Ấn Độ đang giảm nhập khẩu dầu từ Iran xuống mức 0?
Ấn Độ không có kế hoạch mua bất kỳ thùng dầu nào từ Iran trong tháng 11/2018, qua đó làm gia tăng khả năng Iran sẽ mất đi một khách hàng quan trọng khi các lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu tác động, đồng thời cũng làm nảy sinh suy đoán về việc liệu Trung Quốc có làm điều tương tự hay không.
Ấn Độ đang tham gia vào nhóm nước mua dầu tại châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành ngừng nhập khẩu dầu từ Iran trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào đầu tháng 11/2018. Vẫn còn chưa rõ là nếu Trung Quốc – quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất trên thế giới và là khách hàng số một của Iran – sẽ tiếp tục mua dầu từ Tehran hay không.
Indian Oil Corp. và Bharat Petroleum Corp. – hai công ty lọc dầu quốc doanh lớn nhất của Iran – chưa hề đặt hàng dầu thô từ Iran trong tháng 11/2018, theo lời của các nhân viên tại công ty. Nayara Energy cũng không lên kế hoạch mua dầu từ Iran.
Các công ty trên là những công ty mua dầu từ Iran nhiều nhất tại Ấn Độ, chiếm gần như toàn bộ lượng dầu Ấn Độ nhập khẩu từ Iran. Các quyết định mua dầu từ Iran vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng cho tới đầu tháng 10/2018, vì vậy các công ty lọc dầu vẫn có thể thay đổi quan điểm của mình.
“Hoạt động xuất khẩu dầu Iran có thể giảm xuống dưới ngưỡng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2018, trong đó các công ty lọc dầu Ấn Độ có khả năng không nhập hàng từ Iran và Trung Quốc cũng giảm bớt việc mua dầu từ Iran”, Amrita Sen, Trưởng Bộ phận Phân tích dầu tại Energy Aspects Ltd. ở Luân Đôn, cho biết trong một báo cáo gửi tới các khách hàng.
Đà giảm nhanh chóng của kim ngạch xuất khẩu dầu Iran đã đẩy giá dầu Brent vượt mốc 81 thùng/thùng lên mức đỉnh 4 năm. Việc mất thêm sản lượng dầu có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa, khi các công ty lọc dầu gấp rút tìm kiếm nguồn dầu thay thế ở những nơi khác. Trên khắp thế giới, chỉ có Ả-rập Xê-út cho tới các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Nga có khả năng bơm thêm dầu.
Giá dầu Brent gần như đi ngang ở mức 81.86 USD/thùng vào lúc 11h18 ngày thứ Tư (26/09 - giờ Singapore), sau đà tăng vọt gần 4% trong 2 phiên vừa qua, ngay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích OPEC và yêu cầu làm giảm giá dầu. Các hợp đồng dầu thô tương lai đã tăng mạnh 40% trong vòng 12 tháng vừa qua.
Ấn Độ là khách hàng mua dầu lớn thứ hai của Iran, nhập khẩu trung bình 577,000 thùng/ngày trong năm 2018, tương ứng 27% tổng lượng dầu xuất khẩu của Iran, dựa trên dữ liệu của Bloomberg. Với việc một vài quốc gia châu Á và châu Âu cũng giảm kim ngạch nhập khẩu dầu về mức 0, việc mất đi các khách hàng Ấn Độ (ngay cả khi chỉ là tạm thời) là một “cú tát” tới Iran.
Cùng thời điểm đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ (dù chưa có hiệu lực) đang tạo ra một khoảng trống lớn trên thị trường dầu toàn cầu, ngay khi giá dầu Brent đạt mức đỉnh 4 năm trên 80 USD/thùng. Mercuria Energy Group Ltd. và Trafigura Group – nằm trong số những công ty giao dịch lớn nhất trên thế giới – dự báo, sự mất mát nguồn cung từ Iran sẽ đẩy giá dầu lên mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014. Một số công ty dầu lớn nhất trên thế giới cũng có quan điểm tương tự. Bob Dudley – Giám đốc điều hành của BP Plc – dự báo, các lệnh trừng phạt lên Iran lần này sẽ có tác động tới thị trường lớn hơn so với vòng trừng phạt từ 6 năm về trước.
Chính quyền Donald Trump đang theo đuổi lập trường cứng rắn hơn. Họ muốn tất cả quốc gia ngừng nhập khẩu dầu từ Iran vào đầu tháng 11/2018 và vẫn chưa rõ là có quốc gia nào được miễn trừ hay không. Trong các lệnh trừng phạt trước đó dưới thời Tổng thống Barack Obama, chính quyền Mỹ vẫn cho phép các nước mua dầu từ Iran nhưng với mức thấp hơn.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|