Thứ Ba, 10/07/2018 08:16

Khối ngoại vẫn đổ tiền vào Trung Quốc bất chấp nỗi sợ về đồng Nhân dân tệ

Chuỗi giảm mạnh nhất của đồng Nhân dân tệ kể từ đợt phá giá tiền tệ đầy biến động năm 2015 vẫn chưa hề khiến các quỹ trái phiếu quốc tế nao núng, và dòng đầu tư với mục đích đa dạng hóa này sẽ đóng vai trò hữu ích đối với những nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

“Đà suy giảm của đồng Nhân dân tệ là một nỗi lo ngại, nhưng miễn là nó không trong xu hướng giảm giá nghiêm trọng (severe downtrend) thì đồng Nhân dân tệ không phải mối lo lắng lớn nhất khi đầu tư vào trái phiếu định danh bằng đồng nội tệ của Trung Quốc”, Manu George, Giám đốc phụ trách bộ phận tài sản có thu nhập cố định tại Schroder Investment Management Ltd. ở Singapore, cho biết. Và những nhà đầu tư khác cũng đưa ra quan điểm tương tự.

Tháng 6 là tháng giảm mạnh nhất của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD kể từ năm 1994, song nhà đầu tư nước ngoài vẫn rót vốn vào thị trường trái phiếu nội địa của Trung Quốc ở mức cao nhất trong gần 2 năm. Trung Quốc dần dần mở cửa thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài, một phần là để mang lại sự cân bằng trước các áp lực rút vốn trong nước.

Dòng vốn vào ổn định và kéo dài cũng khá quan trọng đối với chi phí đi vay của Trung Quốc, vì nhà đầu tư nước ngoài đã thay thế các ngân hàng trong nước với tư cách là nhóm đứng đầu trong thị trường trái phiếu Chính phủ Trung Quốc trong năm nay. Việc nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu Trung Quốc đã giúp làm giảm mạnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm, giảm mạnh nhất ở châu Á vả ở các thị trường mới nổi.

Đà suy giảm của đồng Nhân dân tệ kể từ giữa tháng 6/2018 đã làm dấy lên lời đồn đoán rằng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang sử dụng việc phá giá tiền tệ làm công cụ chống lại các động thái bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cam kết duy trì một đồng Nhân dân tệ ổn định. Nhờ đó, hôm thứ Hai (09/07), đồng Nhân dân tệ đã tăng phiên thứ 3 trong 5 phiên vừa qua, ở mức 6.62 đổi 1 USD tại Thượng Hải.

Thay vì hoảng sợ như trong năm 2015 – thời điểm Trung Quốc đang phải đấu tranh chống lại nỗi lo sợ “hạ cánh cứng về kinh tế” (economic hard landing), thì lần này những thành phần trên thị trường xem đà suy giảm của đồng Nhân dân tệ như là một phần của lập trường tiền tệ mang tính hỗ trợ. Đây có thể là một yếu tố tích cực tới trái phiếu. Và khi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ đe dọa tới tăng trưởng kinh tế trong nước, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng có lý do để không đẩy mạnh chiến dịch giảm bớt đòn bẩy (financial deleveraging) – một yếu tố đang tác động tiêu cực tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Cho phép đồng Nhân dân tệ suy yếu là một phần của dạng chính sách nới lỏng trực tiếp”, Pierre-Yves Bareau, Giám đốc đầu tư phụ trách trái phiếu thị trường mới nổi tại đơn vị quản lý tài sản của JPMorgan Chase ở Luân Đôn, cho hay. “Chúng tôi không nghĩ, đà suy giảm này có gì giống với năm 2015. Các nhà hoạch định chính sách đã kiểm soát hoàn toàn tình hình hiện nay”.

Ji Tianhe, Chiến lược gia về Trung Quốc tại BNP Paribas SA, kỳ vọng “một số nhà đầu tư sẽ xem đà suy giảm của đồng Nhân dân tê là cơ hội mua vào, khi nó tạo ra khả năng tăng giá trong tương lai”.

Không phải mọi thứ đều quá lạc quan đối với tài sản của Trung Quốc. Lúc đầu, nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào cổ phiếu loại A của Trung Quốc vừa mới góp mặt vào các chỉ số quốc tế của MSCI từ đầu tháng 6/2018, nhưng dòng vốn vào đã chững lại trong 3 tuần vừa qua khi đồng Nhân dân tệ lao dốc.

Khoản mua cổ phiếu ròng thông qua mối liên kết với sàn Hồng Kông chỉ ở mức 3.2 tỷ Nhân dân tệ (tương ứng 484 triệu USD) trong 3 tuần kết thúc vào ngày 06/07/2018, chỉ bằng một phần nhỏ của mức 48.5 tỷ Nhân dân tệ trong 3 tuần trước đó, theo dữ liệu mà Bloomberg thu thập được. Chỉ số CSI 300 sụt 7.8% so với thời điểm ngày 15/06/2018, xét về phương diện đồng Nhân dân tệ.

Trong bối cảnh tháo chạy của dòng vốn trong năm 2015-2016, các cơ quan Trung Quốc đã tăng cường khuyến khích các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài để giúp cân bằng nhu cầu về đồng Nhân dân tệ. Việc được thêm vào các chỉ số trái phiếu quốc tế lại là một mục tiêu khác mà các quan chức Trung quốc cần phải nỗ lực hơn – một động thái có thể thúc đẩy thêm dòng vốn đầu tư mang tính đa dạng hóa.

Với mức 1.36 ngàn tỷ Nhân dân tệ, khoản nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của khối ngoại vẫn tương đối hạn chế, dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cho thấy.

“Thay vì cân nhắc về đồng Nhân dân tệ, việc cải thiện cơ sở hạ tầng thị trường và giải quyết các vấn đề kỹ thuật mới là những yếu tố quan trọng hơn khi các nhà quản lý quỹ quyết đinh có đầu tư vào Trung Quốc hay không”, Johnny Chen, Chuyên gia quản lý danh mục trái phiếu định danh bằng đồng nội tệ châu Á tại NN Investment Partners Ltd. ở Singapore, cho hay.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   Leo dốc hơn 300 điểm, Dow Jones tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng (10/07/2018)

>   Đỡ lo về thương mại, Dow Jones tăng hơn 250 điểm (09/07/2018)

>   Shanghai Composite tăng gần 2.5% dù xung đột thương mại với Mỹ (09/07/2018)

>   Cổ phiếu Xiaomi giảm mạnh phiên chào sàn (09/07/2018)

>   Chứng khoán châu Á khởi sắc, Shanghai vọt gần 1.5%, Hang Seng tăng hơn 400 điểm (09/07/2018)

>   Chứng khoán Trung Quốc sẽ ra sao trong vòng xoáy xung đột thương mại? (08/07/2018)

>   Các thị trường chứng khoán châu Á sẽ đi về đâu? (09/07/2018)

>   Vượt mặt Warren Buffet, Mark Zuckerberg lên ngôi vị giàu thứ ba trên thế giới (07/07/2018)

>   Tăng mạnh tuần qua, S&P 500 và Nasdaq Composite lên đỉnh 2 tuần (07/07/2018)

>   TTCK Singapore giảm mạnh sau khi Chính phủ tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản (06/07/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật