Lo sức ép tỉ giá lên hàng hóa
Giá USD tăng thời gian qua nhưng áp lực tỉ giá chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài.
Phiên giao dịch 13-8, giá USD trong các ngân hàng (NH) tăng trở lại sau khi hạ nhiệt vào cuối tuần, được giao dịch phổ biến ở mức 23.270 đồng/USD mua vào, 23.350 đồng/USD bán ra. Từ đầu năm tới nay, tỉ giá USD/VNĐ đã tăng khoảng 2,5%-2,6% ở các NH thương mại lẫn trên thị trường tự do.
Ôtô rục rịch tăng giá
Một số doanh nghiệp (DN) bắt đầu lo tỉ giá ảnh hưởng đến chi phí đầu vào cho hàng hóa, nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài tính bằng USD.
Trong ngành ôtô, một số DN đã tính đến chuyện tăng giá bán xe nếu giá USD cứ tiếp tục nhích lên. Theo tính toán của giới nhập xe, mỗi USD cứ tăng thêm 500 đồng thì một chiếc ôtô 10.000 USD sẽ phải tốn thêm từ 8-9 triệu đồng. Như thế, có những mẫu xe nhập sẽ bị đội giá thêm đến vài chục triệu đồng hoặc cả trăm triệu đồng với những mẫu xe sang. Không riêng nhà nhập khẩu, các DN sản xuất, lắp ráp ôtô cũng "than trời" trước biến động của tỉ giá bởi hầu hết linh kiện lắp ráp ôtô đều phải nhập và sử dụng USD để thanh toán.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại KYLIN-GX668 (Hải Phòng), nhận định với các mẫu xe được đặt hàng từ 3 tháng trước, khả năng lớn là DN sẽ buộc phải chịu thua thiệt và không tăng giá. Nguyên nhân là bởi đã có công bố và cam kết về giá với khách hàng. Tuy nhiên, các mẫu xe đặt hàng sau thời điểm đó, khả năng giá bán sẽ cao hơn.
"Thủ tục kiểm tra, đăng kiểm theo lô cùng nhiều chi phí khác đã quá lớn. Nay lại thêm sức nóng tỉ giá sẽ bồi thêm áp lực cho DN" - ông Hùng chia sẻ và cho biết thêm hiện ông phải chuyển hướng tạm thời kinh doanh xe cũ để giảm bớt áp lực này.
Ông Lê Ngọc Đức, Giám đốc Công ty Ôtô Hyundai Thành Công, nhận định giá USD tăng khiến không chỉ ôtô mà các ngành sản xuất phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng. Do đó, tất cả mặt hàng đều buộc phải tăng giá. Nếu tính theo đúng nguyên tắc đầu vào tăng - đầu ra tăng, giá xe của Hyundai Thành Công ít nhất phải tăng 3% hoặc nhiều hơn.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng cân nhắc thời điểm bởi tăng thì ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). DN ý thức được trách nhiệm trong bối cảnh Chính phủ cần kiểm soát CPI nên chưa tăng giá, còn nếu thả nổi theo thị trường thì giá xe đã tăng lâu rồi. DN gắng gượng bởi kỳ vọng Chính phủ sẽ có những động thái điều tiết bình ổn tỉ giá" - ông Đức bày tỏ.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) nhìn nhận giá ngoại tệ tăng là một trong những khó khăn của DN nhập khẩu. Thời gian qua, để tránh tác động của tỉ giá, Saigon Petro mua gần như 100% xăng, dầu trong nước từ 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Chỉ một lượng nhỏ dầu diesel buộc phải nhập từ Singapore, Malaysia để tái xuất.
Trong khi đó, các hãng hàng không liệt kê một loạt chi phí từ thiết bị liên quan đến máy bay, hệ thống, nhiên liệu, các dịch vụ tại sân bay nước ngoài, lương trả cho phi công nước ngoài… đều tính bằng USD. Do đó, giá USD tăng cao đẩy chi phí đầu vào của DN tăng theo. Gần đây, giá dầu lại tăng đáng kể cũng ảnh hưởng đến chi phí hoạt động của các hãng.
Với DN dệt may xuất khẩu, diễn biến tỉ giá gây sức ép ít hơn bởi đầu vào và đầu ra đều được thanh toán bằng USD. "Nhập nguyên phụ liệu để sản xuất rồi xuất đi bằng USD thì giá sẽ cân bằng. Tất nhiên, sẽ phải thông qua khâu đàm phán lại giá" - ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên, chia sẻ.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam có đủ sức can thiệp để bình ổn tỉ giá. Ảnh: TẤN THẠNH
|
Không quá lo về tỉ giá đến cuối năm
Trong khi nhiều DN nói họ đang chịu áp lực lớn về tỉ giá thì các chuyên gia kinh tế lại cho rằng DN không cần quá lo lắng. Giáo sư Andreas Hauskrecht, Trường ĐH Indiana Mỹ, thành viên Nhóm sáng kiến Việt Nam, nhận xét tỉ giá USD/VNĐ không phải là điều đáng lo ngại đối với Việt Nam. Bởi tỉ giá trung tâm USD/VNĐ do NH Nhà nước quy định từ đầu năm đến nay chỉ tăng ở mức 1,2%-1,4% là rất nhỏ và không ảnh hưởng nhiều đến biến động hàng hóa trên thị trường (do các NH thương mại được phép giao dịch USD với biên độ +/-3% so với tỉ giá trung tâm - PV).
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có nguồn lực dự trữ ngoại hối lớn nhất từ trước đến nay, hoàn toàn có đủ sức can thiệp để bình ổn thị trường. Thậm chí, thời gian qua tiền đồng còn lên giá chứ không phải giảm và NH Nhà nước đã mua vào USD để tránh VNĐ mạnh lên.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cũng phân tích một trong những khả năng là NH Nhà nước sẽ cho phép tỉ giá linh hoạt hơn, nhằm giảm bớt áp lực giữa VNĐ với USD và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Thực tế, những ngày qua, tỉ giá trong NH và trên thị trường tự do có lúc giảm sâu, có ngày lại kịch trần biên độ. Đây là điều bình thường vì thị trường có tâm lý kỳ vọng và yếu tố này thường tác động đáng kể lên tỉ giá. "Trong bối cảnh này, nếu tỉ giá được điều chỉnh ở mức 2%-3% là chấp nhận được, trừ những biến cố lớn trên thị trường" - TS Cấn Văn Lực nói.
Du lịch chưa ảnh hưởng
Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, những đối tác nước ngoài cung cấp dịch vụ cho tour ngoại thường ký hợp đồng từ trước, nên trước mắt DN chưa bị tác động mạnh bởi giá USD. Đến hết năm nay, giá tour nước ngoài sẽ không có nhiều biến động nhưng trong bối cảnh tỉ giá và giá xăng dầu đều tăng có thể ảnh hưởng đến giá vé máy bay thì nhiều khả năng giá tour sẽ tăng nhẹ vào năm sau.
|
THÁI PHƯƠNG - PHƯƠNG NHUNG
NGƯỜI LAO ĐỘNG
14/08/2018 04:05
Giá USD tăng thời gian qua nhưng áp lực tỉ giá chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài
14/08/2018 04:05
Giá USD tăng thời gian qua nhưng áp lực tỉ giá chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài
|