Tốc độ già hóa dân số Việt Nam nhanh nhất thế giới
“Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sử loài người”- ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững ngày 5/7, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tốc độ già hóa dân số Việt Nam đang tăng nhanh. Ảnh: Như Ý.
|
4 nguy cơ của Việt Nam
Theo ông Ousmane Dione, có 4 xu hướng lớn đang gây ảnh hưởng đến Việt Nam là hình thái thương mại mới, nền kinh tế tri thức, biến đổi khí hậu và già hóa dân số. “Xu thế lớn mang đến cả rủi ro và cơ hội, và điều quan trọng là tìm ra cách tận dụng chúng để tạo ra lợi thế của Việt Nam”, ông Ousmane Dione nói.
Ông Ousmane Dione cho biết, hình thái thương mại đang phát triển chậm lại. Việt Nam đã được hưởng lợi từ một khu vực thu hút FDI mạnh và sử dụng 2,4 triệu lao động. Tuy nhiên, những nước láng giềng như Campuchia, Myanmar đang nổi lên như một đối thủ của Việt Nam trong việc thu hút việc làm, nhân lực tay nghề thấp. Cùng đó, với sự thay đổi công nghệ, thậm chí các doanh nghiệp (DN) FDI có thể đầu tư trở lại nước sở tại của họ.
Giám đốc WB tại Việt Nam cũng lo ngại về sự trỗi dậy của nền kinh tế tri thức, với một yêu cầu về nhóm kỹ năng phức tạp hơn so với lao động chân tay, trong khi Việt Nam chỉ có 8% lực lượng lao động có trình độ đại học.
“Lực lượng này không đủ để thực hiện một sự thay đổi có ý nghĩa từ “công việc thường ngày” sang “công việc kiến thức chuyên sâu” vào nền kinh tế tri thức. Điều này khiến cho lao động dân tộc thiểu số, lao động lớn tuổi và một bộ phận thanh niên Việt Nam dễ tổn thương”, Giám đốc WB nói.
Đặc biệt, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sử loài người. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm trong năm nay và đang giảm dần.
“Tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050. Có nghĩa, cứ 5 người thì có một người cao tuổi. Điều này có nhiều tác động tiêu cực đến nguồn cung lao động của Việt Nam, đến tăng trưởng năng suất dài hạn” - ông Ousmane Dione nói thêm.
Mừng-lo
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phát triển nhanh đã khó, hiện nay nhanh nhưng phải bền vững. “Thường cả nước vì sức ép về phát triển kinh tế, mà phải đánh đổi về môi trường. Với môi trường, có thể phải mất hàng chục năm mới khắc phục được, nhưng xã hội, phải hàng thế hệ, rất lâu mới cải thiện được” - ông Đam nói.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, “mừng” vì năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã được cải thiện, nhưng vẫn lo vì thứ hạng vẫn còn cao so với các quốc gia trên thế giới.
“Hàng loạt các vướng mắc của DN chưa được các bộ ngành tháo gỡ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều DN, hiệp hội khi kiến nghị mới chỉ lo cái trước mắt cho mình, chứ chưa tính mục tiêu lâu dài cho cộng đồng DN, trong đó có tính bền vững” - Phó Thủ tướng nói.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, cần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi nhiều chỉ số thành phần cải thiện thiếu bền vững và còn thấp; sự nỗ lực của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng đều, thiếu quyết liệt, phải khắc phục trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng đề nghị tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng DN, các tổ chức xã hội, nhất là VCCI trong việc phát hiện các rào cản về thể chế pháp luật, điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm giải trình, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, các tiêu cực, nhũng nhiễu với DN.
Nói về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.
Ông Ousmane Dione lưu ý, Việt Nam cần vận hành một cách “trơn tru” 3 yếu tố được ví như ba bánh răng là các ngành hiện đại, ngành truyền thống, lực lượng lao động và các thể chế thị trường lao động để tạo việc làm tốt hơn. Bởi, nếu không có chính sách để bôi trơn cho cỗ máy -tận dụng các lợi thế của Việt Nam, nghĩa là có “thọc gậy bánh xe”, cỗ máy bị kẹt và khiến tạo việc làm bị ngừng lại.
|
Phạm Anh
Tiền Phong
|