"Năng lực ngành đường sắt yếu, không xứng trong chuỗi phát triển của Việt Nam"
Mặc dù được thừa hưởng nhiều tiềm lực, có hệ thống, có cơ sở vật chất và ưu tiên của Nhà nước song đến nay, đường sắt là ngành có năng lực yếu...
Tại hội thảo cải cách độc quyền Nhà nước trong các ngành công nghiệp mạng lưới như điện, đường sắt, hàng không, viễn thông do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 5/7, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Hiện ngành công nghiệp mạng lưới yếu kém nhất là đường sắt.
Đường sắt là ngành có năng lực yếu nhất
Mặc dù được thừa hưởng nhiều tiềm lực, có hệ thống, có cơ sở vật chất và ưu tiên của Nhà nước song đến nay, đây là ngành có năng lực yếu nhất, không xứng đáng trong chuỗi phát triển của Việt Nam chứ chưa so sánh với nước ngoài.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, độc quyền Nhà nước ảnh hưởng rất nhiều đến giá cả, thị trường và doanh nghiệp. Đối với ngành đường sắt, vì không có cạnh tranh nên tự dẫn vào khủng hoảng, do đó, không thể cạnh tranh được với các hệ thống giao thông khác như đường bộ, đường hàng không. Trong khi đó, đối với ngành hàng không, kể từ khi cho tư nhân vào tham gia đã có sự thay đổi rõ rệt về giá cả, chất lượng dịch vụ. Vietjet Air đã vượt Vietnam Airlines về vận chuyển nội địa chính là nhờ vận tải giá rẻ.
"Tôi thực sự lo ngại cho sự phát triển của ngành đường sắt. Thời gian tới liệu có tiếp tục khó khăn hơn nữa không?", ông Doanh đặt câu hỏi.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: Đối với đường sắt, đây là ngành không đáng để có vị trí xứng đáng như hiện nay. Ở nước ngoài đường sắt có vị trí cạnh tranh rất lớn đối với các phương thức vận tải khác khi nó có năng lực chuyên chở lớn về hàng hoá, người và phương tiện. Đường sắt ở các nước được thừa hưởng hệ thống cơ sở hạ tầng và cũng cạnh tranh sòng phẳng với các phương thức khác.
Trong khi đường sắt yếu kém không cải tổ, thậm chí không muốn cải tổ bằng việc loại bỏ độc quyền thì chúng ta lại có đề xuất, chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc như ở Nhật Bản (Shinkansen) trị giá 56 tỷ USD.
Chúng ta phải xác định đường sắt cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản chỉ phục vụ giới nhà giàu, cạnh tranh với đường hàng không. Hơn nữa chi phí đi lại đường sắt cao tốc Shinkansen rất đắt đỏ so với người dân tại Nhật, chỉ phục vụ giới nhà giàu, không phải là phương tiện vận tải hàng hoá.
"Trong chính sách phát triển đường sắt hiện nay, chúng ta quên kết nối với hệ thống giao thông khác như đường bộ, trạm giao thông và xe bus. Nếu chúng ta không xác định lại vị thế của ngành này ngay từ đầu, chúng ta sẽ không có hướng nào để phát huy vai trò tốt hơn", bà Phạm Chi Lan cho hay.
Chưa loại bỏ được độc quyền ở nhiều ngành then chốt
Nói sâu hơn về độc quyền Nhà nước trong kinh doanh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định, hiện Việt Nam đang đẩy mạnh thị trường cạnh tranh, giảm độc quyền Nhà nước, độc quyền tự nhiên trong các ngành và lĩnh vực có tác động lớn đối với nền kinh tế như điện, cấp nước và đặc biệt là giao thông.
Tuy nhiên, dù đã có nhiều chính sách, quyết định song đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn tất được chính sách cạnh tranh, loại bỏ độc quyền ở nhiều ngành then chốt. Điều này khiến cho thị trường méo mó, tính tự do cạnh tranh bị xâm hại khiến cho các động lực thay đổi không đạt được.
Hơn 30 năm đổi mới đã qua đi, chúng ta vẫn mãi nói đến nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Cách nói "đang chuyển đổi" này chỉ biện minh cho sự yếu kém của mình, cho việc trì hoãn thực hiện hoặc cố tình không muốn thực hiện".
"Tối đa khoảng 5 năm nữa, chúng ta phải chấm dứt việc nói và làm này để chấm dứt chu kỳ đang chuyển đổi, chuyển hẳn sang kinh tế thị trường luôn", Tiến sĩ Cung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cung, trong các quyết sách thời gian qua, chúng ta vẫn hay nói doanh nghiệp Nhà nước là vật chất chủ yếu để tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước về kinh tế. Tuy nhiên, ông thấy khái niệm này rất khó đánh giá, chúng ta không đánh giá được thì rất khó có hành động đúng.
Khi tư duy lạc hậu thì thể chế kinh tế còn lạc hậu nữa, thể chế quyết định phát triển của đất nước. Nó có thể xuất phát từ độc quyền, do độc quyền. Đây là khái niệm độc quyền lợi ích nhà nước, từ công chức Nhà nước, từ khi có quyền thì không có áp lực nào thay đổi từ tư duy đến hành động.
KIỀU LINH
VNECONOMY
|