Nhịp đập Thị trường 12/07: Thót tim trong phiên chiều
Leo cao rồi rơi mạnh, đó là tâm lý chung khi quan sát diễn biến VN-Index trong phiên chiều nay. Chỉ số này bắt đầu phiên chiều đã tiếp tục tăng lên 905.7 điểm, nhưng sau đó quay đầu giảm mạnh về sát tham chiếu ngay trước đợt ATC. Tất nhiên, nhóm VN30 đóng vai trò chính trong diễn biến này, còn ở góc độ ngành, thì là ngân hàng.
Đóng cửa, nhờ nhóm VN30 và dòng ngân hàng đỡ, chỉ số quan trọng nhất của TTCK giữ được sắc xanh ở 898.51 điểm, tăng 0.6%. Diễn biến này quả thật khiến nhiều người thót tim, và có lẽ căng thẳng nhất là những ai đánh phái sinh.
Với đầu kéo ngân hàng, nhiều nhóm ngành khác đã chuyển sang trạng thái tích cực hơn như BĐS, chứng khoán, xây dựng, cao su, săm lốp, bảo hiểm… Dầu khí cũng nên được tính là tích cực, với đầu tàu là GAS (+1.54%). Tiếc là PVD và BSR vẫn giảm hơn 2%.
Dường như có khá nhiều Mid Cap tranh thủ tăng trần hoặc sát trần trong phiên chiều, tận dụng phiên tăng điểm. Nhất là nhóm CII, bao gồm cả CII và SII, CEE nhanh chóng tăng giá ngay khi bước vào phiên chiều, và dù có rung lắc đôi chút cuối phiên nhưng vẫn trụ ở mức tăng bình quân trên 6%.
Trong khi các chỉ số phụ sàn HOSE và các chỉ số sàn HNX có diễn biến tương đồng với VN-Index, thì UPCoM-Index lại đi theo 1 con đường riêng. Cũng tăng lên cao hơn tham chiếu 1 chút trong đầu phiên chiều, nhưng chỉ số này sớm quay đầu tiếp tục ngụp lặn dưới tham chiếu cho đến cuối ngày. Chèn ép UPCoM-Index vẫn là các gương mặt thân quen của phiên sáng, như ACV, QNS, SCS, LTG…
Khá nhiều đại gia nhóm ngân hàng có diễn biến mạnh trong phiên chiều, từ VCB, BID, CTG… đến ACB, VPB hay MBB. Dao động mạnh như thế chứng tỏ ngân hàng luôn được nhà đầu tư quan tâm và kỳ vọng, nhất là khi bước vào mùa BCTC quý 2, nhưng họ cũng lo sợ thua lỗ khi chơi cổ phiếu này, xét theo khía cạnh thống kê giá từ tháng 4 đến nay.
VIC không tăng giá trong phiên chiều như kỳ vọng, thậm chí có lúc hụt chân như thời điểm sát ATC. Tuy nhiên, VN-Index vẫn xanh, không đỏ và do đó không đổ lỗ cho VIC. Thậm chí, 2 cổ phiếu có liên quan là VHM và VRE vẫn tăng trong chiều nay.
Với lực đỡ từ khối ngoại, VGC đã thoát khỏi cảnh giảm giá kề từ cuối phiên sáng, và tăng khá trong phiên chiều lên 17,000 đ/cp. Có thể tạm coi như nhà đầu tư đang bắt đáy cổ phiếu này.
Thị trường xanh, cổ phiếu chứng khoán cũng khởi sắc hơn, đa số đóng cửa với mức tăng đáng kể. VDS phiên sáng giảm mạnh thì đến chiều lại tăng trở lại hơn 1%. Thất vọng nhất có lẽ là VCI, vẫn giảm tới 3.45% dù nằm trong top đầu về cơ sở lẫn phái sinh.
Trái với dự đoán từ đầu phiên sáng, rằng VJC sẽ phản ứng tốt với thông tin nới room ngoại lên 49% trong dự thảo nghị định mới liên quan đến ngành hàng không, tuy nhiên cổ phiếu này vẫn chìm trong sắc đỏ, có lúc giảm sâu xuống 128,000 đ/cp trước khi hồi về 130,000 đ/cp vào cuối phiên. Khối ngoại bán ròng gần 70,000 cp ở VJC.
Phiên sáng: Nhóm ngân hàng đẩy chỉ số tăng
VN-Index, với sự dẫn dắt từ chính VN30-Index, đang chầm chậm đi lên trong phiên sáng nay. Nhóm ngân hàng đang là động lực chính cho chỉ số sàn HOSE, cộng với những Large Cap khác như GAS, VRE hay MWG. Nhìn chung, những Large Cap tăng mạnh đó dường như đang hồi kỹ thuật do nhà đầu tư trong nước bắt đáy khi giá đã giảm mạnh trước đó. VIC tăng nhẹ 0.1% có lẽ là “của dự phòng” cho VN-Index chiều nay.
Đà tăng của index đang lan tỏa đến khá nhiều nhóm ngành, bao gồm cả những ngành dẫn dắt như ngân hàng, hay nhóm đi theo như chứng khoán, BĐS, điện, cao su, săm lốp… hay thậm chí dầu khí (dù vẫn có phân hóa).
Nhóm ngân hàng đang chứng kiến sự khởi sắc hơn rất nhiều so với đầu phiên. Hai mã vốn hóa lớn là BID tăng 4.3%, VCB tăng hơn 2.5% dù đầu phiên sáng giảm. CTG cũng tăng 4.3% có lẽ nhờ lực cầu ngoại. ACB và SHB dĩ nhiên tăng và hỗ trợ tích cực cho chỉ số HNX-Index. Chỉ có 2 mã giảm là NVB và TCB.
Tương tự ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang có nhịp hồi kỹ thuật, nhưng vẫn phân hóa. Điều lý thú ở nhóm này là, dù diễn biến trên TTCK quý 2 rất tiêu cực, ảnh hưởng đến kết quả quý 2, nhưng đối với khoảng 9 công ty có chức năng dịch vụ phái sinh, thì diễn biến trên thị trường phái sinh hẳn nhiên là tin tốt. Kết hợp lại, sẽ khó dự báo kết quả quý 2 của nhóm này.
VN-Index, VN30-Index, chỉ số sàn HNX đều đồng loạt đi lên kể từ sau 10h30, trừ UPCoM-Index. Dù số lượng cổ phiếu tăng giá ngang số giảm giá, thậm chí sàn này có tới 9 mã tăng trần so với 5 mã giảm sàn, nhưng chỉ số UPCoM-Index vẫn loay hoay dưới tham chiếu suốt phiên sáng, do chịu sự chèn ép của những mã vốn hóa lớn nhất sàn này như BSR, ACV, QNS, LTG, SCS…
SAB đi ngang trong mấy phiên vừa qua, thậm chí sáng nay giảm nhẹ 0.4%, có lẽ liên quan đến thông tin về kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận âm năm nay. Đây là điều rất bất ngờ cho cổ đông doanh nghiệp này, thậm chí cho các chuyên gia phân tích về cổ phiếu này.
DBC mới công bố lợi nhuận 6 tháng gần 93 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ gần 20 tỷ đồng của cùng kỳ 2017. Tuy nhiên giá cổ phiếu này sáng nay đứng yên với thanh khoản cực thấp. trong tháng 7 này, cổ phiếu DBC đi ngược thị trường với mức tăng gần 15%. Tin ra là bán chăng? Cũng không hẳn vì khối lượng lệnh bán treo cũng rất thấp.
FLC tuyên bố mua 1 tr.cp AMD, tin này khiến cả 2 cổ phiếu cùng tăng. Thậm chí 1 số cổ phiếu khác có liên quan đến FLC cũng tăng giá, đáng kể nhất là ART (+13.2%), dù lượng khớp sắp đạt kỷ lục, hiện đã hơn 3.2 tr.cp, gần bằng cả ngày hôm qua, và chắc chắn phiên chiều còn tăng mạnh.
10h30: Dao động quanh tham chiếu
VN-Index sụt mạnh ngay sau đợt ATO, nhưng sau đó cũng chóng hồi lại về tham chiếu, thậm chí có những phút cao hơn tham chiếu. Cho đến lúc này, chỉ số chính của sàn HOSE dao động quanh tham chiếu, dù chủ yếu vẫn nằm trong khu vực màu đỏ.
HNX-Index vẫn tăng cao hơn tham chiếu, nhờ sự hỗ trợ từ 2 ngân hàn ACB, SHB và một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác của sàn này như PVI, PLC, NTP… Tuy nhiên VGC lại quay đầu giảm dù đầu phiên xanh. Có cảm giác như VGC đang ở đáy, nhưng diễn biến như thế này vẫn chưa khiến nhà đầu tư an tâm. Khối ngoại vẫn bán ròng ở đây.
Nhóm ngân hàng đã khởi sắc hơn so với đầu phiên. VCB đã chuyển sang xanh, đồng màu với đa số cổ phiếu khác nhóm này. Hiện chỉ còn 4/16 mã giảm giá là TCB, TPB, NVB và LPB. Nhóm ngân hàng khởi sắc, nhưng chưa giúp nhiều cho chỉ số sàn HOSE, ngược lại một số thành viên nhóm này lại là nhân tố giúp HNX-Index xanh.
Diễn biến giá của nhóm Large Cap sàn HOSE, nhất là Vn30 có vẻ cân bằng. Đó là lý do vì sao chỉ số sàn HOSE đang dao động sát tham chiếu. VIC đã quay lại đúng tham chiếu, dù đầu phiên giảm hơn 2%. Nếu VIC tăng giá, có lẽ hôm nay sẽ là ngày đẹp cho sàn HOSE.
Dù còn hơi sớm để nói về thanh khoản của ngày hôm nay (giá trị giao dịch), nhưng có lẽ vẫn sẽ ở mức thấp. Đến lúc này sàn HOSE mới có chừng 720 tỷ đồng khớp lệnh. Tiền, có lẽ vẫn đang dịch chuyển qua sàn phái sinh, với tổng số hợp đồng khớp đã lên hơn 48,000.
Khối ngoại chưa giao dịch nhiều so với hôm qua. Trên sàn HOSE đến lúc này có lẽ họ mới chỉ mua ròng đáng kể ở ETF nội E1VFVN30, CTG và VRE. Bán ròng nhiều nhất vẫn ở BID và HPG. Trường hợp BID thì không nói, vì cổ phiếu này đang bị coi là có tin xấu, nhưng HPG thì đúng là một “ca đau đầu”, vì khối ngoại vẫn bán ròng ngay cả khi P/E trailing mã này chỉ còn chừng hơn 8 lần.
Giá cổ phiếu PDR có vẻ đang hồi nhẹ nhờ thông tin tăng khái toán cho dự án Trung tâm thể thao Phan Đình Phùng, và Tp.HCM thanh toán số tiền phát sinh bằng cách sẽ trao thêm 1 khu đất cho doanh nghiệp này.
VNS tăng hơn 5% sáng nay, liệu liên quan đến dự thảo mới đây của Bộ GTVT, theo đó buộc các doanh nghiệp taxi công nghệ vẫn phải “đeo mào”? Rõ ràng đối với loại hình taxi công nghệ, “đeo mào” là thứ “không thể chấp nhận được”.
Mở cửa: Chỉ số đang dựa vào VIC
VN-Index tiếp tục giảm nhẹ sáng nay, đạt 891.2 điểm sau đợt ATO, và có vẻ còn muốn giảm thêm. Dù nhóm ngân hàng đang có sự phân hóa, nhưng lần này tội đồ kéo index lại chính là VIC, 1 cổ phiếu vốn đỡ đà giảm chỉ số này vào những phút cuối chiều qua.
Bên cạnh đó, khá nhiều Large Cap sàn HOSE cũng giảm từ 1.5-2% trở lên như BVH, HPG, MSN, PLX… trong khi số cổ phiếu tăng thì mức tăng thấp hơn nhiều. Hy vọng VIC có thể lật ngược tình thế sáng nay, khi đó sẽ lại là động lực cho chỉ số.
Hơi khác với những phiên trước, HNX-Index vẫn tăng nhẹ từ những phút đầu giao dịch, kéo dài hết đợt ATO. Điều này dường như khiến nhiều nhà đầu tư dự báo sai lầm cho chỉ số sàn HOSE. Lực đỡ chính cho HNX-Index đến từ 2 ngân hàng ACB, SHB và 1 số mã khác như VCS, PLC, PGS…
Với thông tin và nhận định tràn lan trên báo chí và website, rằng thép là 1 trong những ngành thiệt hại nhất từ cuộc “chiến” Mỹ - Trung, các đại gia thép ở Việt nam có lẽ còn đau đầu với xu hướng downtrend trên cổ phiếu. HPG, HSG đã mất giá khoảng 25% chỉ trong 1 tháng qua, sáng nay 2 cổ phiếu này tiếp tục giảm thêm hơn 1%. Khối ngoại vẫn bán ròng nhẹ.
Biến động “khủng khiếp” của giá dầu thế giới ngày hôm kia có lẽ sẽ mang lại nhiều tác động trái chiều cho những nhóm cổ phiếu liên quan, không chỉ dầu khí vốn coi giá dầu giảm là tin xấu, mà bao gồm cả các nhóm ngành lấy dầu là đầu vào, như thế coi giá giảm là tin tốt. Hiện giá dầu Brent giao tháng 9 trên sàn Luân Đôn đã giảm về 73.4 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/06/2018. Giá dầu WTI giao tháng 8 trên sàn Nymex cũng đã giảm mạnh về 70.38 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 25/06/2018. Trên sàn UPCoM, BSR và OIL giảm khá mạnh, có lẽ liên quan đến diễn biến giá dầu. GAS, PVD, PVS… cũng giảm hơn 1%, tuy nhiên PGS tăng hơn 9% nhờ 1 deal duy nhất.
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá, điều này lần nữa cho thấy tỷ giá đang là vấn đề đau đầu nhất hiện nay đối với nền kinh tế Việt Nam. Trên TTCK, tỷ giá tăng còn là vấn đề gắn liền với rủi ro khối ngoại bán ròng và thoái lui khỏi thị trường, do đó phần nào cũng đã khiến cổ phiếu suy giảm liên tục.
Chính phủ đang lấy ý kiến cho dự thảo mới thay thế Nghị định 92/2016, qua đó cho phép khối ngoại nắm tối đa 49% cổ phần hãng hàng không. Sáng nay VJC tăng giá nhẹ, HVN đứng giá, có lẽ chưa hưởng lợi từ thông tin này. Thực ra, VJC mới là hãng có thể hưởng lợi, bởi room cho khối ngoại hiện không còn nhiều.
Hoàng Nam
FiLi
|