Vọt hơn 3%, dầu Brent vượt ngưỡng 81 USD/thùng
Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh vào ngày thứ Hai (24/09), trong đó hợp đồng dầu Brent ghi nhận mức đóng cửa cao nhất trong gần 4 năm còn hợp đồng dầu WTI khép phiên tại đỉnh hơn 2 tháng, MarketWatch đưa tin.
Các nhà sản xuất dầu chủ chốt đã từ chối đề nghị gia tăng sản lượng dầu thêm nữa để giải quyết khả năng gián đoạn nguồn cung vào một cuộc họp diễn ra hồi cuối tuần qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex tiến 1.30 USD (tương đương 1.8%) lên 72.08 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 10/07/2018.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn vọt 2.40 USD (tương đương gần 3.1%) lên 81.20 USD/thùng. Hợp đồng này đã ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/11/2014, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Một Ủy ban gồm đại diện của các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và nhà sản xuất đồng minh, được biết là Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung các nước trong và ngoài OPEC (JMMC), vào cuối tuần qua tại Algiers đã tuyên bố không có kế hoạch chính thức về việc gia tăng sản lượng để bù đắp 2 triệu thùng dầu/ngày có khả năng bị mất do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran. Cuộc họp kế tiếp của JMMC sẽ được tổ chức tại Abu Dhabi một tuần sau khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực.
Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, nói với các nhà báo ở Algeria rằng: “Tôi không làm ảnh hưởng đến giá dầu”. Một báo cáo chỉ ra rằng không có kế hoạch nào được lập ra để nâng sản lượng, qua đó cho thấy OPEC và các thành viên có thể sẵn lòng để giá dầu leo cao.
Naeem Aslam, Giám đốc phân tích thị trường tại Think Markets, nhận định: “Rõ ràng, nhà sản xuất dầu lớn nhất của OPEC không quan tâm đến việc can thiệp vào cân bằng thị trường dầu hiện nay. Nhà sản xuất ngoài OPEC, là Nga, cũng lặp lại thông điệp tương tự và làm rõ rằng nước này không có hứng thú để chơi trò cân bằng thị trường dầu vào thời điểm này”.
Giá dầu nhảy vọt, một phần nhờ quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Trump và các biện pháp trừng phạt Tehran nhằm làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này.
Hiện kim ngạch xuất khẩu dầu tại Iran đã mất 500,000 thùng/ngày từ tháng 4 đến tháng 8/2018, dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy.
Hồi tháng 6/2018, các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC đã thống nhất gia tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng.ngày trong nỗ lực đưa sản lượng về gần mức đã cam kết trước đó.
Giá dầu thô nhảy vọt đã thu hút sự chú ý của ông Trump. Trước đó, ông đã có những nhận định thông qua Twitter rằng OPEC “cần phải làm giảm giá dầu ngay bây giờ”.
Theo hãng tin The Wall Street Journal, các bộ trưởng năng lượng tại Algiers đã không thể thống nhất cách phân bổ tốt nhất bất kỳ sự gia tăng sản lượng nào nhằm giải quyết sự thiếu hụt dầu của Iran.
Các cuộc thảo luận cũng bế tắc bởi những bất bình đẳng vốn có trong OPEC, đáng chú ý là giữa các nhà sản xuất, như Ả-rập Xê-út và Nga, các nước có thể dễ dàng gia tăng sản lượng, và các quốc gia nhỏ hơn, vốn có thể được hưởng lợi từ sự nhảy vọt của giá dầu nhưng không thể gia tăng sản lượng một cách dễ dàng.
Cuối cùng, hội nghị vào cuối tuần qua tại Algeria kết thúc với việc các nhà sản xuất dầu cho biết sẽ tuân theo hạn ngạch sản lượng đã đồng thuận vào cuối năm 2016.
Một số người tham gia thị trường nghi ngờ rằng các thành viên trong và ngoài OPEC có thể sẽ giữ giá dầu trong tầm kiểm soát.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 10 tiến 1.9% lên 2.055 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 10 vọt 2.7% lên 2.286 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 10 tăng gần 2.1% lên 3.038 USD/MMBtu, khép phiên trên mốc 3 USD lần đầu tiên trong năm nay.
An Trần
Fili
|