Thứ Ba, 03/07/2018 09:01

Sau khi giảm sâu, giá tôm chân trắng có dấu hiệu tăng

Từ tháng 4 đến giữa tháng 6, giá tôm chân trắng giảm mạnh từ 20-30% tùy theo cỡ tôm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6, giá tôm chân trắng đã có dấu hiệu “nhích” nhẹ. Cùng với nhu cầu tăng từ các thị trường NK, giá tôm dự kiến tăng rõ rệt vào khoảng tháng 8 năm nay. Để giữ vững nguồn cung và thích ứng với thị trường, người nuôi không nên bỏ ao, hãy bình tĩnh thả nuôi với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi, chờ đến khi giá tôm hồi phục.

 

Giá giảm do nguồn cung cao

Bắt đầu từ tháng 4/2018, giá tôm chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg giảm đến 20.000 đồng/kg so với tháng 3, xuống còn 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 - 110 con/kg cũng giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg, xuống còn 85.000 - 90.000 đồng/kg. Sang tháng 5, giá tôm không cải thiện mà tiếp tục giảm tại các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu… Cụ thể thương lái ở Sóc Trăng thu mua tôm chân trắng loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, tôm chân trắng loại 60 con/kg giá cũng rất thấp, ở mức gần 100.000 đồng/kg. Giá tôm Việt  đã giảm theo “vòng xoay” của giá tôm thế giới và sự mất cân đối cung - cầu.

Thông thường, từ tháng 1 - 5 nhu cầu thị trường còn ở mức thấp nên các nhà NK chờ giá giảm sâu mới bắt đầu mua vào. Trong khi, một số nước như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia năm nay vào vụ thu hoạch sớm, sản lượng dồi dào nên họ buộc phải giảm giá để bán được hàng khiến giá tôm càng giảm sâu, tác động đến giá tôm trong nước.

Giá tôm nguyên liệu của Việt Nam giảm còn đi theo xu hướng giá tôm thế giới. Giá tôm Thái Lan và Ấn Độ đều giảm mạnh trong suốt tháng 4 và 5. Giá tại đầm tôm Ấn Độ giảm xuống 270-280 rupee/kg đối với tôm chân trắng (4,04-4,20 USD/kg) cỡ 50 con, còn đầu còn vỏ (HOSO). Tại Thái Lan, giá trung bình hàng tuần đối với tôm chân trắng 80 con giảm xuống 135 bạt/kg (3,71 USD/kg). Giá tôm giảm tại Ấn Độ khiến nhiều hộ nuôi rơi vào cảnh cùng quẫn và buộc phải biểu tình kêu gọi Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong khi tại Thái Lan, giá giảm làm nhiều DN chế biến và xuất khẩu tôm Thái Lan mất hết đơn hàng.

Hơn nữa, nguyên nhân giá tôm giảm mạnh còn do tồn kho cao cuối năm 2017 do các nước trúng mùa, việc Trung Quốc siết chặt NK tiểu ngạch và thời tiết khu vực Bắc Mỹ những tháng đầu năm lạnh hơn cũng khiến việc tiêu thụ tôm giảm đẩy lượng tồn kho tăng cao khiến giá tôm thế giới đồng loạt giảm, nhất là trong tháng 4 và tháng 5. Mặt khác, khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi lo lắng, tập trung thu hoạch tôm cỡ nhỏ nhiều nhà máy không đủ công nhân chế biến nên hạn chế mua vào.

Giá có dấu hiệu tăng nhẹ

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp tôm, giá tôm chân trắng hiện tăng khoảng 2.000 đ/kg so với tháng trước ở một số tỉnh ĐBSCL.

Dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Các nước Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số nước đã qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp, khả năng giảm nguồn cung trong quý III và quý IV/2018.

Nhiều DN chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018. Vì vậy, dự báo giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, cụ thể vào khoảng tháng 8 và 9/2018.

Trong bối cảnh giá tôm hiện tại, người nuôi được khuyến cáo nên duy trì thả nuôi tôm (tôm chân trắng hoặc tôm sú) ngay từ cuối tháng 6 này tuy nhiên chú trọng thả với mật độ thưa để giảm thiểu rủi ro, kéo dài thời gian thu hoạch, chờ khi nào tôm được giá thì vớt bán. Bên cạnh đó, người nuôi nên áp dụng công nghệ nuôi mới, nuôi theo chuẩn quốc tế, tập trung sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị (từ vật tư đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm) để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất.

DN nên tập trung phát triển hàng giá trị gia tăng, sản phẩm chất lượng cao để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp vì các sản phẩm này bán được giá cao hơn và thị trường tiêu thụ ổn định hơn.

Kim Thu

VASEP

Các tin tức khác

>   Giá nông sản hôm nay 2/7: Cà phê đóng băng chờ giá, giá tiêu vẫn thấp kỉ lục (02/07/2018)

>   Thủ phủ hồ tiêu thất thủ (30/06/2018)

>   Trung Quốc giảm thu mua sắn Việt Nam (30/06/2018)

>   Giá nông sản hôm nay 30/6: Giá cà phê giảm sâu, cần mua ngay, bán ngay (30/06/2018)

>   Hơn 99% vải thiều xuất khẩu của Bắc Giang sang thị trường Trung Quốc (29/06/2018)

>   Giá heo hơi hôm nay 28/6: Bộ Công Thương nói gì về giá lợn hơi tháng 6? (28/06/2018)

>   Nông sản miền Tây lần lượt rớt giá (28/06/2018)

>   Hải sản Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” của EU (27/06/2018)

>   Chỉ chờ “visa”, xoài Việt đã có đơn hàng tại Mỹ (27/06/2018)

>   Giá thực phẩm ở Sài Gòn đồng loạt tăng (27/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật