Nhịp đập Thị trường 04/09: Rớt mạnh, VN-Index xa dần mốc 1,000 điểm
Giao dịch về cuối phiên chiều khá bi quan khi các chỉ số thị trường hầu hết đều đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên.
VN-Index kết phiên giao dịch giảm 13.6 điểm tương đương 1.37% xuống mức 975.94 điểm. HNX-Index giảm 1.39% xuống mức 111.23 điểm.
Độ rộng toàn thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 175 mã tăng điểm và 271 mã giảm điểm. Chỉ có 6 trong 20 ngành là giữ được sắc xanh, còn lại đều ở mức tham chiếu hoặc giảm mạnh.
Ngành ngân hàng giảm gây chú ý lớn và thuộc nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Các mã cổ phiếu như VCB, CTG, BID, ACB, SHB… đều giảm sâu.
Ngành chứng khoán cũng lao dốc mạnh nhất với mức giảm 2.4%. Các cổ phiếu đầu ngành như HCM, SSI, VND… đều điều chỉnh đáng kể.
Trong nhóm VN30 hầu hết đều giảm. Đáng chú ý là VJC bất ngờ giảm sàn và tạo nến đỏ dài kiểu Bearish Belt Hold. Hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn là vùng đáy cũ 120,000-135,000.
Biến động của VJC trong vòng 9 tháng qua
Khối ngoại bán ròng 11.18 tỷ trên HOSE và mua ròng 17.79 trên HNX. Nếu khối ngoại mua ròng mạnh trong thời gian tới thì rủi ro sẽ giảm bớt.
14h: Ngân hàng giảm đều, bất động sản phân hóa
Thị trường vẫn tiếp tục đà giảm trong phiên sáng và tình trạng phân hóa ngày càng rõ nét hơn.
Độ rộng thị trường vẫn còn nghiêng về bên bán với 177 mã tăng và 266 mã giảm.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite quay đầu tăng hơn 1%. Còn chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng tăng trên 200 điểm. Tuy nhiên, điều này không hề giúp cải thiện tâm lý thận trọng của giới đầu tư Việt Nam.
Ngành ngân hàng vẫn tiếp tục lao dốc và nằm trong top giảm mạnh của thị trường. Đây được đánh giá là cơ hội để mua vào những mã cổ phiếu có cơ bản tốt và được định giá hợp lý.
Riêng HDB thì đang về gần vùng giá 32,000-36,000. Vùng này được đánh giá có độ tin cậy cao và khối lượng tích lũy lớn.
Biến động của HDB trong vòng 6 tháng qua
Ngành bất động sản phân hóa rất rõ nét. Trong khi VIC, DXG, CEO… giảm mạnh thì VHM, NDN, HLD… lại tăng trưởng khá tốt.
Phiên sáng: Sắc đỏ lan dần
Các mã cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, chứng khoán, vận tải… đi xuống khiến thị trường lao dốc.
Kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 985.56 điểm, giảm 0.40%; HNX-Index dừng tại mức 111.99 điểm, tương đương mức giảm 0.71%.
Giao dịch trên cả hai sàn ở mức vừa phải cho thấy tâm lý nhà đầu tư không quá hưng phấn. Bên bán lại chiếm ưu thế với 168 mã tăng và 230 mã giảm.
Về nhóm ngành, chứng khoán là ngành giảm mạnh nhất thị trường. Sự đi xuống của HCM, VND, SSI… đã khiến ngành này đi xuống.
Ngành ngân hàng cũng giảm khá nhiều và liên tục nằm trong top những ngành giảm mạnh nhất. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng như VPB.
Giá VPB đã tăng nhẹ trong bối cảnh hầu nhết những mã trong ngành ngân hàng đều giảm hoặc đi ngang. Vùng 23,500-26,000 đang hỗ trợ rất tốt cho giá.
Biến động của VPB trong vòng 12 tháng qua
Ngành thực phẩm – đồ uống đang cung cấp các trụ chống cho thị trường với sự khởi sắc của bộ đôi VNM và MSN.
10h30: Giằng co, rung lắc liên tục
Số ngành giảm đang dần áp đảo số ngành tăng trên thị trường trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Độ rộng toàn thị trường khá yếu với 155 mã tăng điểm và 196 mã giảm điểm. Điều này cho thấy bên bán đang mạnh dần lên.
Trong một giai đoạn phức tạp như vậy thì nhóm thực phẩm – đồ uống đang được giới đầu tư để mắt tới. Đây cũng là ngành được ưa thích trong những thời kỳ xu hướng thị trường không rõ ràng.
Các mã VNM, MSN là những lá cờ đầu kéo ngành này đi lên. Riêng VNM thì giá đang hình thành mẫu hình Falling Wedge. Nếu giá phá vỡ cận trên (tương đương vùng 160,000-163,000) thì mục tiêu mới sẽ lên đến vùng 190,000-195,000.
Biến động của VNM trong vòng 9 tháng qua
Nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng giảm khá mạnh với “đầu tàu” là HPG. Giá HPG gặp kháng cự tại trendline ngắn hạn (vùng 40,000-41,500).
Biến động của HPG trong vòng 9 tháng qua
Mở cửa: Các ETF cũng rơi vào trạng thái discount
Các thị trường châu Á phủ sắc đỏ khiến cho nhà đầu tư Việt Nam khá bi quan sau kỳ nghỉ lễ.
Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về bên mua vào đầu phiên khi có 157 mã tăng và 128 mã giảm.
VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) đều ở trong trạng thái discount nên dự kiến sẽ ảnh hưởng phức tạp đến thị trường chung trong ngắn hạn.
Nhóm nông – lâm – ngư thể hiện sự bất ổn khi thường xuyên dẫn đầu nhóm tăng và giảm mạnh nhất xen kẽ nhau. Sự ảnh hưởng của bộ đôi HAG và HNG lên nhóm này là rất rõ nét.
Giá HNG đã vượt đỉnh cũ tháng 07/2018 (tương đương vùng 16,500-17,500) nên dự kiến đà tăng sẽ còn tiếp diễn.
Biến động của HNG trong vòng 6 tháng qua
Ngành ngân hàng giảm mạnh nhất nên dự kiến thị trường chung sẽ khó bứt phá nếu tình trạng này vẫn kéo dài.
Thế Phong
FILI
|