Thứ Năm, 30/08/2018 15:15

Nhịp đập Thị trường 30/08: Bỗng dưng bốc đầu

Với khí thế hừng hực đi lên từ nửa đầu phiên sáng, VN-Index tiếp tục bay cao trong phiên chiều và chỉ còn cách mốc 1,000 điểm khoảng 1.9 điểm. Thị trường không đón nhận tin nào quá tích cực, ngoại trừ thông tin về buổi họp thường niên của Chính phủ.

Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng là động lực giúp chỉ số này tăng, đồng thời lan tỏa đến nhiều Large Cap của các nhóm ngành khác. Đến thời điểm đóng cửa sàn HOSE, có đến 23 mã trong nhóm Vn30 tăng giá, so với chỉ 6 mã giảm giá. Hầu hết nhóm ngành tăng giá tích cực, thật khó tìm nhóm nào có số mã giảm giá áp đảo số tăng giá.

Nhóm ngân hàng vốn bất ngờ tăng giá trong nửa cuối phiên sáng, đến phiên chiều càng củng cố đà tăng. BID, CTGVCB là các mã đã tạo ra sự tăng giá tích cực cho cả nhóm. Khối ngoại cũng mua ròng đáng kể ở HDB, VCB, STB.

Tích cực từ phiên sáng, nhưng đến phiên chiều MSN tranh thủ tăng tới 6%, GAS cũng tăng đến 4%, cả 2 mã này có lẽ tăng mạnh nhờ công của khối ngoại. HPG tăng giá rất nhẹ, nhưng ngược lại bị khối ngoại xả đến gần 3 triệu cổ phiếu.

Diễn biến 2 sàn HNX và UPCoM cũng tích cực đồng dạng với HOSE. Đến 15h, không chỉ 2 chỉ số chính, đã không còn chỉ số phụ nào giảm dưới tham chiếu. PVS bất ngờ tăng hơn 5% ngay từ đầu phiên chiều và giữ nguyên đà tăng cho đến khi đóng cửa. Một số mã vốn hóa lớn khác cũng tăng giúp kéo chỉ số lên như ACB, DBC, VGTHVN bất ngờ tăng trở lại, dù phiên sáng còn giảm. Có lẽ HVN cũng không muốn đi ngược thị trường vào lúc này.

Nhóm bất động sản dân dụng tuy sắc xanh nhiều hơn đỏ, nhưng mức tăng giá lại khá thất vọng. Đa số cổ phiếu tăng nhẹ chừng 1-2%. DXG tăng 1.2% dù được khối ngoại mua ròng. KDH đứng giá, trong đó khối ngoại giao dịch mua thỏa thuận tới 4.34 triệu cp. Ở chiều bên kia, SJS bất ngờ giảm giá đến 4.5%.

Cổ phiếu PNC tiếp tục phiên thứ 3… không có giao dịch, dù có thông tin khá tích cực. PNC đã thông qua phương án bán toàn bộ 7.5% vốn tại CGV Việt Nam. Giá vốn đầu tư hơn 11.5 tỷ đồng nhưng giá chuyển nhượng dự kiến là 101 tỷ đồng, như vậy mức lãi gấp 7 lần vốn bỏ ra. Không rõ tình trạng không có giao dịch có phải do cổ đông quá cô đặc hay không.

“HAG lỗ tăng gấp 3 lần sau soát xét”, thông tin này không đạp giá cổ phiếu HAG xuống quá sâu. Đóng cửa chiều nay, HAG chỉ giảm giá nhẹ 1.4%. Công ty con của HAG, HNG có cổ phiếu tăng giá 2.7%, dường như muốn vượt bứt khỏi đỉnh gần nhất 17,550 đ/cp hồi cuối tháng 7 vừa qua.

Phiên sáng: Hồi phục mạnh mẽ

VN-Index hồi phục mạnh mẽ kể từ khoảng 10h30 và hiện dừng lại nghỉ trưa ở mức 989.98 điểm (+0.18%). CTG, VCB, MWG, PVD… khởi đầu đợt phục hồi này, đến 11h đã lan tỏa đến nhiều Large Cap khác và sau đó là cả thị trường. Số lượng cổ phiếu tăng giá trong nhóm VN30 đã lên đến 17, so với 10 mã giảm (ngược với đầu phiên sáng). Diễn biến các chỉ số phụ cũng khá đồng dạng với VN-Index, cho thấy rõ ràng có sự lan tỏa từ chỉ số chính. Tuy nhiên 2 chỉ số nhóm Small Cap của 2 sàn vẫn đang đỏ, có lẽ do nhà đầu tư đang bị các nhóm vốn hóa lớn khác thu hút quan tâm nhiều hơn.

Sáng nay tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, qua phân tích 12/12 chỉ tiêu năm 2018 mà Quốc hội giao có thể đạt và vượt, trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt, GDP đạt trên 6.7%. Đây có lẽ là tin vĩ mô mới nhất, có thể tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư trong nửa cuối phiên sáng nay, và góp phần giúp đẩy chỉ số VN-Index hồi phục và vượt lên trên tham chiếu.

2 nhóm ngành có đóng góp lớn (vốn hóa) cho chỉ số là ngân hàng và dầu khí đang có diễn biến tich cực, trong đó sớm nhất phải kể đến ngân hàng, cụ thể là 3 cổ phiếu quốc doanh VCB, BID và CTG. Đây là những mã có lệnh mua đẩy vào mạnh và tạo đà phục hồi sớm nhất, khoảng 10h30 sáng nay. Chưa rõ điều gì giúp bên cầu bỗng dưng tăng mạnh như vậy, nhưng dù sao, thị trường vẫn phải “cám ơn họ”.

Thị trường hồi, chỉ số UPCoM tăng mạnh nhất. Sáng nay chỉ số này luôn đi ngược so với VN-Index, tức tăng khá nhờ MSR, VGT…, đến khi VN-Index hồi thì chỉ số này thậm chí còn tăng mạnh hơn, lên đến 0.54% vào cuối phiên sáng.

Báo chí đăng tin HAG lỗ ròng 6 tháng sau soát xét gấp 3 lần so với báo cáo tự lập trước đó, điều này đúng, tuy nhiên thực tế số lỗ cũng khá nhỏ, chỉ khoảng 35 tỷ đồng, nên sự so sánh “gấp 3 lần” có vẻ nhấn mạnh quá mức cần thiết.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt được 1.2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ, còn lại 5 tháng cũng là mùa nhập khẩu của các nước, nếu từ nay đến cuối năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ mức 200 triệu USD/tháng thì năm nay hoàn toàn có khả năng đạt kim ngạch ít nhất 2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2017. Đây rõ ràng là tin tích cực cho ngành xuất khẩu cá tra, vốn có kết quả rất khả quan qua 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên điều bất ngờ là sáng nay cổ phiếu nhóm này vẫn có vẻ thờ ơ, trừ VHC tăng 2.7% cũng không tính là mạnh. Có lẽ thông tin đăng trên TBKTSG sáng nay, đại ý rằng đang có khá nhiều nước khác đẩy mạnh nuôi và khai thác lọai thủy sản này (hoặc tương tự), tạo ra sức ép cạnh tranh cho Việt nam trong thời gian tới, đã “chặn” đà tăng cổ phiếu nhóm này.

10h30: 1,000 điểm khó đạt vậy sao?

VN-Index có xu hướng giảm mạnh hơn đầu phiên sáng, do nhóm Large Cap kéo xuống. Tuy rất gần mức 1,000 điểm, nhưng tính ra đã nửa tháng nay VN-Index vẫn chưa chạm nổi, dù cách đây 2 hôm khoảng cách đã chỉ còn chưa đến 5 điểm. Thị trường được nhiều chuyên gia dự báo vẫn trong xu thế tích cực, VN-Index vận động tăng dần đều trong biên độ hẹp hơn hẳn so với các tháng trước đó, nhưng từ hôm qua đến sáng nay chỉ số quay ngoắt đầu giảm.

Nhóm ngân hàng hiện chả còn mã nào tăng giá. “Bế tắc” trong tăng vốn đang là trở ngại cho một số mã lớn của nhóm ngành này. Nhiều nhóm ngành khác cũng tràn ngập sắc đỏ, chứng khoán, bất động sản, dầu khí… Tuy nhiên nhóm cao su và cả săm lốp lại bất ngờ có nhiều sắc xanh.

UPCoM-Index vẫn hiên ngang trên tham chiếu, nhờ MSR duy trì đà tăng giá mạnh 5.5%. Ngoài ra, chỉ số sàn này còn được hỗ trợ bởi SDI, VGT và HVN. VGT vừa công bố kết quả 8 tháng khá tich cực.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa điểm bày bán hàng hóa gắn mác xách tay (điện thoại, máy tính, mỹ phẩm…), việc rao bán hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... Đây có lẽ không hẳn chỉ nhằm mục tiêu chống thất thu thuế. Nếu chương trình thành công và lan tỏa ra các thành phố lớn như HCM, đây chắc chắn sẽ là tin tốt cho các nhà bán lẻ điện thoại di động đang niêm yết.

Mới đây lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các sở, ngành và huyện Nhơn Trạch về dự án khu trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch, do DIC Corp (DIG) nộp hồ sơ đề nghị đầu tư. Dự án này có quy mô vốn đầu tư khoảng 7.7 ngàn tỷ đồng, trong đó Nhà nước chỉ bỏ ra khoảng 50%.

HBC vẫn tăng giá 1.5% nhưng đà tăng có vẻ khó khăn, do đi ngược thị trường. Công ty vừa công bố tin tốt cho các chuyên gia phân tích 1 số công ty chứng khoán, về khả năng đạt doanh thu và lợi nhuận tốt trong 6 tháng cuối năm nay.

Cổ phiếu vàng của TTCK tháng 8 – SRA, tiếp tục tăng trần 9.8% sáng nay, lên 58,100 đ/cp.

Mở cửa giằng co

VN-Index mở cửa thấp ở mức 987.62 điểm, hơn 1 chút so với tham chiếu. VN30-Index cũng giảm nhẹ tương tự, trong đó sổ cổ phiếu giảm giá (13 mã) đang nhiều hơn số tăng giá (8). Tuy nhiên mức điểm của 2 chỉ số này chưa giúp được gì nhiều về dự đoán diễn biến trong những phút tới.

MSN, BVH, GAS đang tăng, nhưng các cổ phiếu lớn nhóm ngân hàng và bộ ba VICVHMVRE giảm. Nhóm Large Cap chỉ dao động rất nhẹ so với tham chiếu, hoàn toàn có thể “đổi màu”.

Nhóm ngân hàng có lẽ vẫn chịu sức ép từ thông tin về “đói” vốn và “đói” thanh khoản. Theo thông tin từ NHNN, trong 2 ngày 27-28 tháng 8 lãi suất liên ngân hàng vẫn khá cao so với mặt bằng trước đó. Ngoài ra, thông tin về khả năng các tổ chức nước ngoài chỉ chịu chi mua cổ phần của các ngân hàng có yếu tố quốc doanh dưới thị giá hiện nay cũng là một rào cản tâm lý khá lớn, hạn chế những ai thích lướt sóng. Sáng nay chỉ có một vài cổ phiếu nhóm này tăng giá nhẹ, như ACB, NVB, HDB…

Ngược với HOSE, UPCoM-Index đang tăng khá mạnh so với các phiên trước đó. Chỉ số sàn này tăng nhờ MSR tăng giá tới hơn 5%, ngoài ra còn 1 số mã khác cũng tăng, ví dụ như HVN hay VGT…

Chiều qua lãnh đạo HBC đã tổ chức buổi gặp gỡ các nhà phân tích. Ban lãnh đạo cho biết ước 6 tháng cuối năm, công ty đạt doanh thu hợp nhất 11,601 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 692 tỷ đồng. Cả năm nay HBC có thể đạt được doanh thu hợp nhất 19,681 tỷ đồng và lãi hợp nhất 986 tỷ đồng, tăng 23% và 15% so với năm trước. Tất nhiên số liệu ước tính trên lượng hợp đồng backlog và tiến độ thi công các công trình hiện tại.

Sáng nay cổ phiếu HBC tăng giá chừng 2%, nhìn chung trong tháng 8 là tăng nhẹ trong biên độ hẹp nhưng đều. Định giá có vẻ khá rẻ, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng cổ phiếu nhóm ngành xây dựng hiện nay có mặt bằng định giá khá thấp so với nhóm liên quan là bất động sản dân dụng. P/E trailing của các công ty như HBC, CTD… dưới 10 lần, thấp hơn bình quân 13-15 lần của các công ty bất động sản. Điều thú vị là ROS, một công ty cũng được coi là xây dựng, dường như lại không được đưa vào “rổ” tính P/E bình quân nhóm xây dựng, nên nhóm này mới có P/E thấp vậy.

FRT kinh doanh hiệu quả hơn hẳn MWG tính trên góc độ doanh số trên 1 đơn vị m2 sàn kinh doanh, tuy nhiên thông tin này có lẽ chỉ mang lại vài phút giây sảng khoái cho những ai đang nắm cổ phiếu FRT. Trên sàn chứng khoán, hiệu quả kinh doanh vẫn được đo bằng các chỉ số lợi nhuận trên doanh thu và vòng quay, chứ không so trên đầu người hay diện tích sàn. Sáng nay cổ phiếu này giảm giá nhẹ khoảng 1%.

Hãng Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố báo cáo thị trường văn phòng khu vực Đông Nam Á, trong đó TP HCM nổi lên là điểm nóng hấp dẫn nhất khu vực với nhu cầu thuê cao, tỷ lệ hấp thụ ở mức lý tưởng và giá thuê trên đà tăng. Theo bà Regina Lim, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường Vốn JLL Đông Nam Á, trong bối cảnh nền kinh tế Đông Nam Á không ngừng tăng trưởng, nhu cầu thuê văn phòng được kỳ vọng tăng khoảng 6% hàng năm từ 2018 đến 2021. Đây rõ ràng là thông tin tốt cho nhóm BĐS dân dụng, nhưng sáng nay nhóm này vẫn phân hóa. Một số cái tên nổi bật trong vài phiên qua như DXG, DIG, NLG, HDG… sáng nay đang giảm nhẹ.

Hoàng Nam

FiLi

Các tin tức khác

>   VN30 Futures 30/08: Quay trở lại với chiến lược trading T+0 (29/08/2018)

>   Vietstock Daily 30/08: Tâm lý thận trọng gia tăng (29/08/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 29/08: Giảm mạnh cuối phiên (29/08/2018)

>   VN30 Futures 29/08: Rung lắc mạnh quanh ngưỡng 970 điểm của VN30-Index? (28/08/2018)

>   Vietstock Daily 29/08: Large Cap sẽ dẫn dắt VN-Index vượt 1,000 điểm? (28/08/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 28/08: Khối ngoại mạnh dạn xuống tiền (28/08/2018)

>   VN30 Futures 28/08: Chú ý đến các vị thế mua khi VN30-Index vượt 970 điểm? (27/08/2018)

>   Vietstock Daily 28/08: VN-Index hướng tới ngưỡng 1,000 điểm? (27/08/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 27/08: Hạ nhiệt trong phiên chiều (27/08/2018)

>   VN30 Futures Weekly 27-31/08/2018: Hoạt động trading trong phiên được ủng hộ? (27/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật