Nhịp đập Thị trường 31/08: Nhà đầu tư rút tiền chơi Lễ?
Giao dịch về cuối phiên chiều hướng khá tiêu cực khi lực bán chốt lời xuất hiện khiến chỉ số giảm xuống dưới mốc 990 điểm
VN-Index kết phiên giao dịch giảm 8.53 điểm xuống còn 989.54 điểm, HNX-Index giảm 0.7% xuống còn 112.79 điểm.
Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 233 mã giảm điểm và 209 mã tăng điểm. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang chuyển biến xấu.
Nhóm ngân hàng và dầu khí sau khi dẫn sóng trong thời gian qua đã gặp áp lực chốt lời mạnh.
Ngành ngân hàng giảm mạnh khi các cổ phiếu lớn trong ngành như VCB, BID, CTG... đều lao dốc. Điểm sáng duy nhất là VPB khi cổ phiếu này vẫn duy trì được đà tăng từ đầu đến cuối phiên.
Ngoài ra HDB cũng không giảm mạnh và hấp thu tốt lượng cung. Mục tiêu trong thời gian tới là vùng 43,000-45,000.
Biến động của HDB trong vòng 6 tháng qua
Ngành bảo hiểm có thể coi là điểm sáng khi BVH, VNR đều tăng tốt. Giá BVH đang hướng tới vùng đỉnh cũ tháng 04/2018 (tương đương 104,000-108,000)
Biến động của BVH trong vòng 6 tháng qua
Khối ngoại mua ròng 4.05 tỷ trên HOSE và mua ròng 30.71 trên HNX. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì rủi ro sẽ giảm bớt.
14h: Lại lùi bước trước mốc 1,000 điểm
Diễn biến đầu phiên chiều chứng kiến sự rung lắc tại mốc 1,000 điểm bất chấp nỗ lực từ các cổ phiếu trụ như VHM, VNM, VPB...
Độ rộng thị trường lại nghiêng về bên bán với 195 mã tăng và 237 mã giảm.
Tâm lý chung của thị trường châu Á có dấu hiệu ổn định hơn khi chỉ số Hang Seng chỉ còn giảm 250 điểm. Tuy nhiên, rủi ro mới lại xuất hiện khi mới đây đồng Rupiah của Indonesia đã rơi xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỉ qua.
NVT, OGC, VAF... là các cổ phiếu nhỏ tăng trần nhưng chỉ có OGC và NVT có thanh khoản đáng chú ý nhất. Trong đó, OGC tăng mạnh sau khi kiểm định thành công ngưỡng hỗ trợ 1,700-1,800.
Ngành sản phẩm cao su lại “dẫn đầu” trong các ngành giảm điểm. Điều này thể hiện sự không ổn định rất cao của ngành này.
Giá DRC đã đảo chiều giảm khá mạnh sau khi test kháng cự 27,500-30,000. Hỗ trợ gần nhất trong ngắn hạn là vùng 24,000-25,000.
Phiên sáng: Tạm vượt 1,000 điểm
Khi mà các ngành không để lại nhiều dấu ấn thì bộ đôi VHM và VNM đã đóng vai trò trụ chống cho thị trường.
Kết phiên sáng, VN-Index đạt mức 1,002.14 điểm, tăng 0.41%; HNX-Index dừng tại mức 113.56 điểm, tương đương mức giảm 0.02%.
Giao dịch trên cả hai sàn ở mức vừa phải cho thấy tâm lý nhà đầu tư không quá hưng phấn. Cung cầu khá cân bằng và nghiêng nhẹ về bên mua với 209 mã tăng và 187 mã giảm.
Về nhóm ngành, chứng khoán, bất động sản và ngân hàng đều nằm trong Top 5 giảm mạnh nhất thị trường.
Trong một ngày mà đa số các mà trong ngành ngân hàng đều giảm hoặc xoay quanh tham chiếu thì VPB lại trở nên nổi bật với mức tăng thường xuyên khoảng 3%. Cổ phiếu này cũng đã tích lũy khá lâu trong thời gian qua.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra với bất động sản. Mã VHM trở thành tâm điểm chú ý của ngành này khi tăng trưởng tốt với khối lượng giao dịch khá lớn so với các phiến liền kề trước đó.
Vùng 102,000-108,000 được đánh giá là rất mạnh và sẽ hỗ trợ tốt cho giá trong thời gian tới.
Biến động của VHM trong vòng 2 tháng qua
Ngành thực phẩm - đồ uống phân hóa khi VNM tăng còn SAB và MSN giảm. Mã VNM đi lên và đang hướng đến mục tiêu mới là vùng 176,000-181,000.
10h30: Giằng co dưới mốc 1,000 điểm
Thị trường đang xảy ra rung lắc giữa các bên dưới mốc tâm lý 1,000 điểm. Nếu tình trạng này kéo dài quá lâu sẽ không tốt.
Độ rộng toàn thị trường khá cân bằng với 185 mã tăng điểm và 195 mã giảm điểm. Tuy nhiên, bên bán vẫn nhỉnh hơn một chút so với bên mua.
Có một điểm đáng chú ý là basic hiện tại của VN30 và VN30F1809 lên đến gần 7 điểm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang có tâm lý khá thận trọng đối với diễn biến trong tương lai của thị trường.
Nhóm thực phẩm & đồ uống đang tăng 0,6%. Đặc biệt là mã VNM sau thời gian điều chỉnh đã phục hồi ấn tượng và đang là trụ chính của thị trường hiện tại cùng với VHM. Ở chiều ngược lại SAB đang có dấu hiệu điều chỉnh khi sụt giảm hơn 1,1%.
Vùng giá 145,000-155,000 đã hỗ trợ rất tốt cho VNM nên nhiều khả năng giá sẽ tạo đáy và đi lên mạnh từ đây.
Biến động của VNM trong 12 tháng qua
Mở cửa: Ảnh hưởng tiêu cực từ chứng khoán thế giới
VN-Index mở cửa tăng điểm nhưng lại yếu dần do các tác động từ thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Độ rộng thị trường khá cân bằng vào đầu phiên khi có 158 mã tăng và 144 mã giảm.
VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) và FTSE Vietnam UCITS ETF (XFVT) biến động giảm trong phiên giao dịch tối qua. VNM ETF ở trong trạng thái premium nhưng XFVT lại đang discount nên dự kiến sẽ ảnh hưởng phức tạp đến thị trường chung trong ngắn hạn.
Thị trường châu Á giảm đáng kể trong phiên hôm nay. Chỉ số Hang Seng đã giảm 1,4% (hơn 400 điểm) sau khi mở cửa. Thông tin Donald Trump định áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong tuần tới đã gây tâm trạng bi quan khá lớn.
Ngành công nghệ thông tin thể hiện sức mạnh khi đang dẫn đầu tăng 1,04%.
Chỉ số ngành ngân hàng giảm nhưng VPB gây ấn tượng đặc biệt khi tăng hơn 3%. Đây đang là điểm sáng cho nhóm ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung.
Biến động của VPB trong 12 tháng qua
Thế Phong
FiLI
|