Nỗi ám ảnh của thanh long Việt
Một số sản phẩm thanh long Việt Nam nhập vào EU bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng giới hạn tối đa đã được EU quy định cho từng loại thực phẩm.
Hiện mỗi năm chúng ta đã xuất khẩu được khoảng 1,5 triệu tấn thanh long, trong đó, 15-20% sản lượng tiêu thụ trong nước. Hơn 70% sản lượng thanh long mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc, khoảng 5-10% còn lại là xuất khẩu sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Nỗi ám ảnh mang tên dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Ngoài các thị trường truyền thống xuất khẩu thanh long như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hà Lan và Đài Loan, thanh long còn được xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Italy, Nhật, Singapore. Sản phẩm thanh long lưu thông trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi.
Tuy nhiên, mới đây một số sản phẩm thanh long Việt Nam nhập vào EU bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng giới hạn tối đa đã được EU quy định cho từng loại thực phẩm.
EU đang xem xét tăng cường kiểm tra chất lượng thanh long
|
Đặc biệt, từ cuối tháng 6/2018 đến nay, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, Tổng vụ sức khỏe và an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đang lấy ý kiến của các nước thành viên về việc ban hành Quy định kiểm tra tăng cường đối với một số loại nông sản nhập khẩu vào EU, trong đó có quả thanh long Việt Nam.
Hiện các lô hàng thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào EU chịu sự kiểm tra 10% lô hàng. Khi hàng cập cảng EU sẽ tiếp tục tái kiểm tra 10% tổng lô hàng, phát sinh thêm một lần chi phí và ảnh hưởng đến thời gian thông quan. Tỷ lệ hàng bị từ chối cũng có khả năng tăng cao vì các nước EU có thiết bị kiểm nghiệm hiện đại.
Thêm vào đó, tỷ lệ dư lượng thuốc trừ sâu trong trái thanh long lúc xếp hàng và lúc dỡ hàng cũng có thể khác biệt sau thời gian vận chuyển khoảng 4 - 5 tuần nếu đi đường biển.
Mặc dù sản lượng thanh long xuất khẩu vào châu Âu chỉ chiếm lượng nhỏ trong tổng sản lượng thanh long ở nước ta. Tuy vậy, đó cũng là những cảnh báo đáng lo ngại cho những nỗ lực mở rộng thị trường loại quả này.
Hóa giải nỗi lo
Thực tế cho thấy, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là nỗi sợ của hàng nông sản xuất khẩu, là quyết định kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng hay giảm.
Thanh long là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam, nhưng phần lớn là xuất đi Trung Quốc, số lượng xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như: Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc... còn hạn chế. Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân là do thời gian vận chuyển dài (đường biển), nếu đi đường hàng không thì chi phí lớn. Bên cạnh đó, khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch còn hạn chế.
Theo các chuyên gia, ngày nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được liệt vào danh mục hàng đầu. Trong đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc được khách hàng quan tâm và Global GAP là tiêu chuẩn tối thiểu. Riêng thị trường EU thêm vào các tiêu chuẩn riêng của nhà bán lẻ như MRLs về mức dư lượng tối đa cho phép, BRC về tiêu chuẩn cho sau thu hoạch... Các vấn đề về đạo đức và môi trường cũng được đặt ra như trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, có trách nhiệm với nguồn cung ứng...
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vạn Thành - Chủ tịch HĐQT HTX Vạn Thành cho biết muốn thanh long có năng suất cao, ít sâu bệnh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì phải đảm bảo sản xuất sạch, việc bón phân phải theo đúng chu kỳ, phải ghi sổ nhật ký đồng ruộng cụ thể, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Quá trình thu hoạch, bảo quản phải đảm bảo trái thanh long không bị giập nát, muốn vậy phải thống nhất quy trình thu hoạch từ nhà vườn tới nơi sơ chế, xử lý bọc mút, đóng gói hết sức cẩn thận.
Nha Trang
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|