Nợ thuế tăng cao
Số tiền nợ thuế tăng đột biến những tháng đầu năm 2018. Nếu không có các biện pháp mạnh tay, rất khó để thu hồi.
Người dân làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế Q.1, TP.HCM.
Ảnh: Ngọc Dương
|
Nhiều “tên tuổi” trong “bảng phong thần”
Cục Thuế TP.HCM vừa công bố danh sách 306 doanh nghiệp (DN) nợ 288,1 tỉ đồng tiền thuế, trong đó chỉ tính riêng 3 DN “nhóm đầu” đã có số nợ lên 200 tỉ đồng. Đó là Công ty TNHH MTV cây trồng TP.HCM nợ hơn 176,2 tỉ đồng, Công ty TNHH cơ khí Tân Kiến Thành nợ hơn 11,6 tỉ đồng, DN tư nhân xây dựng và kinh doanh nhà Gia Hòa nợ hơn 11,55 tỉ đồng… Cơ quan thuế đã dùng các biện pháp cưỡng chế như thông báo hóa đơn không còn sử dụng, gửi công văn đề nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, trích tiền từ tài khoản ngân hàng… nhưng cũng không hiệu quả.
Đây là lần thứ 3 Cục Thuế TP.HCM công bố danh sách DN chây ì nợ thuế. Ở danh sách đợt 2 công bố gần giữa tháng 7 có đến 1.258 DN nợ tiền hơn 1.556 tỉ đồng. Trong đó, có những cái tên khá quen thuộc như Công ty TNHH thương mại Lô Hội nợ thuế 105,3 tỉ đồng, Công ty CP may Minh Hoàng nợ hơn 70 tỉ đồng, Công ty CP truyền thông đa phương tiện Lasta nợ 30,7 tỉ đồng, Công ty CP lọc hóa dầu Nam Việt nợ 45,8 tỉ đồng, Công ty CP Tập đoàn quốc tế Năm Sao nợ 12,1 tỉ đồng, Công ty Diệp Bạch Dương nợ 33,9 tỉ đồng. Theo số liệu sơ kết 6 tháng đầu năm của Cục Thuế TP.HCM, tổng số nợ thuế có khả năng thu tính đến 30.6 là 11.422 tỉ đồng, tăng 50,65% so với cuối năm 2017.
Tương tự, Cục Thuế TP.Hà Nội cũng vừa công khai danh sách 331 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất tháng 7 với số nợ 2.485 tỉ đồng, trong đó 16 DN nợ tiền sử dụng đất 1.299 tỉ đồng. Những DN có tên trong danh sách “đen” như Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 nợ 342 tỉ đồng, Công ty cổ phần Lilama Hà Nội đang nợ khoảng 111 tỉ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn điện tử công nghiệp VN nợ 80 tỉ đồng, Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng nợ hơn 60 tỉ đồng...
Ước tính 6 tháng đầu năm, nợ toàn ngành thuế là 80.134 tỉ đồng, tăng 6.990 tỉ đồng, tương ứng tăng 9,6% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, nợ không có khả năng thu hồi là gần 34.000 tỉ đồng, tăng 8% so với cuối 2017. Các cơ quan thuế liên tục áp dụng các biện pháp thu hồi nợ trong 6 tháng đầu năm 2018. Chẳng hạn, Cục Thuế TP.Hà Nội đã ban hành 9.719 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với 7.700 DN nợ thuế với số tiền 2.589 tỉ đồng; ban hành quyết định cưỡng chế nợ bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với 3.409 DN, số tiền nợ 2.299 tỉ đồng... nhưng như nói trên, con số nợ thuế vẫn ngày một gia tăng, kể cả biện pháp bêu tên.
Nguyên nhân khiến số nợ thuế tăng, theo ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, do số DN nợ thuế bỏ trốn, mất tích tăng, trong số nợ thuế này có tiền khó thu, bỏ địa chỉ là 5.686 tỉ đồng, cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng không thu hồi được 2.651 tỉ đồng; chờ giải thể, liên quan đến vụ án là 988 tỉ đồng. Do chưa có quy định chế tài đối với các chủ thể nợ tiền thuế phải thanh toán hết nợ mới được phép thành lập DN mới, nên tình trạng DN bỏ địa chỉ kinh doanh càng nhiều. Bên cạnh đó, còn có một nguyên nhân mà theo đánh giá của ông Tâm đang trở thành xu hướng đó là DN “gối đầu”. Nghĩa là vẫn khai thuế theo quy định, nhưng sau đó cố tình nợ thuế nhưng dưới 90 ngày để không bị cưỡng chế thuế và chấp nhận trả tiền phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày. Mức này vẫn thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng, trong khi đi vay ngân hàng đòi hỏi DN phải làm thủ tục, có tài sản thế chấp.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, DN làm cách này không vi phạm quy định mà cố tình chây ì để tiết kiệm chi phí tài chính. Bởi tiền phạt chậm nộp dưới 90 ngày là 0,03%/ngày, tính ra một năm khoảng 10,8%, thấp hơn lãi vay ngân hàng, đó là chưa nói đến việc vay NH phải mất thời gian làm thủ tục. Ở nước ngoài, lãi phạt thuế cao, nên các DN sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Hơn nữa việc tuân thủ thuế còn được đánh giá tín nhiệm nên DN cũng không làm như thế này.
Thanh Xuân
THANH NIÊN
|