Hơn 70% sầu riêng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc
Năm 2017, Tiền Giang sản xuất được hơn 200.000 tấn sầu riêng nhưng khoảng 70% được xuất tươi, theo đường tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Nông Dân Lê Văn Dũng, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai lậy,chăm sóc vườn sầu riêng Mongthong có xuất xứ từ Thái Lan - Ảnh: THANH TÚ
|
Ngày 6-7, tại buổi Hội thảo khoa học sản xuất và tiêu thụ ngành hàng sầu riêng do Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức, các thống kê cho thấy có đến 70% sản lượng sầu riêng được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Các chuyên gia nhận định rằng điều này dẫn đến việc giá cả loại trái cây này luôn trồi sụt thất thường, giá trị sản phẩm chưa cao, nông dân chưa chủ động được sản xuất, chưa an tâm với loại cây mình trồng.
Ông Nguyễn Văn Khang, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Hội liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, cho rằng từ năm 2007 đến 2017, diện tích sầu riêng của tỉnh tăng từ 4.126ha (2007) đã tăng lên 9.183ha (2017) và sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới do hiệu quả của cây sầu riêng cao gấp 14,46 lần so với cây lúa.
Đa phần sầu riêng có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng là sầu riêng có xuất xứ từ Thái Lan.
Về sản lượng, ghi nhận năm 2017 toàn tỉnh Tiền Giang đã đạt 204.120 tấn (tương đương 24,9 tấn/ha).
Gần như 100% sản lượng này bán cho thương lái và 70% sản lượng phải xuất tươi, xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc nên nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Theo PGS. Tiến sĩ Võ Thị Thanh Lộc, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ, ngoài 70% sầu riêng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc thì tỉ lệ tiêu thụ nội địa đạt khoảng 29%, còn 1% còn lại là xuất sang các nước như Canada, Úc, Singapore và Hàn Quốc.
Từ thực tế này, theo bà Lộc, việc tăng diện tích không kiểm soát được trong khi quy trình sản xuất theo hướng an toàn chưa phát triển theo nhu cầu tiêu thụ hoặc chế biến xuất khẩu đang là nguy cơ khiến cho giá cả loại trái cây này sụt giảm về giá trị.
Trong khi đó, theo chuyên gia Thái Lan, tiến sĩ Pramoj Ruamsuke thì tại Thái Lan, diện tích sầu riêng hiện nay đã đạt 100.000ha và đến 80% sản lượng xuất khẩu, trong đó hơn 50% xuất sang Trung Quốc.
Theo ông Pramoj Ruamsuke, phần lớn sản phẩm của Thái Lan đạt tiêu chuẩn GAP nên giá trị sản phẩm lúc nào cũng cao và ổn định.
Ông Cao Văn Hoá, Phó giám đốc Sở NN & PTNT Tiền Giang, cho rằng thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ bằng cách hướng dẫn người dân trồng sầu riêng theo mô hình VietGAP.
"Đây là con đường phải lựa chọn và là yếu tố sống còn của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và của người trồng sầu riêng nói riêng"- ông Hóa cho biết.
Thanh Tú
Tuổi trẻ
|