Thứ Bảy, 18/08/2018 15:22

Vì sao phế liệu nhựa tồn đọng như núi ở các cảng?

Khi Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa phế liệu, các doanh nghiệp Việt Nam coi đó là cơ hội để ồ ạt nhập về. Chỉ nửa năm 2018, lượng nhựa nhập khẩu qua các cảng đã bằng cả năm 2017.

Số liệu tổng hợp từ một thành viên Hiệp hội nhựa Việt Nam cho thấy đến cuối tháng 7/2018, riêng cảng Cát Lái đang tồn 8.000 container hàng hóa, cảng Hải Phòng khoảng 4.000 container, trong đó, nhựa phế liệu nhập khẩu tồn gần 5.000 container.

Trong khi cơ quan quản lý lo ngại tình trạng ùn tắc cảng vì hàng tồn, các doanh nghiệp lại cho rằng việc bỏ hàng của họ xuất phát từ chính cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp mất 10 triệu USD

Ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty TNHH nhựa Lê Trần, cho biết doanh nghiệp ông chuyên xuất khẩu sản phẩm nhựa tái chế. Do các quy định mới từ Thông tư 4202 của Tổng cục Hải quan ban hành giữa tháng 7/2018 khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nhựa phế liệu về không thông quan được, riêng doanh nghiệp Lê Trần của ông không có nguyên liệu để sản xuất.

“Không có nhựa tái chế thì tôi không làm được gì cả, các hợp đồng của công ty tôi đứng lại hết. Năm nay doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 30 triệu USD nhưng với tình hình này thì thiệt hại thấy trước mắt là 10 triệu USD, cố gắng cũng chỉ đạt khoảng 20 triệu USD”, ông Lê nói.

Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam, cuối tháng 7/2018, chỉ 2 cảng Cát Lái và Hải Phòng đang tồn hơn 4.500 container nhựa phế liệu. Ảnh: LĐ.

Đại diện doanh nghiệp này cũng chia sẻ đặc thù của ngành nhựa là sử dụng lực lượng lao động lớn. Hiện công ty Lê Trần giải quyết khoảng 22.000 lao động, kể cả hợp đồng thời vụ. Gần một tháng nay không có nhựa, doanh nghiệp không sản xuất được, gây thiệt hại rất lớn, nhất là nhiều công nhân không có việc làm.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Tây Vĩnh Hội cũng cho biết doanh nghiệp đã nhập một số container hàng bao tải jumbo, màng nhựa, dây, lưới đã qua sử dụng về càng Cát Lái (TP.HCM). Tuy nhiên, suốt 2 tháng nay, công ty không thể làm được thủ tục thông quan vì cơ quan chức năng không cho nhập hàng đã qua sử dụng như trước, nhưng lại không thông báo để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

“Đây là những mặt hàng tiêu dùng thông thường chịu sự quản lý của Bộ Công Thương và không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu. Cụ thể, bao thuộc mã 6305, màng có mã 3920, doanh nghiệp được quyền kinh doanh. Các mặt hàng của chúng tôi không phải là chất thải”, đại diện Tây Vĩnh Hội nói.

Công ty cũng cho biết thêm: “Từ khi Tổng Cục Hải quan ban hành Công văn số 3738 ngày 26/6/2018 và Thông tư 4202 ngày 17/7/2018 thì hàng hóa không thể thông quan được nhưng lại không có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị”.

Ông Hoàng Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết nhựa phế liệu là mặt hàng phi tiêu chuẩn. Do đó, 2 tiêu chí phải sạch và tạp chất không quá 2% đã làm khổ doanh nghiệp, sạch là khái niệm ước lệ khó đo đếm, còn 2% là con số đánh đố!

Đại diện Hiệp hội nhựa Việt Nam cũng cho rằng theo quy chuẩn QCVN32, chỉ có 4 loại nhựa phế liệu được nhập, trong khi vốn có rất nhiều loại khác có hiệu quả tái chế cao. Đơn vị này dẫn chứng, đã là phế liệu thì bên bán không thể lúc nào đóng hàng đúng theo 100% tiêu chuẩn của Việt Nam đưa ra, chỉ cần lẫn một số loại khác bị định nghĩa chất thải không được nhập.

Không dám đến nhận vì chi phí lưu kho cao

Không chỉ cho rằng doanh nghiệp bị oan vì khái niệm chất thải và phế liệu không rõ ràng, ông Hoàng Đức Vượng, đại diện nhóm các doanh nghiệp ngành sản xuất nhựa tái chế, còn nói chi phí lưu kho cũng chính là nguyên nhân khiến các công ty không đến nhận hàng, đẩy lượng hàng hóa tồn ngày một nghiêm trọng, trong khi doanh nghiệp lại không có nguyên liệu sản xuất.

Các doanh nghiệp cho rằng, chi phí bãi hiện nay khá cao, dao động 50-100 USD/container/ngày là nguyên nhân không dám đến nhận nhựa phế liệu. Ảnh: BGT.

“Doanh nghiệp chúng tôi nhập hàng chỉ 10 triệu USD, nhưng vì các quy định này buộc phải lưu kho 3 tháng. Tiền lưu kho cao hơn tiền nhập hàng, làm sao chúng tôi dám tới nhận nữa”, ông bức xúc.

Đại điện này cho rằng hiện dư luận hiểu sai cho rằng doanh nghiệp nhập hàng về rồi không nhận, nhưng không chịu tìm hiểu nguyên nhân doanh nghiệp bỏ hàng. Ông nói, những quy định mới này quá đột ngột, đồng thời không gia hạn thời gian nên các công ty nháo nhào, trở tay không kịp, thậm chí nhiều nơi đứng trước nguy cơ phá sản.

Đại diện một doanh nghiệp khác bổ sung, chi phí lưu kho tại các cảng hiện trung bình từ 50-100 USD/container/ngày. Hàng tồn nhiều trong khi chi phí lưu bãi lại quá cao, kéo dài, thậm chí vượt cả tiền mua hàng khiến doanh nghiệp không dám… đến nhận.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng trong khi dư luận lên tiếng về những con số nhựa phế liệu nhập ở Việt Nam quá cao nhưng thực tế, so với các quốc gia khác, con số này không thấm vào đâu. Đồng thời, nhựa trong nước cũng là nhựa tái chế nên không thể đổ lỗi cho công ty nhập nhựa phế liệu làm ô nhiễm môi trường.

Nhà cung ứng sẽ không bán cho Việt Nam

Nói về tác động của các văn bản mới quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu nhựa phế liệu, các doanh nghiệp cho rằng điều này không chỉ ảnh hưởng đến họ mà còn ảnh hưởng chung đến ngành nhựa trong nước.

“Nếu các doanh nghiệp không đến nhận hàng vì cảng không thể giải phóng nhựa phế liệu thì còn nhiều hệ lụy hơn nữa, như các nhà cung cấp sẽ đánh giá xấu doanh nghiệp Việt Nam vì chưa thanh toán tiền cho nhà cung ứng, họ có thể sẽ thay đổi và không bán cho Việt Nam”, ông Trần Lê nói.

Ông cho rằng cơ quan chức năng cần phải công bằng với các doanh nghiệp, vì thực sự nhiều doanh nghiệp đầu tư bài bản để sản xuất đúng quy chuẩn. Không thể để doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng chịu trách nhiệm cho bất hợp lý của các đơn vị khác.

Ông Lam cũng thông tin đang có khoảng 50 doanh nghiệp có hàng nhựa tồn tại các cảng.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong 10 năm qua, ngành nhựa luôn có mức tăng trưởng 15-20%/năm. Song nguyên liệu không chủ động được mà phải nhập khẩu 80%. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhựa. Riêng nhóm ngành nhựa tái chế có khoảng 30 doanh nghiệp.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2017, ngành nhựa nhập khẩu đến 4,9 triệu tấn hạt nhựa. Kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và nhựa tới 12,68 tỷ USD, trong khi xuất chỉ 2,5 tỷ USD. Tổng doanh thu ngành nhựa năm 2017 đạt gần 15 tỷ USD.

Ông Hồ Đức Lam nói rằng, chính các doanh nghiệp cũng khẳng định gần 5.000 container nhựa phế liệu tồn tại cảng không phải tất cả đều là sản phẩm nhập đúng quy định. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng làm ăn gian dối. Hiệp hội Nhựa Việt Nam kiến nghị cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý các trường hợp không đúng và giải phóng với các lô hàng đảm bảo, để doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Hà Linh - Phúc Minh

ZING.VN

Các tin tức khác

>   Tàu tốc độ cao Bắc Nam có thể dùng công nghệ giống Nhật Bản (18/08/2018)

>   Hoang mang với Đặng Lê Nguyên Vũ: Chênh vênh giữa đạo và đời (18/08/2018)

>   Uber B.V rút đơn kiện Cục thuế TP HCM (18/08/2018)

>   Đã có kết quả kiểm tra chuỗi siêu thị Con Cưng (17/08/2018)

>   Bộ Tài chính muốn giảm điều kiện kinh doanh casino, cá cược bóng đá (17/08/2018)

>   Cục Hàng không bác đề xuất tăng giá vé máy bay trong năm 2018 (17/08/2018)

>   Hoạt động của FutureNet có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép (17/08/2018)

>   Bộ Công Thương cảnh báo một số mặt hàng xuất khẩu sang EAEU có nguy cơ bị tăng thuế (17/08/2018)

>   Hoang mang với Đặng Lê Nguyên Vũ: Bí ẩn ở M'Drăk (17/08/2018)

>   TP HCM kiến nghị rà soát đất quốc phòng làm kinh tế (17/08/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật