Thứ Năm, 09/08/2018 15:18

Lần đầu tiên cả 3 startup đều gọi vốn thành công tại Shark Tank Việt Nam

Với những startup kinh nghiệm và đầy tiềm năng, tập 6 Shark Tank Việt Nam đem đến kỷ lục về số thương vụ được đầu tư trong một tập phát sóng, lần đầu tiên cả 3 startup đều thành công khi tham gia gọi vốn tại chương trình. 

Shark Phú đầu tư vào startup cung cấp cầu dắt xe thông minh

Quốc Việt và Hoàng Nam là hai nhà sáng lập của startup Dô Ta, mô hình khởi nghiệp chuyên về các sản phẩm cơ khí kỹ thuật, trong đó chủ lực là cầu dắt xe thông minh. Cặp sinh đôi này đến Shark Tank để gọi 4 tỷ 650 triệu đồng đổi lấy 20% cổ phần.

Công ty đem đến các sản phẩm cầu dắt xe thông minh được làm từ hợp kim nhôm cao cấp, siêu bền nhẹ với hờ thiết kế bản lề một chiều nên sản phẩm có thể gấp gọn lại khi không dùng đến. Hiện sản phẩm của công ty chỉ đang ở mức thử nghiệm, có giá bán từ 490,000 đồng đến 3 triệu đồng tùy loại. Giá thành trên giá bán hiện là 4%.

Startup này kỳ vọng doanh thu trong năm đầu là 18 tỷ đồng. Điều này khiến các Shark do dự khi doanh thu tháng đầu chỉ đạt 100 triệu đồng với 300 sản phẩm. Giải thích về điều này, startup cho biết mô hình kinh doanh của Dô Ta dựa trên biểu đồ đi lên. 300 triệu đồng là doanh thu tháng đầu, các tháng sau tăng trưởng 25%/tháng.

Mặc dù nhận định đây là sản phẩm tốt nhưng vì không phải chuyên môn và không hỗ trợ được nhiều nên Shark Hưng và Shark Dũng quyết định “rút lui”. Shark Linh cũng từ chối xuống tiền vì lo sợ khách hàng của Dô Ta dễ tìm tới mặt hàng chi phí thấp hơn.

Dù quan ngại vì Dô Ta chưa nhận bản quyền sáng chế - quân bài giúp startup này tồn tại trước sự cạnh tranh của các ông lớn, nhưng Shark Phú vẫn quyết định đầu tư. Năm đầu tiên khoản vốn sẽ là trái phiếu chuyển đổi. Sau 1 năm sẽ chuyển thành 20% cổ phần nếu startup đạt KPI, nếu không đó sẽ được xem là khoản vay. Cũng đề nghị rót vốn cho Dô Ta nhưng Shark Việt muốn đổi lại 50% cổ phần.

Đến đây, hai nhà sáng lập bắt đầu do dự. Cả hai ngỏ ý muốn được gộp hai “cá mập” với lời mời 4 tỷ 650 triệu đồng cho 40% cổ phần vì cho rằng lãi suất 20% của chủ tịch Sunhouse là quá cao. Shark Phú cũng nhận định rằng nếu tự tin hai nhà sáng lập sẽ nhận lời mời của ông. Lãi suất 20% là không cao vì vốn ông đầu tư ra phải sinh lời ít nhất 20%/năm. Thêm nữa, ngoài khoản đầu tư, Shark Phú còn có thể hỗ trợ sản xuất.

Sau lời chiêu dụ nhiệt thành từ Shark Phú, hai nhà sáng lập đành từ chối lời mời đầu tư của Shark Việt. Thương vụ khép lại thành công khi startup Dô Ta quyết định bắt tay cùng chủ tịch Sunhouse.

Shark Phú rót tiền cho Dô Ta.

Giấc mơ khởi nghiệp công ty tỷ USD của nữ startup thành hiện thực

Startup tiếp theo là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm trang phục bảo hộ lao động - CDTS. Nữ sáng lập Đỗ Thị Mỹ Diệu đến chương trình với mong muốn gọi vốn 5 tỷ đồng cho 25% cổ phần.

Mỹ Diệu chia sẻ cô từ Quảng Nam vào TP.HCM lập nghiệp, đến nay cô đã đủ sức lo cho cả gia đình, thu nhập hàng tháng trên 50 triệu đồng, nhưng từ khi xem chương trình Shark Tank cô đã bùng lên khát vọng mong muốn phát triển doanh nghiệp lên hàng tỷ USD. Cũng chính vì điều này mà nữ startup cần sự tham gia của các nhà đầu tư.

Trong 5 năm hoạt động công ty hiện đã đạt 50 tỷ đồng doanh thu. Năm 2017, doanh thu là 7 tỷ đồng, lãi gộp chiếm 40%. Tuy nhiên chỉ dừng ở mức “đủ ăn đủ mặc”.

Tuy nhiên, vì nhận thấy nữ startup đã kinh doanh đến năm thứ 6 nhưng doanh thu không tăng trưởng, Shark Phú cho rằng nhà sáng lập nên chọn quy mô phù hợp với năng lực của bản thân, ông quyết định không đầu tư. Shark Hưng và Shark Dũng cũng từ chối vì không rành lĩnh vực may mặc.

Bất ngờ xảy ra khi Shark Việt lên tiếng. Shark nhận thấy mô hình của CDTS là rất phù hợp với các lĩnh vực mà ông quan tâm. Tuy nhiên mức gọi vốn của Mỹ Diệu đang hơi cao, Shark đề nghị 5 tỷ đồng cho 51% cổ phần.

Cũng làm trong ngành may mặc, Shark Linh tỏ vẻ phân vân và nhận thấy mô hình này rất tiềm năng vì biên lợi nhuận cao, gia công lại thấp. Do đó, Shark Linh đưa ra lời đề nghị 51% cho 2 “cá mập”. Trong đó 5 tỷ đồng phân ra từng kỳ.

Thế nhưng nữ sáng lập lại mong muốn mức giá sẽ là 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần. Và với tỷ lệ này, các Shark vẫn có quyền biểu quyết.

Sự nhiệt thành của Mỹ Diệu nhận được 2 cái gật đầu từ Shark Việt và Shark Linh. Thương vụ thành công đúng như mong ước của startup. Từ đây, Mỹ Diệu có thể thực hiện ước mơ xây dựng công ty của mình.

2 "cá mập" tiếp sức cho giấc mơ tỷ USD của CTDS.

Startup tìm việc được “cứu” vào phút chót

Gọi vốn 2 tỷ đồng cho 5% cổ phần, nhà sáng lập Phạm Thanh Hải giới thiệu với các “cá mập” dự án JobsGo, ứng dụng tìm việc và tuyển dụng thông minh trên di động.

JobsGo là ứng dụng tự động chọn, phân tích hồ sơ để chọn ra việc làm phù hợp nhất cho ứng viên. Đối tượng sử dụng là các bạn mới tốt nghiệp trong vòng 5-7 năm trở lại. JobsGo tham vọng trong 3 năm tới có thể thành ứng dụng tuyển dụng hàng đầu Việt Nam và 5 năm sau có thể tiến ra khu vực.

Ngay lập tức, JobsGo khiến các Shark liên tưởng đến Vietnamworks, ông lớn đi đầu trong lĩnh vực tìm việc làm. Thanh Hải cho biết anh nhận thấy có sự chuyển dịch người dùng từ PC sang ứng dụng công nghệ thông minh. Và nhận thấy các kênh truyền thống chưa dịch chuyển, do đó anh muốn nắm bắt ứng dụng để đi trước.

Mô hình của JobsGo tiếp cận tất cả các ngành nghề khác nhau và thu phí từ nhà tuyển dụng. Sản phẩm của mô hình rất đơn giản, đó là đưa ra các hồ sơ ứng viên phù hợp và ra giá cho các nhà tuyển dụng, trung bình 1-1.5 triệu/hồ sơ.

Giải thích về vấn đề này, Thanh Hải cho biết ở nền tảng JobsGo với cơ chế “matching” (tìm tương xứng), hồ sơ gửi cho nhà tuyển dụng đều đến từ những ứng viên thích hợp, giúp tiết kiệm thời gian. Song lý giải này lại không thuyết phục được các “cá mập” vì với những người đang cần việc thì bất cứ ai đưa ra lời mời họ cũng đều rất mong muốn.

Không chuyên về công nghệ, Shark Phú nhanh chóng tuyên bố rút lui. Cũng quyết định từ chối rót vốn, Shark Hưng nhận thấy mô hình JobsGo không quá mới và những công ty đi đầu trong lĩnh vực có thể phát triển nhanh chóng các lợi thế cạnh tranh của JobsGo. Đây cũng là lý do Shark Linh rút lui, bà khuyên rằng startup nên phát triển vào yếu tố “headhunter” thông minh để có thể phân tích các hồ sơ và sàng lọc ứng viên nhanh chóng.

Chia sẻ thích đầu tư đa ngành, nhưng Shark Việt cũng quyết định từ chối khi được hỏi giả định dự án thất bại, startup trả lời anh sẽ chuyển sang mảng khác.

Tuy liên tiếp bị các Sharks từ chối, dự án của Phạm Thanh Hải lại thu hút Shark Dũng - “cá mập công nghệ”. Anh cho biết mảng này cạnh tranh rất khốc liệt nhưng anh vẫn tin vào tiềm năng của lĩnh vực này, nếu sản phẩm tốt vẫn có thể tồn tại. Shark đề nghị 2 tỷ đồng cho 12% cổ phần. Sau một hồi thương lượng, Thanh Hải yêu cầu mức đầu tư là 2 tỷ đồng đổi lại 10% cổ phần. Shark Dũng đồng ý trước lời mời này đi kèm với điều kiện startup phải gắn bó với dự án tối thiểu là 3 năm, nếu nhà sáng lập từ bỏ thì Shark được toàn quyền quyết định với công ty.

JobsGo nhận cái bắt tay từ Shark Dũng.

Yến Chi

FILI

Các tin tức khác

>   Bán hàng "không thương hiệu", startup thương mại điện tử được định giá 500 triệu USD (09/08/2018)

>   Chính phủ sắp có quỹ đầu tư 2.000 tỷ đồng cho startup vay (07/08/2018)

>   Kiếm hơn nửa triệu USD nhờ bán rượu bia cho chó mèo (07/08/2018)

>   Bỏ học phổ thông, thành lập startup giáo dục trực tuyến trị giá 3 tỷ USD (07/08/2018)

>   Xây dựng doanh nghiệp triệu đô nhờ tự học ở nhà (07/08/2018)

>   Chân dung nữ cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam (03/08/2018)

>   Grab gọi vốn thành công 2 tỷ USD từ các công ty tài chính (02/08/2018)

>   Muốn gọi vốn “cân” cả Shark Tank mùa 1, startup công nghệ ra về trắng tay (02/08/2018)

>   Cách Obama kiếm triệu USD sau khi về hưu (01/08/2018)

>   Cựu CEO Microsoft đã trở thành tỷ phú như thế nào? (31/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật