Chứng khoán Trung Quốc sẽ ra sao trong vòng xoáy xung đột thương mại?
Tính tới nay, Trung Quốc đại lục đã là thị trường chứng khoán giảm nhất trên thế giới và chúng có thể tiếp tục biến động mạnh trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington gây chiến về thương mại.
So với mức đỉnh thiết lập ngày 24/01/2018, chỉ số Shanghai Composite lao dốc 24% và Shenzhen Composite sụt 22%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 của Mỹ chỉ giảm 4% so với mức đỉnh thiết lập ngày 26/01/2018.
Các chiến lược gia Wells Fargo dự báo, xác suất căng thẳng thương mại chuyển thành một cuộc chiến thương mại thực sự chỉ là 10%, nhưng cũng có 10% xác suất xung đột thương mại này sẽ biến mất nhanh chóng. Trong khi đó, 80% còn lại là trường hợp Mỹ và Trung Quốc sẽ đàm phán trong thời gian rất dài, và điều này có thể khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bị biến động mạnh và chịu nhiều áp lực.
“Kịch bản cơ sở của chúng tôi: Hãy thắt dây an toàn. Đây sẽ là một giai đoạn thương lượng kéo dài, có thể dẫn tới kết quả là một giải pháp nhanh chóng hoặc chúng ta sẽ đứng trên bờ vực xảy ra chiến tranh thương mại thật sự”, Peter Donisanu, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Wells Fargo, cho hay.
Hôm thứ Sáu (06/07), Mỹ đã áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc cũng đáp trả bằng hàng rào thuế quan với quy mô tương tự. Ngạc nhiên là chỉ số Shanghai Composite lại tăng gần 0.5% trong ngày thứ Sáu (06/07), và các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng hồi phục.
“Bức tranh lớn hơn là những gì có thể diễn ra tới các nền kinh tế, tác động kinh tế lớn hơn, và nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng nhanh chóng thì điều này có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn đang cho thấy các dấu hiệu giảm tốc”, ông Donisanu cho hay. “Lộ trình giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc có thể được đẩy nhanh và dẫn tới một loạt nỗi lo khác nếu kinh tế Trung Quốc lao dốc”.
Việc nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới giảm tốc mạnh vì chiến tranh thương mại có thể tác động tới mọi quốc gia có giao thương với Trung Quốc. Ông Donisanu cho biết, mặc dù thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh vì nỗi lo sợ về chiến tranh thương mại, nhưng điềm báo sớm về chiến tranh thương mại sẽ xuất hiện nếu thị trường chứng khoán Mỹ tụt dốc.
“Cuộc đàm phán thực sự đang bị chi phối bỏi Mỹ”, ông cho hay. Nỗi lo ngại ở đây là điều gì sẽ xảy ra nếu như Mỹ chuẩn bị áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Donisanu cho biết, loại trừ nỗi lo về thương mại thì Trung Quốc đại lục vẫn còn hấp dẫn. “Chúng tôi nghĩ các yếu tố cơ bản của các thị trường mới nổi ở châu Á nói riêng và tất cả thị trường mới nổi nói chung vẫn chưa bị tác động”, ông nhận định, đồng thời nói thêm Wells Fargo đánh giá cao hơn về các thị trường mới nổi vì mức định giá đã giảm mạnh.
Trong tuần này, các chiến lược gia BlackRock cho biết, họ nhận thấy các cơ hội tuyệt vời nhất ở các thị trường mới nổi châu Á, nhưng khả năng kinh tế Trung Quốc giảm tốc và tình trạng gián đoạn thương mại vẫn còn là một rủi ro đáng quan ngại. “Các cuộc cải cách kinh tế, sự tăng trưởng của lợi nhuận doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển góp phần tạo ra yếu tố tích cực. Các rủi ro hiện nay bao gồm đà tăng mạnh của đồng USD, căng thẳng thương mại và các cuộc bầu cử”, họ viết trong báo cáo.
Theo các chiến lược gia này, tình hình kinh tế đang tốt. “Tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp của Trung Quốc rất cao. Chúng tôi thích các thị trường Đông Nam Á có chọn lọc, nhưng cũng nhìn nhận khả năng giảm tốc mạnh hơn dự báo của nền kinh tế Trung quốc hoặc sự gián đoạn trong hoạt động thương mại toàn cầu sẽ tạo ra rủi ro cho toàn khu vực này”, các chiến lược gia lưu ý.
Trong lúc căng thẳng thương mại dâng cao, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy hoạt động cho vay.
Các chiến lược gia cho rằng, nỗi lo ngại ở đây là xung đột thương mại sẽ khiến doanh nghiệp ngập ngừng trong quá trình đưa ra quyết định và đè nặng lên tâm lý doanh nghiệp.
Ông Donisanu nhận định, xung đột thương mại tác động tiêu cực tới tâm lý doanh nghiệp quá nhiều và PBoC buộc phải nhảy vào để thúc đẩy hoạt động cho vay, với mục đích tạo ra tấm đệm an toàn trước khả năng giảm tốc mạnh của nền kinh tế.
Đồng Nhân dân tệ thực sự là tâm điểm của những lời đồn đoán gần đây, khi đồng tiền này nhanh chóng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017. Động thái trên làm dấy lên suy đoán rằng Trung Quốc có thể cố tình phá giá đồng Nhân dân tệ để chiếm thế thượng phong nếu có thêm hàng rào thuế quan áp lên các mặt hàng xuất khẩu của nước này.
“Các lực lượng thị trường đang đóng vai trò lớn hơn trong diễn biến của đồng Nhân dân tệ, nhưng liệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thực hiện các biện pháp để phá giá thêm đồng Nhân dân tệ nhằm trừng phạt Mỹ hay không. Chúng tôi đã nghe từ Bắc Kinh. Đó không phải là điều họ muốn thực hiện”, ông cho biết.
Nhiều chiến lược gia tiền tệ cho rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng đồng Nhân dân tệ như là một công cụ trong cuộc xung đột thương mại với Mỹ. “Chúng tôi vẫn cho rằng kịch bản phá giá tiền tệ để đạt lợi thế cạnh tranh là khó xảy ra vì việc đồng Nhân dân tệ giảm quá mạnh có thể khiến dòng vốn tháo chạy ra khỏi thị trường”, ông Dylan Riddle của IFF cho hay. “Thay vào đó, chúng tôi nhận thấy đà suy yếu gần đây của đồng Nhân dân tệ là do nó đã tăng quá nhiều”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|