Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung:
Cá tra Việt Nam và cuộc chiến “giành giật” thị trường Mỹ
Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra, Mỹ áp thuế 10% đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này khiến doanh số cá rô phi Trung Quốc tại hệ thống siêu thị lớn của Mỹ đã giảm 20-30% so với trước. Khi cá rô phi Trung Quốc dần mất thị phần thì các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đang dồn lực để giành thêm thị phần từ cá thịt trắng tại thị trường Mỹ.
Các doanh nghiệp Việt đang cố gắng mở rộng thị phần xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh: PV
|
Khi chính quyền Tổng thống Donal Trump áp thuế suất 10% vào thuỷ sản Trung Quốc, các chuyên gia dự báo ngành cá rô phi của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo VASEP, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang được đánh giá là sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang cả 2 thị trường này. Dự báo xuất khẩu cá tra trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh.
Trước đây Mỹ ưa chuộng cá từ Trung Quốc do chi phí thấp hơn. Theo thống kê của Cục Nghề cá biển Quốc gia (NMFS), năm 2017, cá rô phi đứng đầu cả về khối lượng (133,7 nghìn tấn) và giá trị (426,4 triệu USD) nhập khẩu (NK) vào Mỹ trong năm 2017. Trong đó, cá rô phi Trung Quốc chiếm 75% lượng cá rô phi NK. Cá rô phi Trung Quốc cũng chi phối phần lớn thị phần cá thịt trắng NK của Mỹ trong nhiều năm qua. Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị NK cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25% tổng NK.
“Sự sụt giảm tỉ trọng của cá rô phi tại thị trường Mỹ đang “thắp” niềm hy vọng cho các nhà cung cấp cá rô phi khác như: Indonesia, Đài Loan, Mexico và Việt Nam. Điều này cũng giúp cho cá tra, basa Việt Nam củng cố thêm niềm tin giành thị phần từ cá rô phi Trung Quốc trong bối cảnh khó khăn về thuế chống bán phá giá và rào cản kỹ thuật Chương trình thanh tra cá da trơn tại Mỹ” - đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết.
Theo số liệu mới nhất của ITC, 5 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị NK cá rô phi của Mỹ đạt 264,6 triệu USD, trong khi đó, tổng giá trị NK cá tra, basa từ Việt Nam đạt 154,4 triệu USD. Nếu, mức thuế NK áp cao hơn cho hàng cá rô phi Trung Quốc, 6 tháng cuối năm nay nhiều khả năng cá tra, basa sẽ giành thêm thị phần từ nguồn cung này.
Tuy nhiên một số doanh nghiệp XK cá tra cho rằng, rào cản thương mại của Mỹ đang dựng lên cho các nguồn cung là như nhau và chỉ khác nhau về cách thức và “tên gọi”. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải nhìn nhận vào thực tế thị trường, tranh thủ thời cơ nhưng cũng không quá kỳ vọng.
Tính đến hết tháng 6.2018, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 196,8 triệu USD, chiếm 19,6% tổng XK cá tra và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, giá trị XK tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng DN XK cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn còn đang chờ đợi thêm tín hiệu từ thị trường để có những bước đi trong thời gian tới.
Trong một diễn biến khác, theo số liệu thống kê từ VASEP, trong 6 tháng đầu năm nay, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã thay thế Saudi Arabia trong top 8 thị trường có giá trị xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu cá tra sang UAE đã tăng 130,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến 31.5.2018 đạt 797 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ 2017. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam, tiếp theo là Mỹ và ASEAN. Xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường EU và Brazil sáu tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ 2017. Thời gian gần đây, một số tờ báo mạng tại Romania đăng tải thông tin không chính xác về sản phẩm cá tra Việt Nam gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường này. Cụ thể, một tờ báo còn khuyến nghị người dân không ăn, không gọi các món có liên quan đến cá tra Việt Nam tại các nhà hàng, thậm chí còn cáo buộc cá tra được sử dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau để tránh bị người tiêu dùng Romani phát hiện.
Linh Chi
lao động
|