nếu đã có cạnh tranh thì nên đưa giá về thị trường. Nhưng muốn sửa công thức tính giá xăng dầu theo hướng thị trường hơn cần phải làm rõ xem thị trường đã có sự cạnh tranh đến mức độ nào rồi, phù hợp để làm hay chưa" - ông Độ đặt vấn đề.
Vị phó viện trưởng cũng lưu ý trong lộ trình đưa giá xăng dầu tiệm cận với thị trường, phải cân nhắc kỹ tác động tới giá bán lẻ. Bởi, nếu nhà nước còn kiểm soát giá thì khối tư nhân, nước ngoài… sẽ gia nhập thị trường rất chậm. Còn nếu "thả" giá, các nhà đầu tư sẽ vào nhiều, thị trường dự báo rất sôi động song dễ vấp phải nguy cơ tăng giá trong thời gian đầu.
Vẫn có ý kiến cho rằng chưa đến lúc thả nổi giá xăng dầu. Ảnh: TẤN THẠNH
|
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, về nguyên tắc, nếu có cơ chế thị trường hoàn hảo thì phải thực hiện đúng nguyên tắc để thị trường định giá. Tuy nhiên, thị trường hoàn hảo là thị trường không có doanh nghiệp độc quyền hoặc thống lĩnh. Trong khi đó, với thị trường xăng dầu của Việt Nam, tuy có tới gần 30 đầu mối kinh doanh nhưng riêng Petrolimex đã chiếm tới gần 50% thị phần, phần đáng kể còn lại thuộc PV Oil và Saigon Petro, tức là thị trường có một nhóm doanh nghiệp (DN) giữ vị trí thống lĩnh. Như vậy, buộc nhà nước phải quy định giá trần, giá sàn, chưa nên thả nổi.
Về phía DN, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một đầu mối xăng dầu phía Nam đồng tình với đề xuất "thả nổi" giá xăng dầu theo thị trường. "Giờ phải làm quen với việc giá xăng sáng lên, chiều xuống. Cái khó chỉ là quản lý việc chốt giá, bán hàng sao cho tốt" - lãnh đạo này nói.
Theo đầu mối này, hiện đã có đủ cơ sở để đưa giá xăng về với thị trường, chấm dứt sự bao cấp của nhà nước. Sở dĩ thị trường xăng dầu được quản lý bởi bàn tay nhà nước rất nhiều năm là nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Cần có DN lớn thuộc sở hữu nhà nước làm công tác bảo đảm dự trữ xăng dầu khi Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhập khẩu xăng dầu nước ngoài. Nhưng nay, 2 nhà máy lọc dầu trong nước đã bảo đảm phần lớn nhu cầu thì việc dự trữ xăng dầu nhập khẩu là không cần thiết.
PHƯƠNG NHUNG
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|