Không lo thiếu hụt nguồn cung thịt lợn
Thị trường thịt lợn trong hơn 2 tháng qua chứng kiến sự leo thang liên tục về giá, đã tác động trực tiếp lên Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7/2018.
Truy tìm nguyên nhân tăng giá
Giá lợn hơi liên tục tăng trong hơn 2 tháng qua, có thời điểm lên đến 56.000 đ/kg, đẩy giá thịt lợn bán lẻ trên thị trường, đặc biệt ở khu vực phía Bắc, tăng “phi mã”. Giá thịt lợn loại ngon có lúc đã chạm mốc 130.000 - 150.00 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua.
Giá thịt lợn tăng cao, diễn biến phức tạp kéo theo sự tăng giá của nhiều sản phẩm chế biến từ thịt lợn, ảnh hưởng trực tiếp đến CPI và tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới.
Giá lợn hơi trong nước tăng mạnh lại chính là cơ hội để thịt lợn ngoại được nhập ồ ạt vào Việt Nam
|
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2018 giảm nhẹ 0,09% so với tháng 6, nhưng đã tăng đến 4,46% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, nhóm thực phẩm tăng 0,87%, chủ yếu do giá thịt lợn tăng 3,02%, làm CPI chung tăng 0,13%.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có điều kiện tiếp cận với những trang trại chăn nuôi hoặc các doanh nghiệp lớn, khiến giá thịt lợn tăng cao cục bộ ở nhiều nơi, gây lan tỏa tâm lý thị trường thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá lợn thịt lên cao.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhận định, khủng hoảng thừa cung từ cuối năm 2017 và những tháng đầu 2018 khiến người chăn nuôi lỗ nặng, phải chuyển đổi sang ngành nghề khác, dẫn đến số lượng hộ chăn nuôi nhỏ giảm mạnh.
Ngoài ra, tại miền Bắc xảy ra tình trạng nguồn cung khan hiếm cục bộ khá nghiêm trọng, nguyên nhân một phần do mưa lũ trong hai tháng qua ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động giết mổ và vận chuyển thịt lợn đi tiêu thụ.
Không lo thiếu nguồn cung
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo, tình hình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm từ nay đến cuối năm vẫn tốt, nên không lo thiếu hụt nguồn cung thịt lợn.
Cơ sở để đưa ra dự báo này, theo Cục Chăn nuôi, từ cuối tháng 3/2018, giá thịt lợn tăng trở lại theo hướng có lợi cho người chăn nuôi, thúc đẩy hoạt động đầu tư tái đàn. Vì vậy, việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sẽ dần được khắc phục trong cuối tháng 8 và những tháng cuối năm, nhưng giá thịt lợn trong nước có thể vẫn ở mức cao trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi khuyến cáo, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không nên tái đàn ồ ạt, tránh dư cung như năm 2017.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai vẫn đang cung ứng cho thị trường TP.HCM trên 5.000 con/ngày, nên nguồn cung thịt lợn sẽ không thiếu. Ngoài ra, các doanh nghiệp chăn nuôi có vốn FDI và các trang trại lớn vẫn còn nguồn lợn hơi đáp ứng cho thị trường.
Trước những diễn biến của thị trường, ông Hoàng Văn Thanh, chủ hộ chăn nuôi lợn quy mô 500 con tại huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho hay, nếu giá lợn hơi trên 55.000 đồng/kg kéo dài, ông cũng không tái đàn mạnh, vì tình trạng cung vượt cầu khiến giá thịt lợn giảm mạnh trong năm 2017 là bài học đáng nhớ. Chưa kể, nguồn cung thịt lợn cho thị trường hiện nay không chỉ ở trong nước, mà còn từ nhập khẩu.
Trên thực tế, giá lợn hơi trong nước tăng mạnh chính là cơ hội để thịt lợn ngoại được nhập ồ ạt vào Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi hơn 4,8 triệu USD để nhập khẩu 2.806 tấn thịt lợn đã qua giết mổ từ nước ngoài. Giá thịt lợn nhập khẩu trung bình tháng 6 ở mức 1.524 USD/tấn, tương đương khoảng 35.500 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với thịt lợn trong nước.
Để sớm ổn định giá và hoạt động sản xuất ngành hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn khẩn trương thống kê nhanh quy mô đàn nái và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017, gửi báo cáo gấp về Cục Chăn nuôi để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu các địa phương thông tin thường xuyên, đầy đủ về giá cả thị trường và nguồn cung lợn thịt; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái biết và cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, không đẩy giá lợn vượt mức 50.000 đồng/kg, xuất lợn đúng tuổi, đúng khối lượng, không đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá.
Thế Hải
ĐẦU TƯ
|