Thứ Bảy, 15/09/2018 09:20

EU ra luật buộc Google, Facebook trả tiền bản quyền

Nghị viện EU vừa thông qua luật cải cách bản quyền gây tranh cãi, trong bối cảnh các tranh cãi xung quanh nó về quyền tự do thông tin, quyền lợi cho báo chí vẫn chưa kết thúc.

Các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu hôm 12/9 vừa thông qua luật cải cách bản quyền, buộc các "ông lớn" công nghệ như Google và Facebook phải ngăn chặn người dùng đăng tải các nội dung được bảo vệ bản quyền, đồng thời phải chia sẻ doanh thu với người viết hoặc người làm nhạc.

CNN đánh giá luật vừa được thông qua là một đòn giáng nặng nề vào các công ty công nghệ lớn, vốn đã gặp áp lực từ các cơ quan của EU về cách họ sử dụng thông tin cá nhân của người dùng cùng các nội dung gây tranh cãi.

Luật mới được thông qua ở Nghị viện EU vẫn cần sự phê duyệt cuối cùng của Ủy ban EU và các quốc gia thành viên, tuy nhiên động thái vừa qua cũng mang thêm quyền lợi cho các nghệ sĩ cũng như bên xuất bản (các tờ báo, bên sản xuất nội dung) thêm quyền lực khi mặc cả với các công ty công nghệ.

Theo quan điểm của những người ủng hộ, cải cách từ phía EU sẽ khôi phục tính cân bằng trong quyền lực của những người làm nhạc, phim và các hãng tin tức trước các "ông lớn" công nghệ. Trong khi đó, những người chỉ trích cảnh báo luật lệ sẽ đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên của những bức ảnh chế (meme), thường được chế ra dựa trên các hình ảnh có bản quyền.

"Đây là tín hiệu tốt cho nền công nghiệp sáng tạo ở châu Âu", CNN dẫn lời Axel Voss, nghị sĩ Đức đi đầu trong việc ủng hộ dự luật.

Các nghị sĩ vỗ tay chúc mừng Axel Voss, người đi đầu trong việc ủng hộ dự luật, sau khi dự luật được thông qua tại Nghị viện châu Âu. Ảnh: AFP.

Điều 11 - "đánh thuế link" hay doanh thu chính đáng cho báo chí?

Tâm điểm tranh cãi của luật mới này, vốn làm trì hoãn một phiên bỏ phiếu hồi tháng 7, là điều 11 và 13. Điều 11 yêu cầu các nền tảng tập hợp tin tức và trang web tìm kiếm phải trả tiền cho bên xuất bản tin tức vì những thông tin họ trích ra, hoặc đường link họ dẫn đến những bài báo của các hãng tin.

Theo Guardian, các công ty âm nhạc, nhà làm phim và hãng tin tức có thể đòi các công ty công nghệ, như Google và Facebook, chia sẻ hàng tỷ USD trong doanh thu của họ sau luật mới này.

Các hãng tin lớn ở châu Âu đã vận động để thông qua luật này, cáo buộc Google và Facebook "ăn cướp" doanh thu từ tin tức và quảng cáo của họ, kéo theo "mối nguy cho nền dân chủ".

Những người chỉ trích lại gọi điều luật này là "dẫn link cũng bị đánh thuế". Các công ty công nghệ nói rằng điều 11 sẽ ngăn chặn dòng chảy thông tin trên Internet.

Trong bài viết đăng trên Guardian vài ngày trước khi Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua luật, Sammy Ketz, trưởng văn phòng đại diện của AFP tại Baghdad, Iraq và là một người ủng hộ dự luật này, nói rằng báo chí đã bị các nền tảng nội dung "hút máu" quá lâu.

"Các tờ báo là bên trả tiền cho nội dung, gửi đi những phóng viên dám liều cả mạng sống của mình để mang về những thông tin đáng tin, hoàn chỉnh, trung thực và đa dạng. Nhưng họ không phải là nơi nhận về nhiều lợi nhuận nhất, mà chính là các nền tảng Internet", ông nói. "Facebook và Google không có nhà báo nào và không hề sản xuất ra nội dung báo chí. Nhưng họ được trả tiền cho những quảng cáo gắn kèm với nội dung mà các nhà báo làm ra".

Facebook và Google đứng trước nguy cơ phải trả tiền bản quyền cho nghệ sĩ và các tờ báo vì thông tin họ chia sẻ. Ảnh: AFP.

Về phía những nhà báo như ông Ketz, việc các nền tảng như Facebook, Google kiếm được hàng tỷ USD từ những nội dung các tờ báo làm ra, trong khi chính các tờ báo gặp khó khăn kinh phí, phải cắt giảm phóng viên, mới là sự đe dọa cho tự do thông tin.

Ở hướng ngược lại, trong bài viết đăng trên Conversation, Thomas Margoni, giảng viên về Luật Sở hữu Trí tuệ và Internet tại Đại học Glasgow, nói rằng bản chất kinh tế của bản quyền là nó trao quyền độc quyền cho một bên đối với một "sản phẩm". Nếu cho phép sự độc quyền đó được mở rộng ra đối với các ý tưởng, sự thật và số liệu về các sự kiện đang diễn ra (tức thông tin báo chí), thì đó là sự giới hạn đối với quyền tự do thông tin.

Điều 13 - cái chết của "meme"?

Điều 13 yêu cầu các nền tảng chia sẻ nội dung như YouTube phải có trách nhiệm cho các nội dung vi phạm bản quyền mà người dùng đưa lên. Theo đó, họ sẽ phải thiết kế công cụ lọc để ngăn chặn người dùng đăng tải các nội dung được bảo vệ bản quyền.

Những người chỉ trích cho rằng công cụ lọc tự động sẽ tăng thêm sự giám sát đối với người dùng, làm tổn hại quyền tự do biểu đạt. Họ cho rằng các công cụ hiện có để ngăn chặn việc chia sẻ nhạc và video có bản quyền vốn đã rất rộng.

"Bất cứ điều gì bạn muốn đăng tải đều phải được các bộ lọc này cho phép", CNN dẫn lời Julia Reda, một nhà làm luật người Đức phản đối luật này. "Những nội dung hoàn toàn hợp pháp như video nhái và ảnh chế sẽ bị bắt bài ngay".

Dưới luật mới, những bức ảnh chế như thế này có thể sẽ trở thành mục tiêu do chúng sử dụng hình ảnh được bảo vệ bản quyền.

Eleonora Rosati, một nhà lập pháp và chuyên gia về bản quyền tại Đại học Southampton, lại nói rằng tác động lâu dài của luật này phải phụ thuộc vào việc bản dự luật cuối cùng được thông qua cụ thể đến mức nào và nó sẽ được cắt nghĩa ra sao.

"Nếu một đạo luật không rõ ràng, các luật sư sẽ là người vui mừng, nhưng điều đó rất phiền phức vì nó tạo ra sự không chắc chắn", bà nói. "(Các cảnh báo) là có lý, nhưng bị thổi phồng lên".

YouTube, do Google sở hữu, đã vận động để chống lại luật mới này. Họ cho rằng các công ty công nghệ không phải là "cảnh sát" nội dung, không có đủ phương tiện để ngăn chặn việc đăng tải và chia sẻ các thông tin vi phạm bản quyền và việc tạo dựng các công cụ lọc sẽ rất tốn kém.

"Người ta muốn tiếp cận tin tức và nội dung sáng tạo có chất lượng ở trên mạng", Google tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu. "Chúng tôi luôn nói rằng cần có nhiều sự cải tiến và hợp tác, đó là cách tốt nhất để đạt được một tương lai bền vững cho ngành công nghiệp tin tức và sáng tạo ở châu Âu". Facebook chưa đưa ra phản hồi gì.

Dù vậy, luật bản quyền Internet hiện hành của EU đã được thông qua cách đây 20 năm, và dù là người phản đối hay đồng ý dự luật cũng biết rằng luật lệ cần phải thay đổi để phù hợp với kỷ nguyên số mới. Nó cũng xét trên nền tảng là việc các công ty công nghệ ngày càng giàu có từ nội dung được chia sẻ trên nền tảng của họ, những nội dung được làm ra bởi các tờ báo và nghệ sĩ liên tục gặp khó khăn trong việc thu tiền bản quyền cho sản phẩm của mình.

Phương Thảo

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Cuộc "so găng" giữa Alibaba và Tencent (17/09/2018)

>   Vì sao Apple vẫn lận đận ở châu Á? (14/09/2018)

>   JPMorgan dự báo cuộc khủng hoảng kế tiếp sẽ diễn ra vào năm 2020 (14/09/2018)

>   Donald Trump không cảm thấy áp lực phải tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc (14/09/2018)

>   Mỹ đề xuất vòng đàm phán thương mại mới với Trung Quốc (13/09/2018)

>   Tổng Giám đốc IMF cảnh báo về cú sốc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới các thị trường mới nổi (12/09/2018)

>   10 nước 'bán' quốc tịch, visa dài hạn giá hàng triệu USD (11/09/2018)

>   'Mánh khóe' của doanh nghiệp Trung Quốc nhằm tránh thuế của Mỹ (11/09/2018)

>   Nomura: 7 quốc gia thị trường mới nổi có nguy cơ khủng hoảng tỷ giá (11/09/2018)

>   Volkswagen đối mặt với yêu cầu bồi thường hơn 10 tỷ USD (10/09/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật