Làm gì khi các rào cản thương mại gia tăng?
Liên tiếp các vụ kiện chống bán phá giá, lẩn tránh thuế từ các quốc gia Hoa Kỳ, EU, Úc… nhằm vào các mặt hàng có xuất xứ từ Việt Nam, hoặc hàng Việt có liên quan đến Trung Quốc cho thấy, các quốc gia nhập khẩu đang tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ hàng hóa, sản phẩm trong nước.
Thép Việt Nam luôn thường trực nguy cơ bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại do yếu tố địa lý. (Ảnh minh họa)
|
Sắt thép, thủy sản, dệt may… đối mặt nhiều nguy cơ
Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính đến tháng 5/2018, Việt Nam bị 17 vụ kiện liên quan đến vấn đề lẩn tránh thuế chống bán phá giá; 12 vụ điều tra chống trợ cấp; chống bán phá giá chiếm nhiều nhất với 77 vụ. Tất cả các vụ kiện chống lẩn tránh thuế của Việt Nam hầu hết đến từ Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Úc…trong đó, các sản phẩm liên quan bị kiện chống bán phá giá nhiều nhất là sắt thép, tiếp đó là sợi, dệt, thủy sản, nông sản.
Trong số các quốc gia thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam, Hoa Kỳ nổi lên là thị trường khó tính nhất khi luôn chiếm số lượng nhiều nhất trong số các vụ việc. Cụ thể, với điều tra chống bán phá giá, thị trường Hoa Kỳ có 14 vụ, điều tra chống trợ cấp Hoa Kỳ cũng chiếm 50% số vụ. Tiếp đến là các thị trường khác như: Ấn Độ , Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, EU, Canada…
Có thể thấy, trong nền kinh tế thị trường, rào cản thương mại được ví như một “lá bùa” hộ mệnh bao bọc, bảo vệ sản phẩm trong nước trước sự tấn công vũ bão của các mặt hàng cùng loại từ các nước xuất khẩu. Vì thế, ngày càng nhiều các rào cản thương mại được các nước nhập khẩu áp dụng, khiến không ít các doanh nghiệp (DN) Việt phải điêu đứng.
Chỉ tính riêng thị trường Hoa Kỳ, số liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy, từ năm 2016 đến nay, số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tất cả các nước tăng lên theo từng năm. Nếu như năm 2016 mới chỉ có 56 vụ, năm 2017 đã tăng lên 73 vụ và tính đến thời điểm tháng 5/2018 Hoa Kỳ đã điều tra chống bán phá giá với 53 vụ.
Tuy nhiên, các rào cản thương mại không chỉ xuất hiện ở những thị trường “truyền thống”, những nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mà ngay đối với các quốc gia trong khu vực Asean, những năm gần đây họ đã bắt đầu thực hiện kiện Việt Nam liên quan đến các vấn đề lẩn tránh thuế và chống bán phá giá. Ví dụ, tính đến thời điểm này, Việt Nam bị Indonesia thực hiện điều tra chống bán phá giá 3 vụ, Malaysia 4 vụ, Thái Lan 4 vụ.
Cách nào để ứng phó?
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, Việt Nam đã và đang đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN khi mức thuế suất về 0%. Cùng với đó, các rào cản thương mại tại các thị trường quốc tế sẽ ngày một nhiều hơn, gây sức ép không nhỏ lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc Việt Nam luôn bị ảnh hưởng bởi các rào cản thương mại đối với thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Cụ thể, năm 2007 sản phẩm bật lửa ga và năm 2009 sản phẩm điều hoà Việt Nam tiếp tục bị áp thuế do biện pháp thuế chống bán phá giá với Trung Quốc chưa kết thúc. Hay năm 2014, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kiện đối với sản phẩm đá granite xuất khẩu của Việt Nam. Với lý do chống lẩn tránh thuế, họ muốn ngăn chặn tình trạng DN Trung Quốc tìm đường chạy sang Việt Nam để lấy C/O xuất đi…
Bà Trần Lan Hương - Cục PVTM cho biết, hiện nước bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất là Trung Quốc. Và qua theo dõi, bà Hương cho rằng, cứ vụ việc nào đã xảy ra với Trung Quốc thì sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra với Việt Nam dưới một dạng nào đó, hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế, hoặc chống bán phá giá với Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đưa ra các khuyến cáo đối với DN Việt, để tránh bị “vạ lây” các DN không nên tiếp tay cho DN Trung Quốc để họ xuất khẩu qua Việt Nam. Bởi lẽ, thông tin mới nhất từ Hoa Kỳ cho thấy, quốc gia này sẽ xem xét điều tra DN Việt do có nghi ngờ các sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá với Trung Quốc lại gia tăng vào Hoa Kỳ với xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, cả bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) và đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam đều cho rằng, các vụ xem xét khởi xướng điều tra mới đây sẽ không đáng lo ngại. Vấn đề là các yêu cầu về kỹ thuật thường rất phức tạp, trong khi các DN Việt Nam không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho các vụ kiện ở nước ngoài.
Vì thế, theo bà Trang, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, thông tin thị trường, chuẩn bị hồ sơ, chứng từ… các DN cần chú trọng đến công tác PVTM, kịp thời phòng tránh các tác động của PVTM; chủ động nắm bắt thông tin pháp luật, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, phối hợp với các bên liên quan trong quá trình theo đuổi các vụ kiện PVTM để chứng minh hoạt động xuất khẩu của DN phù hợp với luật pháp thông lệ quốc tế.
Nhật Thu
PHÁP LUẬT
|