Mở đầu ra cho nông sản hữu cơ
Nhà sản xuất - kinh doanh hàng hữu cơ phải làm thật, bảo đảm chất lượng thật, cho khách hàng trải nghiệm thật.
Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, giá trị tổng thị trường hữu cơ tại TP HCM và Hà Nội ước đạt 400 tỉ đồng/năm. Với sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực sản xuất và phân phối như Vinamit, Saigon Co.op, Hoasua Foods, Organica, Aeon, Big C… đầu ra cho sản phẩm hữu cơ đang dần mở rộng.
Người tiêu dùng thiếu niềm tin
Ông Nguyễn Sơn Công, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết nông nghiệp hữu cơ đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, DN và người tiêu dùng Việt Nam. Từ năm 2006-2016, diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.120 ha lên 76.666 ha, nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu.
Trước xu hướng tăng nhanh của sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đã tham gia kinh doanh nông sản, sản phẩm hữu cơ nhưng nguồn hàng chưa đa dạng, thường xuyên trong tình trạng khan hiếm hàng hóa và giá bán khá cao. Trong khi, việc mở rộng quy mô canh tác hữu cơ còn khó khăn do hạn chế về quỹ đất thì thị trường đang thiếu trầm trọng nguồn hàng hữu cơ có giá hợp lý và tin cậy.
Khách hàng dùng thử trái cây organic tại Big C
|
Mới đây, tại hội thảo "Nông sản hữu cơ, nông sản sạch: Liên kết giữa sản xuất và phân phối - bán lẻ" do Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức tại TP HCM, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ, chỉ ra thực trạng người tiêu dùng đang khủng hoảng niềm tin đối với vấn đề an toàn thực phẩm nói chung và sản phẩm hữu cơ nói riêng. Theo bà Mỹ Loan, sản xuất hữu cơ đang gia tăng nhưng vấn đề kết nối từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng còn khá gian nan.
Người tiêu dùng vẫn khó truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất; không kiểm soát được các khâu chế biến sau thu hoạch; không biết thông tin về bảo quản, vận chuyển... sản phẩm sạch, hữu cơ. Các nhà bán lẻ cũng gặp vướng bởi nguồn cung, chất lượng sản phẩm, giá cả… không ổn định và đặc biệt gặp nhiều thách thức trong việc xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.
Phải nói thật, làm thật và bán hàng thật
Sự tham gia của các nhà phân phối lớn đang mở ra nhiều cơ hội cho nông sản hữu cơ. Hơn 1 năm sau khi Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op tiên phong đầu tư xây dựng mảng thực phẩm hữu cơ dưới tên gọi Co.op Organic, đến nay hầu hết các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Lotte Mart, Aeon... đã đưa hàng hữu cơ (cả trong nước lẫn nhập khẩu) vào kinh doanh.
Ông Naohisa Saeki, Phó Tổng Giám đốc khối vận hành và khối thu mua Aeon Việt Nam, cho biết chỉ riêng Aeon Mall Celadon Tân Phú trung bình mỗi tháng thu về 15.000 USD (tương đương trên 300 triệu đồng) từ thực phẩm hữu cơ. "Khách hàng rất chuộng các mặt hàng hữu cơ ở Aeon. Chúng tôi xác định organic là nhóm hàng trọng điểm trong tương lai và mong muốn liên kết nhiều hơn với các nhà vườn, DN sản xuất để mở rộng nhóm hàng này" - ông Naohisa Saeki bày tỏ.
Bà Vũ Thị Hậu, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, đơn vị sở hữu hệ thống 23 siêu thị Fivimart ở miền Bắc, cho biết Fivimart rất quan tâm dòng sản phẩm hữu cơ nhưng chưa thể xúc tiến đưa hàng vào phân phối. "Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho thực phẩm hữu cơ nhưng đòi hỏi đó phải là hữu cơ đích thực, được kiểm soát chặt trong quá trình trồng trọt, vận chuyển, phân phối. "Phải gây dựng được lòng tin của người tiêu dùng thì mới bán hàng được" - bà Hậu nói.
Đang hợp tác với Big C làm chương trình cho các sản phẩm hữu cơ thương hiệu Vinamit bán ở Big C, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, cho biết liên tục mấy tháng nay, cùng với sự xuất hiện của các mặt hàng nông sản organic thương hiệu Vinamit ở một số siêu thị Big C ở TP HCM là các quầy giới thiệu sản phẩm organic, màn hình quảng cáo của siêu thị cũng ưu tiên phát hình ảnh về sản phẩm organic, nhờ vậy sản lượng tiêu thụ ngày một tăng.
"Chúng tôi bố trí quầy dùng thử sản phẩm, cử nhân viên tiếp thị tại quầy, giới thiệu và giải đáp thắc mắc cho khách hàng... nên doanh số đạt khoảng 200-250 triệu đồng/siêu thị/tháng. Nếu không có những hoạt động này thì chưa đến 50 triệu đồng/tháng" - ông Viên nói.
Phân tích từ thực tế trên, ông Viên nhận định muốn xác lập được vị trí và tạo sự tin cậy trong lòng khách hàng, nhà kinh doanh sản phẩm hữu cơ cần ít nhất 3 năm tiếp thị quảng cáo liên tục, cho khách hàng tự trải nghiệm. Phải làm thật, bảo đảm chất lượng thật và chứng minh cho khách hàng thấy để "đóng dấu" thương hiệu, từ đó ổn định và mở rộng đầu ra.
Có 6 giải pháp cho thị trường thực phẩm hữu cơ, gồm: xây dựng cổng thông tin minh bạch; xây dựng các cộng đồng tiêu dùng; xây dựng các kênh liên kết truyền thông; xây dựng các hệ sinh thái bán lẻ liên kết; hỗ trợ đào tạo người tiêu dùng; kết nối giao tiếp và đối thoại.
TS Đinh Thị Mỹ Loan (Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam)
|
THANH NHÂN
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|