Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nhiều ngành độc quyền hơn nửa thế kỷ, không dễ phá vỡ
Nhìn lịch sử độc quyền của nhiều ngành kéo dài nửa thế kỷ, phá vỡ nó không dễ. Chúng ta có học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để phá bỏ độc quyền và hoàn toàn biết nhưng không áp dụng được, ở một số ngành, người ta không muốn phá bỏ độc quyền, có nơi kinh nghiệm nước ngoài không thể áp dụng nổi.
Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về thực trạng nhiều ngành nghề đang độc quyền tại Việt Nam, trong đó có độc quyền tự nhiên và độc quyền nhà nước ở các ngành công nghiệp mạng lưới như điện lực, giao thông đường sắt - hàng không và hạ tầng mạng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
|
Theo bà Lan, sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước vẫn còn dù chúng ta đã cố gắng khắc phục bằng xây dựng cơ chế tự do hoá, cạnh tranh. Ngay cả những văn bản tưởng như cạnh tranh nhưng dường như vẫn trói buộc, với nhiều điều kiện hoặc có tính đánh đố cao.
"Tôi không nói là tất cả nhưng hiện nay, nhiều ngành, lĩnh vực chỉ khi có quan hệ, sân sau, hoặc lớn mới tham gia vào được", bà Lan nói.
"Hệ thống quản trị của nhà nước thiếu và yếu về năng lực giải trình. Cơ chế của chúng ta phát hiện những sai phạm rất chậm, khó phát hiện. Nhiều khi Nhà nước bảo vệ doanh nghiệp Nhà nước sân sau bằng các cơ chế, chính sách dù việc bảo vệ đó gây thua thiệt cho người dân, thị trường"
Phải nhìn việc độc quyền của nhiều ngành và lĩnh vực của Việt Nam kéo từ thời kế hoạch hóa tập trung, chứ không phải từ ngày chuyển lên tổng công ty, tập đoàn.
Nhìn lịch sử độc quyền của nhiều ngành kéo dài nửa thế kỷ, phá vỡ nó không dễ. Chúng ta có học hỏi kinh nghiệm nước ngoài để phá bỏ độc quyền, học quá nhiều và hoàn toàn biết. Tuy nhiên, không áp dụng được, ở một số ngành, người ta muốn phá vỡ độc quyền, có nơi kinh nghiệm nước ngoài không thể áp dụng nổi.
Nhiều văn bản Nhà nước về cơ chế tự do, cạnh tranh rất hay nhưng không quy được trách nhiệm người đứng đầu. Ngay cả việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, có những lĩnh vực Nhà nước chỉ quy định nắm giữ dưới 50% thôi nhưng nếu tư nhân bỏ tiền vào thì vẫn không có quyền can thiệp vào quản lý.
"Né tránh cổ phần hoá, lập công ty sân sau, chuyển từ công ty nhà nước sang tổng công ty, tập đoàn là bước lùi phát triển. Nhà nước để cho các tổng công ty kinh doanh các ngành ngoài như đất đai, tài chính là sai lầm, làm phát sinh thua lỗ. Những khoản lỗ mất vốn của công ty con đều do ngành ngoài mang lại cả", bà Lan nói.
An Linh
Dân trí
|