Dự án nâng cấp lọc dầu Cát Lái 11 không thực hiện: Đề nghị làm rõ trách nhiệm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND Tp.HCM làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thực hiện dự án nâng cấp chỉ số octane Nhà máy lọc dầu Cát Lái của Saigon Petro.
Nhà máy lọc dầu Cát Lái tại quận 2, Tp.HCM hiện nay - Ảnh: Tuổi trẻ.
|
Trong báo cáo kết quả thẩm tra Dự án đầu tư công nghệ nâng chỉ số octane phân đoạn naphta - Nhà máy lọc dầu Cát Lái của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ này nêu rõ Thủ tướng đã đồng ý cho Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM (Saigon Petro) triển khai dự án từ năm 2007. Kể từ đó đến nay đã 11 năm, Saigon Petro vẫn chưa triển khai thực hiện dự án. Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại nhận được công văn của UBND Tp.HCM xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này.
Trước diễn biến đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Tp.HCM rà soát quá trình thực hiện dự án từ khi có quyết định đồng ý của Thủ tướng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về việc dự án sau 11 năm chưa thực hiện và xử lý các vấn đề tồn tại (nếu có) theo thẩm quyền.
Liên quan đến khả năng góp vốn của các nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tuy Saigon Petro (nhà đầu tư có vốn nhà nước) có đủ khả năng về vốn song vẫn đề nghị làm rõ thêm về khả năng tài chính của các nhà đầu tư, đặc biệt là Công ty Cổ phần Âu Lạc.
Bởi vì, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016, vốn chủ sở hữu của công ty này đã nằm hết trong tài sản dài hạn, không còn nguồn để góp 84,9 tỷ đồng tham gia đầu tư dự án.
Về khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý hồ sơ dự án không có số liệu chi tiết về các yếu tố đầu vào, đầu ra, phân tích các trường hợp rủi ro.
Trong khi đó, hiệu quả đầu tư của dự án còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như công nghệ sản xuất, năng lực quản trị doanh nghiệp, giá cả thị trường, chất lượng sản phẩm.
Chưa kể đến, mặc dù Việt Nam đang đẩy mạnh sử dụng và phân phối xăng E5, nhưng chỉ thay thế được một phần nhỏ lượng xăng cần thiết trên thị trường.
Trước đó, góp ý cho dự án này, Bộ Công an đề nghị chủ đầu tư xem lại phần công nghệ nhà máy có xuất xứ Trung Quốc, xem lại các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, môi trường.
Bộ Khoa học và Công nghệ lưu ý dự án cần sử dụng máy móc, thiết bị có xuất xứ từ các nước có nền công nghiệp lọc hóa dầu tiên tiến trên thế giới, đảm bảo sự đồng bộ của dây truyền công nghệ, có phương án dự trù cụ thể về vật tư tiêu hao, linh kiện, phụ tùng thay thế dự phòng để đảm bảo hoạt động ổn định của nhà máy sau nâng cấp. Nếu có nội dung chuyển giao công nghệ cần thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng lưu ý dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập phương án phòng cháy chữa cháy chi tiết trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định.
Dự án đầu tư công nghệ nâng chỉ số octane phân đoạn naphta - Nhà máy lọc dầu Cát Lái có 3 nhà đầu tư, gồm Saigon Petro, Công ty Cổ phần Âu Lạc và Petro Summit Pte Ltd (Singapore) với tổng vốn đầu tư khoảng 52,31 triệu USD.
Hoài Phương
VNECONOMY
|