Những dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện?
Sau giai đoạn ổn định trong những năm qua thì nền kinh tế thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu bất ổn, cho thấy rủi ro đang tăng dần trở lại. Đặc biệt, sự biến động mạnh của các thị trường tài sản có thể càng khoét sâu vào những bất ổn này, nếu như nhà điều hành không sớm có những giải pháp linh hoạt để điều chỉnh.
Các biến số vĩ mô có tín hiệu đảo chiều
Đầu tiên, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm dù đạt mức cao nhất 7 năm qua ở 7.08%, nhưng nếu xét riêng quý 2 thì chỉ tăng 6.79%, giảm đến 0.66% so với con số tăng trưởng 7.45% của quý 1 năm nay, đánh dấu sự sụt giảm mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Biên độ dao động khá rộng của chỉ số GDP với sự giảm tốc khá mạnh trong 2 quý vừa qua hàm ý tăng trưởng kinh tế đang phụ thuộc khá lớn chỉ vào một vài biến số, đặc biệt là từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài như Samsung. Một khi hoạt động của những doanh nghiệp nước ngoài này gặp sự cố thì GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh.
Ngoài ra, lạm phát ngày càng chịu nhiều áp lực khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tiếp tục tăng mạnh 0.61% so với tháng trước, theo sau mức tăng 0.55% của tháng 5. Đây cũng là tháng 6 có mức tăng cao nhất trong 7 năm qua, với 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1.08%. Theo đó CPI so với cùng kỳ đã leo lên mức 4.67% và so với đầu năm đã tăng 2.22%, trong khi mục tiêu năm nay đặt ra là không vượt quá 4%.
Với xu hướng giá dầu có thể tiếp tục leo thang cùng với giá thực phẩm có thể chịu nhiều áp lực khi bước vào giai đoạn cao điểm của mùa bão lũ trong những tháng tới, thì lạm phát sẽ còn chịu nhiều sức ép. Lạm phát tăng tiếp theo sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi suất, vốn đã duy trì ở mặt bằng ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua. Một khi lãi suất quay trở lại xu hướng tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như cầu vay tiêu dùng và tất yếu tác động ngược lại đến tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh yếu tố bất ổn mang tên lạm phát, tỷ giá cũng tiếp tục nóng lên từng ngày. Giá mua vào và bán ra của các ngân hàng gần đây đã vượt mốc 23,000, tăng rất mạnh so với giai đoạn trước đây, trong khi tỷ giá trung tâm lẫn tỷ giá trên thị trường tự do cũng duy trì xu hướng đi lên mạnh mẽ. Cần lưu ý rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần đây đã có chính sách can thiệp khi giảm giá bán USD tại Sở giao dịch NHNN nhưng đà tăng trên thị trường ngoại hối dường như vẫn chưa chững lại. Với đồng USD trên thị trường quốc tế vẫn nghiêng về xu thế tiếp tục đi lên trong giai đoạn tới, thì chính sách điều hành tỷ giá sẽ có thể càng thêm thách thức trong giai đoạn tới.
Thêm vào đó, đối với hoạt động thương mại, sau khi xuất siêu trong 4 tháng đầu năm thì nền kinh tế lại đối diện với tình trạng nhập siêu trở lại trong tháng 5 và tháng 6. Cụ thể, tháng 5 nhập siêu là 814 triệu USD và tháng 6 nhập siêu 100 triệu USD. Trong đó khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu nặng nề với con số nhập siêu 6 tháng qua là 12.94 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 15.65 tỷ USD, cho thấy cán cân thương mại vẫn phụ thuộc lớn vào nhóm doanh nghiệp FDI. Với rủi ro của cuộc chiến tranh thương mại sắp tới, trong khi hoạt động xuất khẩu có thể gặp khó khăn thì tình trạng nhập siêu trong nước có thể càng thêm trầm trọng khi hàng hóa của các nước khác như Trung Quốc tràn sang khi bị Mỹ đánh thuế.
Biến động mạnh của các thị trường tài sản
Trên các thị trường tài sản, thị trường chứng khoán tiếp tục có những phiên giảm mạnh trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bị bán ròng. Tính từ đỉnh cao trên 1,200 điểm thì chỉ số VN-Index đã giảm đến 25%, dấu hiệu cho thấy thị trường đã bước vào thị trường con gấu. Thanh khoản sụt giảm, tâm lý nhà đầu tư bi quan, các phiên có bẫy tăng giá ngày càng xuất hiện nhiều hơn càng khiến nhà đầu tư e ngại giao dịch, trong khi rủi ro chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề như thế nào thì vẫn chưa có gì chắc chắn cho đến lúc này. Hiện nay trên thị trường, dòng vốn đầu cơ dường như chiếm ưu thế nhiều hơn khiến thị trường càng khó duy trì sự bền vững.
Ở thị trường bất động sản, các cơn sốt đất luân phiên tại các địa phương, các trạng thái nóng lạnh bất thường của thị trường càng khiến rủi ro đầu tư vào kênh tài sản này chưa bao giờ cao đến thế trong thời điểm hiện nay. Nhà đầu tư cá nhân đua nhau giao dịch, sang tay nhanh chóng, chủ đầu tư cũng mua bán chụp giật, khoanh lô, chuyển đổi trái phép càng khiến thị trường trở nên hỗn loạn. Trong khi giới chuyên gia cũng liên tục cảnh báo về rủi ro bong bóng bất động sản có thể sớm đổ vỡ. Thực tế là giá nhà đất tại một số địa phương sau khi tăng nóng trong năm 2017 và đặc biệt là những tháng đầu năm nay thì hiện tại có dấu hiệu sụt giảm và tạm đóng băng trở lại.
Trong khi đó, lạm phát cao cùng tỷ giá tăng vọt thời gian qua khiến dòng vốn dường như đang dịch chuyển sang thị trường vàng. Giá vàng trong nước gần đây đột ngột tăng mạnh, trong khi giá vàng thế giới ít biến động hoặc thậm chí giảm nhẹ, khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới mở rộng ra trở lại. Hiện tại, giá vàng trong nước đã vượt 37 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 2 triệu đồng/lượng. Cần biết rằng khi giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá vàng thế giới và nới rộng khoảng cách, thì có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trú ẩn an toàn nơi vàng đang tăng trở lại trước nhận định nền kinh tế đang đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Lạm phát tăng tiếp theo sẽ gây áp lực lên mặt bằng lãi
suất, vốn đã duy trì ở mặt bằng ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua.
Một khi lãi suất quay trở lại xu hướng tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến
hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như cầu vay tiêu dùng và
tất yếu tác động ngược lại đến tăng trưởng kinh tế.
|
Phan Thụy
FILI
|