Làm gì để Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi?
Vẫn còn nhiều việc phải làm và còn nhiều cơ may phía trước để Việt Nam được xem xét đưa vào danh sách thị trường mới nổi trong bảng xếp hạng của MSCI hàng năm.
MSCI xếp hạng 69 quốc gia rất độc lập và khoa học và dựa trên phỏng vấn các quỹ đầu tư ngoại.
|
Trả lời cho câu hỏi của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại diễn đàn thị trường vốn – tài chính Việt Nam diễn ra đầu tuần này, rằng: "Hai, ba năm nữa Việt Nam có thể được thừa nhận là thị trường mới nổi không?", ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, với cách xếp hạng dựa vào định lượng và định tính thì điều này rất khó nói.
"Cách như thế khó nói lúc nào nhưng nếu đặt vấn đề bao giờ chúng ta xứng đáng thì phụ thuộc chính sách phát triển của Chính phủ biến tiềm năng thành hiện thực và chia sẻ cơ hội nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này không phụ thuộc vào thị trường chứng khoán mà tùy thuộc vào tiềm năng phát triển của Việt Nam và sự phối hơp của các bộ ngành. Với sự phát triển của kinh tế Việt Nam và quyết liệt của Chính phủ những năm qua, tin rằng, Việt Nam sẽ sớm vào danh sách nhưng ko thể kỳ vọng một sớm một chiều và kỳ vọng 2019 là không tưởng, vào danh sách hai năm tới là có thể", Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước nêu quan điểm.
Trên thực tế, việc nâng hạng thị trường không thể hiện qua chứng khoán mà phụ thuộc vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, chính sách vĩ mô. Với sự quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là việc tạo môi trường đầu tư bình đẳng cả trong và ngoài nước, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tin rằng: Việt Nam sẽ sớm được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi. "Nếu chúng ta kỳ vọng vào năm 2019 thì không tưởng, nhưng hai năm thì có thể làm được", ông Dũng nhấn mạnh.
Nhắc lại quyết tâm Việt Nam có thể được thừa nhận là thị trường chứng khoán mới nổi trong hai năm tới của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần kiên trì xây dựng thị trường chứng khoán bền vững, lành mạnh. Chính phủ sẽ chỉ đạo và ban hành chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán để có thể tái cơ cấu mạnh mẽ.
MSCI xếp hạng 69 quốc gia rất độc lập và khoa học và dựa trên phỏng vấn các quỹ đầu tư ngoại. Tiêu chí có định tính, định lượng và kết quả dựa chủ yếu là khảo sát ý kiến của các nhà đầu tư độc lập với thị trường Việt Nam. Chính vì vậy, có thể có những ý kiến trái chiều nhau. Những quỹ đầu tư có những kỷ niệm tốt với thị trường Việt Nam, nhất là những quỹ đầu tư có được mức lợi nhuận cao trong giai đoạn phát triển năm 2017, họ sẽ có cảm tình tốt và có những lá phiếu ủng hộ.
Theo thống kê, trong năm 2017, quỹ đầu tư có mức lợi nhuận thấp nhất cũng đạt 24%, còn có quỹ lời tới trên 60%, mức trung bình cỡ khoảng 35-40%. Mức lợi tức cao đó trên thị trường quốc tế không phải là dễ kiếm. Tuy nhiên, cũng có một số quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam từ giai đoạn 2007-2008 nên có kỷ niệm không tốt, do họ không thành công trong đầu tư, và thời điểm đó có nhiều NĐT đã bán trái phiếu rất nhiều và bị lỗ, họ có những phản ứng không tốt, nên khi phỏng vấn những nhà đầu tư này chưa có những nhìn nhận tốt về thị trường Việt Nam.
Khi được hỏi sẽ có lời khuyên như thế nào cho Chính phủ Việt Nam để thị trường Việt Nam được công nhận là mới nổi, điều gì quan trọng nhất và Việt Nam cần tập trung nỗ lực gì để hoàn thiện, cải thiện, cải cách?, ông Alatabani, chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh rằng: không được quên tiềm năng nền kinh tế Việt Nam khi có tỷ lệ tích lũy trong dân tới 60 tỷ USD chưa huy động được. Khi tiến hành đầu tư dài hạn tại Việt Nam thì nhà đầu tư phải tìm cách huy động được. Chính phủ cần tạo ra môi trường tốt để nhà đầu tư có những khoản đầu tư dài hạn, đặc biệt tạo ra thị trường trái phiếu doanh nghiệp thuận lợi.
Theo kết quả xếp loại hàng năm MSCI vừa công ngày 21/06/2018, Việt Nam vẫn thuộc nhóm Thị trường Cận biên và chưa có tên trong danh sách tiềm năng để xem xét nâng hạng. Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, MSCI có ghi nhận sự cải thiện đối với tiêu chí "đăng ký đầu tư mở tài khoản", trong khi giữ nguyên đánh giá với tất các tiêu chí còn lại (bao gồm 9 tiêu chí cần cải thiện).
Về tổng thể, đánh giá kết quả đợt review này của MSCI cho thấy tốc độ cải thiện của thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá chậm. Ngay cả nếu so sánh với 2 thị trường Frontier trong khu vực là Bangladesh và Sri Lanka thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng là thị trường có nhiều tiêu chí cần cải thiện nhất.
Năm 2018, phần lớn các khoản mục đều được MSCI giữ nguyên so với đợt xem xét của năm 2017. Chỉ riêng khoản mục "Đăng ký đầu tư và mở tài khoản", MSCI có đưa ra đánh giá tích cực và nâng bậc định tính từ "cần phải cải thiện" lên "không có vấn đề lớn, có thể cải thiện". Đối với vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài: các công ty sở hữu ở một số ngành có điều kiện và lĩnh vực nhạy cảm bị giới hạn về sở hữu nước ngoài.
Về vấn đề "room" còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài, thị trường cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn từ vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Liên quan đến quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài, báo cáo cũng công nhận ngày càng nhiều thông tin trên các sở GDCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) được công bố bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, một số thông tin về doanh nghiệp không phải luôn có sẵn bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt, vốn được áp dụng đối với tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.
Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối cũng được nhận xét là hiện chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế (giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán). Trong khi đó, các quy định về thị trường: không phải tất cả các quy định về thị trường đều có sẵn bằng tiếng Anh. Các thông tin về thị trường chứng khoán thường không có bản tiếng Anh hoặc thỉnh thoảng không đủ chi tiết...
Hoàng Xuân
vneconomy
|