Giá heo hơi hôm nay 28/7: Lợn hơi liên tục tăng giá, các "đại gia" lãi bao nhiêu?
Kể từ giữa tháng 4 đến nay, giá lợn hơi (heo hơi) trên thị trường tăng vùn vụt từng ngày. Nhiều nơi, giá heo hơi xuất chuồng đã lên tới mức 54.000 - 57.000 đồng/kg do cung không đủ cầu. Đây là mức giá cao nằm ngoài mọi dự đoán, bởi nếu so với cùng kì năm 2017 đã tăng tới 20.000 đồng/kg. Cụ thể ngày 27/7/2017, giá heo hơi cả nước chỉ ở mức 32.000-37.000 đồng/kg.
Hiện giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay vẫn đang duy trì mức cao, thương lái miền Bắc mua phổ biến từ 54.000-56.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ
|
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay duy trì mức cao "chóng mặt"
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi vẫn đang ở mức cao "chóng mặt".
Cụ thể, giá lợn hơi tại Hưng Yên và Hải Dương ngày 27/7 đã tăng thêm 1.000 đồng/kg lên 57.000 đồng/kg, mức giá mà nhiều hộ dân chưa từng nghĩ sẽ xuất hiện trên thị trường chỉ vài tháng trước.
Các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam, Sơn La, Hà Nội..., giá lợn hơi đang dao động ở mức 54.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh chăn nuôi trọng điểm phía Nam, người dân cũng đang vô cùng phấn khởi vì từ đầu tháng 7 đến nay, giá heo hơi liên tục tăng cao. Đơn cử như ở Vĩnh Long, chủ hộ chăn nuôi cho biết giá heo hơi ngày 27/7 đã lên 51.000 đồng/kg đối với heo siêu có trọng lượng trên 100kg.
Tại địa bàn Long An, anh Công - một người chăn nuôi cho biết anh mới bán 40 con heo, giá heo hơi đã cán mốc 52.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng.
Tại một số địa phương như Bến Tre, Đồng Nai, giá heo hơi hiện đang duy trì từ 50.000 - 51.000 đồng/kg; đáng chú ý tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) một số chủ hộ chăn nuôi cho biết giá heo hơi đã đạt 52.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại, giá lợn hơi không có nhiều biến động, duy trì trong khoảng 46.000 - 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tăng phi mã - cuộc chơi của các "đại gia"
Trước tình hình giá heo hơi liên tục tăng cao, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nông dân là người chịu thiệt thòi vì không phải ai cũng có heo bán, còn các công ty lớn thì trường vốn, trụ được qua "bão giá" của năm 2017 nên họ có lời lớn hơn. Các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài càng được hưởng lợi lớn hơn.
Các chuyên gia tính toán, từ nay tới cuối năm 2018 thị trường các sản phẩm chăn nuôi diễn biến tương đối thuận lợi và giữ ổn định ở mức cao. Ảnh minh hoạ
|
Thực thế cho thấy sau cuộc khủng hoảng dư thừa thịt lợn vào năm 2017, hàng nghìn hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẽ đã bỏ nuôi lợn hoặc giảm đàn do không còn đủ khả năng tài chính để duy trì. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, khi giá lợn hơi liên tục tăng cao từ cuối tháng 4 đến nay, thực ra lợi nhuận khổng lồ không chảy vào túi nông dân mà các doanh nghiệp, "đại gia" chăn nuôi lớn như Công ty C.P Việt Nam, Dabaco, Vissan... mới là thu lãi "khủng".
Cùng kỳ năm 2017, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) Dabaco chịu lỗ đến 20 tỷ đồng do thị trường gặp nhiều khó khăn, giá heo hơi giảm sâu. Tuy nhiên mới đây, Dabaco cho biết kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 đạt lợi nhuận 93 tỷ đồng.
Con số này có được do hầu hết các đơn vị trong tập đoàn đều đạt lợi nhuận tốt, đặc biệt là các đơn vị sản xuất giống và chăn nuôi đều có lãi và cơ bản bù đắp được các khoản lỗ trong quý 1/2018.
Tính riêng quý 2/2018, Công ty ghi nhận lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 82,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 33 tỷ của cùng kỳ năm ngoái và đóng góp lớn vào lợi nhuận 6 tháng đầu năm.
Mặt khác, nhận định tình hình 6 tháng cuối năm, HĐQT Dabaco đánh giá thị trường các sản phẩm chăn nuôi diễn biến tương đối thuận lợi và giữ ổn định ở mức cao, đặc biệt là giá lợn.
Tương tự, Công ty Masan Nutri-Science (MNS - thành viên của Tập đoàn Masan) cho biết, doanh thu thuần đạt 3.492 tỷ đồng vào quý 2/2018, tăng tới 9,1% so với quý 1/2018, nguyên nhân do thị trường chăn nuôi phục hồi nhanh.
Theo ghi nhận từ thị trường, hiện giá lợn hơi vẫn đang trên đà tăng và chưa hề có dấu hiệu cho thấy sẽ ngừng lại. Hiện giá heo hơi trên địa bàn cả nước dao động phổ biến từ 48.000 - 56.000 đồng/kg.
Giá heo tăng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một số doanh nghiệp chăn nuôi heo, hoặc sản xuất các sản phẩm chế biến từ thịt heo. Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp chịu tác động bởi giá heo có thể điểm tới là Dabaco, Mitraco, Masan Nutri- Science và Vissan.
"Chỉ có doanh nghiệp ngoại là hốt trọn lợi nhuận từ đợt tăng giá heo hơi lần này, từ đàn heo thịt, heo giống, thức ăn chăn nuôi đều trong tay họ. Đây chỉ còn là cuộc chơi của các đại gia”, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai từng chia sẻ.
Doanh nghiệp Hồng Kông muốn mua lợn sữa Việt Nam
Qua công tác xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông cho biết, Công ty Wilson International Frozen Foods (H.K.) Ltd tại Hồng Kông có nhu cầu tìm nguồn hàng lợn sữa xuất khẩu của Việt Nam. Theo giới thiệu, đây là công ty đã có quá trình hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thực phẩm trên 40 năm qua, chuyên nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm chế biến hoặc đông lạnh.
Thông tin liên hệ: Ms. Karen Chan, công ty Wilson International Frozen Foods (H.K.) Ltd. Tel: +852 3678 0303
Email: karenchan@wilsonfoods.com.hk; hoặc liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông để được hỗ trợ.
|
Ngân Hương
DÂN VIỆT
|