Kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng đã đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt trong 6 tháng đầu năm nay, với lợi nhuận tăng trưởng hàng chục phần trăm so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, những thách thức mới đang dần xuất hiện có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhóm ngành này trong nửa cuối năm nay, cũng như cho giai đoạn tới.
Chi phí vốn tăng, cho vay bị kiềm chế
Đầu tiên là xu hướng lãi suất đang có dấu hiệu đi lên trở lại sẽ tác động đến chi phí huy động vốn của các ngân hàng. Những tháng gần đây, áp lực lạm phát tăng cao trở lại cùng với diễn biến tỷ giá nóng lên khiến nhiều ngân hàng quyết định điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Chẳng những vậy, mặt bằng lãi suất vay mượn trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng cao khiến chi phí vay của những ngân hàng đang thiếu vốn cũng tăng lên.
Trong bối cảnh việc tăng thêm vốn điều lệ còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay, đặc biệt là các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước, thì nguồn vốn để phát triển kinh doanh, đầu tư vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn vốn huy động. Nay chi phí vốn đội lên ắt sẽ ảnh hưởng đến biên độ lợi nhuận của các ngân hàng, nhất là việc điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ không dễ dàng khi mà nhà điều hành vẫn đang định hướng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Yếu tố thứ hai là tăng trưởng tín dụng sẽ bị kiềm chế. Theo chỉ thị mới nhất của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng cuối năm, mục tiêu ổn định vĩ mô là trên hết và theo đó chính sách tín dụng sẽ được thắt chặt hơn. Không chỉ là hạn chế vốn rót vào các lĩnh vực không được khuyến khích như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT hay cho vay tiêu dùng, vốn có biên độ lãi suất cho vay cao, mà NHNN còn yêu cầu các ngân hàng phải nghiêm túc kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo đúng mục tiêu đã được phê duyệt. Thậm chí, ngân hàng nào nếu vượt mục tiêu đề ra sẽ bị xử lý theo quy định.
Có thể thấy đã qua rồi giai đoạn mà các ngân hàng mặc sức tăng tốc cho vay rồi sau đó xin điều chỉnh, điều đã từng giúp cho các NHTM đạt được lợi nhuận khá cao trong năm 2017. Với tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng đã đạt ở mức khá cao, thì 6 tháng cuối năm còn lại những ngân hàng này buộc phải kiềm chế dư nợ cho vay. Trớ trêu thay đây lại là thời điểm mà nhu cầu vay vốn thường tăng cao hơn bao giờ hết.
Việc biên độ lãi suất có thể bị thu hẹp và tín dụng bị kiềm chế tất yếu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của các ngân hàng là điều có thể thấy trước. Trong khi đó, ở mảng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng cũng bị kiểm soát chặt hơn. Cụ thể theo thông tư số 15/TT-NHNN sửa đổi thông tư 22/2016/TT-NHNN quy định việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp, theo đó từ ngày 02/8/2018 các TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.
Đáng lưu ý là hoạt động cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ chính thức hết hạn vào cuối năm nay. Cần biết rằng biên độ lãi suất từ hoạt động cho vay ngoại tệ hiện nay rất lớn, khi lãi suất huy động USD đầu vào theo quy định là 0%, tuy nhiên lãi suất cho vay đầu tư phổ biến từ 4 – 6%, do đó đóng góp rất lớn vào lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Vì vậy việc dừng cho vay ngoại tệ cũng sẽ khiến các ngân hàng thất thu một khoản lớn.
Hạn chế thu nhập ngoài lãi và áp lực chi phí
Với lợi nhuận từ hoạt động tín dụng bị ảnh hưởng, các ngân hàng có thể phải tìm cách tăng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ hay các kênh đầu tư, kinh doanh khác. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là dễ dàng. Từ việc một số NHTM nhà nước gần đây liên tiếp đề xuất tăng phí rút tiền mặt từ máy ATM để gia tăng lợi nhuận nhưng đều bị NHNN “tuýt còi”, có thể thấy việc điều chỉnh rừng phí dịch vụ của các ngân hàng hiện nay không chỉ bị phản ứng từ khách hàng mà còn có thể sớm bị ngăn chặn từ các cơ quan quản lý.
Một số NHTM Nhà nước gần đây liên tiếp đề xuất tăng phí rút tiền mặt từ máy ATM để gia tăng lợi nhuận nhưng đều bị NHNN tuýt còi, thì có thể thấy việc điều chỉnh một rừng phí dịch vụ của các ngân hàng hiện nay không chỉ bị phản ứng từ khách hàng mà còn có thể sớm bị ngăn chặn từ các cơ quan quản lý.
|
Trong khi đó, áp lực tỷ giá gia tăng và diễn biến thị trường ngoại hối biến động ngày càng mạnh hơn có thể là cơ hội kiếm ăn đối với những ngân hàng dày dạn kinh nghiệm kinh doanh ngoại tệ, nhưng cũng trở thành rủi ro rất lớn đối với một số ngân hàng không có thế mạnh về hoạt động này. Thực tế những năm trước đây cho thấy không ít ngân hàng đã lỗ nặng ở mảng kinh doanh ngoại hối với con số thậm chí lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đối với hoạt động đầu tư trái phiếu, lợi suất trên thị trường trái phiếu Chính phủ giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay đã giúp nhiều ngân hàng ghi nhận các khoản lãi lớn, tuy nhiên với xu hướng lợi suất trên thị trường trái phiếu cũng đang tăng trở lại thì nguồn thu nhập từ hoạt động này sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, thậm chí không loại trừ khả năng ghi lỗ trở lại, đặc biệt là với những tổ chức đã đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu trong giai đoạn lợi suất xuống thấp vừa qua.
Ngoài ra, giai đoạn cuối năm cũng thường chứng kiến chi phí hoạt động tăng cao khi nhiều khoản chi phí quản lý, tài sản trong năm được ghi nhận đầy đủ, cũng như các khoản chi lương thưởng cho hoạt động kinh doanh được kết toán. Ở chi phí dự phòng, nhiều ngân hàng cũng thường để dồn vào tháng cuối năm, đặc biệt là chi phí trích lập cho trái phiếu đặc biệt VAMC nếu chưa trích đủ sẽ phải trích thêm theo đúng quy định của NHNN.
Dù vậy, nếu những ngân hàng nào tiếp tục xử lý, thu hồi nợ xấu tốt thì có thể vẫn duy trì được con số lợi nhuận cao nhờ ghi nhận các khoản thu nhập bất thường, hoàn nhập dự phòng hay thu lãi quá hạn. Tuy nhiên, với những bất ổn vĩ mô đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, hoạt động của các ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức hơn cho giai đoạn tới.
Nhung Võ
FILI