'Cứu' ngành đường bằng... giá điện
Đó là cách nhiều doanh nghiệp đang làm.
Quá trình sản xuất đường tạo ra một lượng lớn bã mía. Trong những năm gần đây nhiều nhà máy đường đã tận dụng nguồn phế phẩm này để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất điện sinh khối, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Cụ thể như trường hợp Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn (Lasuco), với công suất ép 7.000 tấn mía ngày, sản lượng đường hằng năm của công ty là 70.000 - 80.000 tấn đường. Hệ thống đồng phát điện từ bã mía của đơn vị này đạt công suất 33,5 MW, doanh nghiệp này chỉ sử dụng hết 50%, 50% còn lại được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN). Ngoài nguồn thu từ tiền bán điện Lasuco còn có thêm nguồn thu từ việc bán chứng chỉ cacbon (CDM) gần 10 tỉ đồng mỗi năm cho các đối tác nước ngoài.
Tại ĐBSCL, Nhà máy đường Vị Thanh (Hậu Giang) thuộc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) ép 3.500 tấn mía/ngày, hệ thống đồng phát điện sản xuất ra 6 MW điện từ bã mía. Toàn bộ lượng điện “sạch” này được dùng cho khâu sản xuất đường tại nhà máy. Casuco đang muốn đầu tư hệ thống đồng phát điện cho Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang), ước tính có thể phát lên lưới điện quốc gia 51 MWh mỗi năm. Doanh thu bán điện sinh khối từ bã mía có thể lên đến 116 tỉ đồng/năm nếu giá mua điện là 7,4 cent Mỹ/kWh.
Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), đơn vị hỗ trợ Bộ Công thương Việt Nam trong các chương trình về năng lượng cho biết: Hiện cả nước có 11 nhà máy đường đang sản xuất điện sinh khối bán điện lên lưới. Con số vẫn còn kiêm tốn so với tiềm năng kỹ thuật của sản xuất điện bã mía trong ngành ước tính khoảng 2,34 triệu MWh. Con số này tương đương nhu cầu điện của 450.000 hộ gia đình.
Tiềm năng lớn nhưng lĩnh vực điện sinh khối từ bã mía không thể phát triển được. Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lasuco, nguyên nhân là chính sách giá mua điện hiện nay. Mức giá chung của điện sinh khối là 7,4 cent/kWh, nhưng giá mua điện sinh khối từ bã mía lại chỉ có 5,8 cent/kWh. Ông Tam cho biết đang kiến nghị Chính phủ nâng mức giá mua điện bã mía lên 8,5 cent/kWh, bằng mức giá bình quân của năng lượng tái tạo. Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho biết : “Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạo công bằng trong điện sinh khối, nâng giá điện bã mía lên 7,4 cent/kWh bằng các loại điện sinh khối khác. Có như vậy, làn sóng đầu tư điện sinh khối trong ngành mía đường sẽ khác, chứ không phải như hiện nay”.
Các chuyên gia cho rằng : Đối với ngành mía đường nếu giá điện tăng theo mặt bằng chung của năng lượng tái tạo sẽ giúp các doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất. Quan trọng hơn giúp giảm áp lực nhu cầu sử dụng điện của các nhà máy đường và bổ sung nguồn cung cho ngành điện.
Điện sinh khối có thể đáp ứng nhu cầu hàng triệu hộ dân
Từ ngày 18-21.7, tại TP.HCM diễn ra Hội chợ Triển lãm Quốc tế lần thứ 7 Công nghệ sản phẩm Tiết kiệm năng lượng và Năng lượng xanh (Enertec Expo 2018). Tại đây, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), đơn vị hỗ trợ Bộ Công thương Việt Nam trong các chương trình về năng lượng, tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề: Năng lượng sinh khối - hướng tới một tương lai xanh.
Theo GIZ, không riêng gì bã mía, các phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, rạ, trấu… cũng có thể sử dụng để sản xuất điện sinh khối. Riêng tại An Giang - một trong 4 tỉnh sản xuất lúa lớn nhất vùng ĐBSCL, sản lượng lúa bình quân 4 triệu tấn tương đương 800.000 tấn trấu. Nếu dùng sản xuất điện sẽ cho ra 30 MW điện sinh khối, lượng điện này có thể đáp ứng nhu cầu về điện năng của 350.000 hộ dân. Những nghiên cứu khoa học cho thấy tiềm năng điện sinh khối của Việt Nam rất lớn. Tính đến cuối năm 2014, Việt Nam đã có thể khai thác khoảng 21 triệu tấn phụ phẩm gỗ và 53 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp.
|
Chí Nhân
THANH NIÊN
|