Lương tối thiểu 2019: Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị giãn tiến độ điều chỉnh
Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, cần giãn tiến độ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào sau năm 2019.
Đồng thời, xác định mức sống tối thiểu là mục tiêu để phấn đấu, chứ không nên và không thể lấy mốc năm 2020 phải đảm bảo mức sống tối thiểu làm điều kiện tiên quyết, không tính tới hiệu quả của nền kinh tế cũng như sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Từ năm 2013 đến nay, lương khu vực doanh nghiệp đều đặn điều chỉnh hàng năm, trong khi khu vực công thì nhiều năm mới điều chỉnh (Ảnh: Phân xưởng may Cty TNHH Đại Lợi - Vĩnh Phúc).
|
Theo lập luận của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, mức sống tối thiểu là chỉ số động, thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào nhu cầu của từng người và nhóm người theo sự phát triển của kinh tế.
Tốc độ tăng lương phi kinh tế
Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, khi xây dựng mức lương tối thiểu 2019, cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo và kết luận của các Hội nghị BCH Trung ương Khoá XII. Trong đó, với Nghị quyết TW 5 là “tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thực sự trở thành lực lượng nòng cốt đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá”.
Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng dẫn dắt ghi nhận của Nghị quyết TW 7: “Việc quy định một số nguyên tắc về xây dựng thanh, bảng lương đã can thiệp quá mức vào quyền tự chủ về tiền lương của doanh nghiệp”. Cụ thể, lương thấp nhất của công nhân khu vực I là 3,980 triệu, cao hơn lương công chức ví dụ bậc 1 là 2,942 triệu. Từ năm 2013 đến nay, lương khu vực doanh nghiệp đều đặn điều chỉnh hàng năm, trong khi khu vực công thì nhiều năm mới điều chỉnh.
Nghị quyết TW 7 cũng xác định “thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020, mức lương tối thiểu đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình”.
Chính sách điều chỉnh lương tối thiểu cần đươc hiểu theo nghĩa động, không hoàn toàn chỉ là điều chỉnh tăng mà không có điều chỉnh giảm hoặc giữ nguyên trong năm, tuỳ theo tình hình phát triển kinh tế xã hội, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
|
Cùng với đó, Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh tới chủ trương của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong các Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016, Nghị quyết 19/NQ-CP với tư tưởng chủ đạo là giảm chi phí cho doanh nghiệp, lấy hiệu quả của doanh nghiệp vừa là mục tiêu vừa là điều kiện để cải thiện điều kiện sống của người lao động một cách vững chắc.
Cuộc CM CN 4.0 cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chuẩn bị ứng phó, đặc biệt tích tụ tập trung vốn cho đầu tư công nghệ và đào tạo nhân lực. Do đó, Hiệp hội DNNVV Việt Nam khẳng định cần tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp để doanh nghiệp ổn định, tích tụ vốn, thích ứng được với những tác động của thị trường.
Điều đáng nói, thực tế cho thấy, những năm qua, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng đã vượt quá xa so với tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng GDP. “Điều đó là phi kinh tế, trái quy luật. Cụ thể, giai đoạn 2011-2016, năng suất lao động chỉ tăng 4,5% trong khi lương tối thiểu vùng 2014-2016 tăng 13%, gấp 3 lần tốc độ tăng năng suất. Năm 2017, năng suất tăng 5,9% trong khi lương tối thiểu tăng 7,3%. Nếu so sánh với tốc độ GDP thì giai đoạn 2013-2017 GDP tăng bình quân 7%/năm, trong khi lương tối thiểu vùng tăng 13%, gấp 2 lần”, đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh.
Mức sống tối thiểu không phải điều kiện tiên quyết
Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, chính sách điều chỉnh lương tối thiểu cần đươc hiểu theo nghĩa động, không hoàn toàn chỉ là điều chỉnh tăng mà không có điều chỉnh giảm hoặc giữ nguyên trong năm, tuỳ theo tình hình phát triển kinh tế xã hội, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Thực tế, từ năm 2014 - 2017, Hội đồng Tiền lương quốc gia (TLQG) đã tiến hành 5 lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng với mức tăng tương ứng cho các năm là 15,2%; 14,2%; 12,4%; 7,3% và 6,5%. Như vậy, chưa có năm nào giữ nguyên hoặc điều chỉnh giảm. Do đó, Hiệp hội DNNVV Việt Nam kiến nghị: “Giãn tiến độ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng vào sau năm 2019”.
Đồng thời, cần thống nhất việc xác định mức sống tối thiểu cũng như xác định lộ trình để đáp ứng chỉ mang tính tương đối, là mục tiêu để phấn đấu, chứ không nên và không thể lấy mốc năm 2020 phải đảm bảo mức sống tối thiểu làm điều kiện tiên quyết, không tính tới hiệu quả của nền kinh tế cũng như sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Thy Hằng
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|