Vì sao nhà đầu cơ Jesse Livermore tự sát?
Địa ngục và thiên đàng đôi khi chỉ cách nhau một bước chân. Câu chuyện của Livermore là minh chứng lớn nhất cho điều này.
Sự ổn định mới là yếu tố khẳng định đẳng cấp
Nếu bạn là fan của thể loại lịch sử-quan trường Trung Quốc thì sẽ quen thuộc với câu: “Làm quan như đi trên băng mỏng, bất cứ lúc nào cũng có thể ngã ngựa”. Người viết thiết nghĩ làm nhà đầu tư cũng thế mà thôi. Thua lỗ có thể đến bất cứ khi nào!
Nói đến sự ổn định thì không ai qua nổi Irving Kahn. Từ khi mới vào nghề năm 19 tuổi cho đến khi chết năm 109 tuổi thì ông kiếm lãi đều đều trong suốt 90 năm. Ngay cả những giai đoạn đại khủng hoảng năm 1929-1933 ông cũng vẫn sống phây phây. Ổn định đến như thế thì ngay đến cả Warren Buffett cũng phải gọi bằng cụ!
Irving Kahn là nhà đầu tư “siêu” ổn định. Nguồn: Wall Street Journal
Cuộc đời của Jesse Livermore không có được sự ổn định như vậy. Khi “con gấu vĩ đại của Wall Street” tự sát chắc cũng đau đớn chả kém gì Hạng Vũ bỏ mình ở Ô Giang. Nhưng trách ai được vì khi thành công thì ông không chịu nghĩ cách để giữ thành quả mà cứ lao đầu mạo hiểm. Đời ông là sự pha trộn kỳ lạ giữa thành công nhanh chóng, sự mạo hiểm nghẹt thở và những thất bại thảm hại sau đó. Tuy nhiên, con chó dù có to lớn hung dữ như Pitbull hay Ngao Tây Tạng thì vẫn là con chó. Nó không thể thành con sư tử được. Tương tự như vậy, thất bại cho dù có hào hùng bất khuất, kinh thế tuyệt diễm cỡ nào thì cũng là thất bại. Kẻ thua thì vẫn là kẻ thua mà thôi.
Bạn có thể kiếm lời ít cũng được nhưng phải giữ phong độ ổn định. Sự thất thường quá mức như Livermore trước sau gì cũng sẽ dẫn đến diệt vong.
Nghi ngờ về việc mắc phải các hội chứng tâm lý
Dưới góc nhìn tài chính hành vi, Livermore có thể mắc phải hội chứng overconfidence (tạm dịch là tự tin thái quá). Nhà đầu tư khi mắc hội chứng này thường trở nên quá tự tin vào khả năng dự đoán thị trường của mình. Điều này dẫn đến một hệ quả vô cùng xấu là các nhà đầu tư này thường bỏ qua việc đa dạng hóa và phòng ngừa rủi ro cho danh mục đầu tư.
Những nhà đầu tư gặp thành công lớn ngay từ khi mới bắt đầu dấn thân vào thị trường như Livermore là một trong những đối tượng dễ mắc hội chứng này nhất.
Một hội chứng khác mà Livermore cũng có thể mắc phải là loss aversion (tạm dịch là sự sợ hãi quá mức đối với thua lỗ). Theo Giáo sư Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002, nhiều nhà đầu tư luôn có rất sợ hãi thua lỗ đến mức ác cảm. Điều này dẫn đến những người này luôn muốn giữ lại các cổ phiếu lỗ nặng để mong chờ nó tăng trưởng chứ không bao giờ chịu nhìn nhận đó như một sai lầm.
Điều này hết sức nguy hiểm bởi nó thường tạo ra khoản lỗ lớn hơn trong tương lai. Hành vi này cũng tương tự như một con bạc khát nước đánh cược ngày càng lớn vào các ván bài với hy vọng “phục thù” và lấy lại vốn.
Livermore quá kiêu ngạo và bảo thủ. Nguồn: Trend Following
Cần tránh một đời sống cá nhân quá “phong phú”
Điều giống nhau giữa nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và thiên tài đầu cơ John Arnold là gì? Đó là họ đều có một cuộc hôn nhân viên mãn và ổn định. Mặc dù vẫn có những ngoại lệ nhưng nhìn chung các huyền thoại đầu tư đều có cuộc sống hôn nhân khá êm đềm.
Livermore lại không có được điều này. Chính các bà vợ đã gây hại và khiến cuộc đời ông đi vào ngõ cụt. Khi đời sống cá nhân của bạn quá “phong phú” và sóng gió thì bạn không thể tập trung để làm tốt công việc đầu tư trong dài hạn được. Đó là lí do vì sao Livermore chỉ thành công trong ngắn hạn rồi mau chóng thất bại sau đó.
Livermore và vợ trong một buổi tiệc. Nguồn: ValueWalk
Thế Phong
FILI
|