'Siết' thuế kinh doanh qua Facebook, Google
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại hội thảo lấy ý kiến cho luật Quản lý thuế (sửa đổi) do Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), Hội Tư vấn thuế VN tổ chức ngày 7.8.
Kinh doanh qua Facebook, Google... đang bùng nổ tại VN. Ngọc Dương
|
Dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử như: xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế online, tổ chức bộ phận ở Tổng cục Thuế để rà soát, nắm bắt các giao dịch kinh doanh thương mại điện tử...
Đây được xem như động thái để siết lại những trường hợp tương tự vụ việc một cá nhân viết trò chơi điện tử, nhận tiền quảng cáo qua mạng với mức thu nhập 41 tỉ đồng tại Quảng Nam, nhưng lại không kê khai và trốn thuế với số tiền 4 tỉ đồng.
Theo quy định hiện hành, những cá nhân có thu nhập từ kinh doanh 100 triệu đồng 1 năm trở lên phải nộp thuế. Căn cứ vào biểu tỷ lệ phần trăm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu được xác định tại Thông tư số 92 của Bộ Tài chính, ngành dịch vụ có tỷ lệ phần trăm thuế giá trị gia tăng là 5%; tỷ lệ phần trăm thuế thu nhập doanh nghiệp là 2%. Vì thế, cá nhân có nguồn thu nhập từ mạng nước ngoài phải đóng mức thuế là 7% trên thu nhập (gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân). Tuy nhiên, việc xác định doanh số và nguồn thu nhập này đang rất khó khăn khi thiếu đi các quy định và công cụ kiểm soát.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho biết hiện nay đối với các hoạt động thương mại điện tử, Ngân hàng Nhà nước đang định kỳ thông tin về những giao dịch lớn cho cơ quan thuế. Ngân hàng Nhà nước cũng có thông tư hướng dẫn các khoản thanh toán bằng thẻ thanh toán quốc tế (như Visa/Mastercard) phải thực hiện qua những đơn vị được cấp phép. Do vậy, cơ quan thuế kết hợp các dữ liệu từ cơ quan này để quản lý các khoản thu thuế.
“Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng chỉ quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các website có tên miền VN. Website tên miền không phải VN không nằm trong quản lý của Bộ Công thương. Vì vậy, trong dự thảo lần này, chúng tôi bổ sung các bộ, ngành có liên quan trong việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử”, ông Huy nói.
Vai trò quan trọng của ngân hàng
Điểm đáng chú ý, theo ông Huy, dự thảo luật sửa đổi cũng đưa ra quy định kiểm soát hoạt động thanh toán. Theo đó, ngân hàng thương mại phải có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế phát sinh đối với giao dịch thương mại điện tử của các tổ chức nước ngoài có kinh doanh và phát sinh thu nhập từ VN. Đây là cơ sở pháp lý để sau này Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn cho ngân hàng thương mại và các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, cho biết đối với các hộ kinh doanh lớn, tiền được chuyển qua ngân hàng, ví điện tử… cơ quan thuế có thể thông qua các đơn vị này để biết doanh thu, thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, phía ngân hàng, cơ quan chuyển tiền cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin. Tuy nhiên, với đơn vị, cá nhân bán hàng qua Facebook và thu bằng tiền mặt thì khó kiểm soát hơn. Cơ quan thuế có thể phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công thương, các ngân hàng để xem cơ sở dữ liệu. Kể cả khi xóa cơ sở dữ liệu đi thì những cơ quan này cũng có quyền khôi phục dữ liệu lại để điều tra, tính lại số thuế mà hộ kinh doanh trốn, gây thất thu.
Trả lời báo chí, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), cho biết hiện không có công cụ để kiểm soát, thống kê được lượng bán hàng cũng như ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Do đó, phải rà soát lại cơ sở dữ liệu, công nghệ hiện đại, các quy định cụ thể.
Tiêu Phong
Thanh Niên
|