Thứ Năm, 28/06/2018 09:36

Vì sao SJF đứt mạch đà tăng?

"Âm thầm" lên sàn HOSE từ tháng 7/2017 và sau đó là những chuỗi ngày đi ngang không có nhiều ấn tượng. Vậy nhưng chỉ trong vòng 1 tuần qua, cổ phiếu SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương đã có sự hứng khởi khác thường khi vọt trần 3 phiên liên tiếp cùng với hai phiên tăng khá đã áp sát mốc 24,000 đồng/cp (chốt phiên 26/06). Kèm theo đó, khối lượng giao dịch cũng tăng đột biến lên quanh con số 1 triệu cp/phiên, hơn gấp đôi thời gian trước đây.

Tuy nhiên, đến phiên ngày 27/06, đà tăng vọt đó lập tức đứt mạch với khối lượng giảm mạnh hơn phân nửa. Điều gì đang diễn ra xung quanh những giao dịch bất thường của SJF khi các chỉ tiêu về kế hoạch 2018 không có gì biến động?

Biến động cổ phiếu SJF từ khi lên HOSE đến ngày 27/06

Về cơ cấu cổ đông lớn, tại thời điểm tháng 10/2016, cổ đông lớn của SJF gồm CTCP Đầu tư HAFA (12.27%), Chủ tịch Nguyễn Trí Thiện (6%), Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Đạt (5.2%), Nguyễn Thị Ban (5.11%), Bùi Thị Hạnh Tâm (5.11%) và Thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Nam (5%). Tuy nhiên, đến nay, bà Nguyễn Thị Ban và Bùi Thị Hạnh Tâm đã rút khỏi danh sách này, tỷ lệ của nhóm cổ đông lớn còn lại không có gì thay đổi.

Sau các giao dịch bán ra cổ phiếu của hai vị trên, SJF chưa có công bố xuất hiện thêm bất kỳ cổ đông lớn nào. Như vậy, khả năng sau những phiên tăng vọt vừa qua, sắp tới cơ cấu cổ đông lớn của SJF sẽ có biến động lớn?

Cơ cấu cổ đông lớn của SJF trước khi hai cá nhân rút khỏi danh sách này

Điều đặc biệt gần đây nhất tại SJF là những công bố xung quanh việc trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu. Cụ thể, vào ngày 25/05, HĐQT SJF đã thông qua phương án phát hành 13.2 triệu cp trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông với tỷ lệ 20% từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong quý 2, 3/2018. Vậy nhưng, chỉ sau đó hơn 10 ngày, SJF lại có thêm một nghị quyết HĐQT "Về việc tiếp tục triển khai phương án chia cổ tức năm 2017 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018" với cùng nội dung với Nghị quyết trước. Có chăng chỉ khác ở phần xử lý cổ phiếu lẻ, nhưng nghị quyết sau này lại nhấn vào việc “tiếp tục”. Chính cụm từ này đã gây ra nhiều thắc mắc khó hiểu cho nhà đầu tư!?

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, trả lời chất vấn của cổ đông về việc vì sao không trả cổ tức bằng tiền mặt, Ban lãnh đạo SJF cho biết hiện nay, Công ty đang trong giai đoạn tập trung đầu tư phát triển và mở rộng nên nguồn lực tài chính cần thiết cho giai đoạn này là rất lớn. Mặt khác, việc tăng vốn điều lệ giúp Công ty tăng dần quy mô vốn chủ sở hữu đối ứng và tương ứng với sự phát triển thời gian tới. Cụ thể như dự án 760 ha trồng tre luồng tại Mai Châu làm vùng nguyên liệu cho nhà máy tre ép công nghiệp Mai Châu, ước tính khoảng 50 tỷ đồng; dự án đầu tư cải tiến, tự động hóa nhà máy tre ép công nghiệp Mai Châu ước tính 40-60 tỷ đồng và một số dự án sáp nhập khác trong năm nay.

Sao Thái Dương đang hoạt động như thế nào?

Sao Thái Dương hoạt động trong lĩnh vực công nghệ vi sinh, nông nghiệp, thực phẩm, tre công nghiệp và công nghệ thông minh.

Sao Thái Dương được thành lập năm 2012, đến năm 2014 Công ty tăng vốn lên 250 tỷ đồng để mở rộng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và tre ép công nghiệp. Năm 2015, Công ty tăng vốn lên 660 tỷ đồng, đầu tư vào hai nhà máy tre ép công nghiệp tại tỉnh Hòa Bình, Điện Biên và triển khai đầu tư chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch theo công nghệ sinh học Nhật Bản. Sao Thái Dương có 4 công ty con và 1 công ty liên kết.

Công ty con và liên kết của SJF

Về hoạt động kinh doanh, năm 2016, Sao Thái Dương ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội, một phần cũng nhờ ghi nhận nguồn thu từ lĩnh vực phân phối vật tư nông nghiệp (phân bón hữu cơ, phân bón tổng hợp).

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, Sao Thái Dương không hoàn thành kế hoạch đặt ra khi doanh thu chỉ đạt 81%, còn lợi nhuận chỉ ở mức 59%. Theo giải trình của Công ty, năm 2017, vùng hoạt động chính bị ảnh hưởng xấu từ thời tiết, nhất là vùng Tây Bắc hứng chịu trận mưa lớn nhất trong vòng 70 năm qua, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Cụ thể, hoạt động thu mua và thương mại nông sản tại các khu vực này không đạt như kế hoạch. Nhà máy tre BWG Mai Châu bị dừng sản xuất hơn 1 tháng để khắc phục hậu quả do thiên tai, nguồn cung cấp tre đầu vào cũng bị ảnh hưởng. Đồng thời, các trang trại cung cấp thực phẩm cho Công ty tại vùng phụ cận cũng bị thiệt hại nặng nề.

Theo kế hoạch, năm 2018, Sao Thái Dương đặt mục tiêu doanh thu trở lại mốc ngàn tỷ, còn lợi nhuận chỉ tăng 16%, lên mức 50 tỷ đồng, nghĩa là vẫn chưa lấy lại được phong độ như năm 2016. Theo SJF, kế hoạch năm 2018 chưa tính đến việc sáp nhập một số công ty lớn nằm trong chuỗi nông nghiệp giá trị công nghệ cao của Công ty. Nếu thực hiện thành công thì doanh thu cũng như lợi nhuận và kế hoạch trả cổ tức 2018 sẽ có sự thay đổi đáng kể.

Sao Thái Dương định hướng chiến lược các năm tới với 3 mảng hoạt động cốt lõi là nông nghiệp, tre ép công nghiệp và kết nối giá trị toàn cầu về thương mại, công nghệ và đầu tư.

Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, Sao Thái Dương cho biết sẽ xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch Nhật Bản từ trồng trọt, chăn nuôi đến bảo quản, chế biến và phân phối hướng đến thị trường xuất khẩu và nội địa. Công ty sẽ thực hiện M&A (mua bán và sáp nhập) một số công ty liên quan đến chuỗi để nhanh chóng hoàn thiện chuỗi giá trị này trong năm 2018.

Về lĩnh vực tre ép công nghiệp, hiện Công ty chưa đáp ứng đủ nhu cầu về sản phẩm này của khách hàng. Do vậy, Sao Thái Dương cho biết sẽ cải tiến dây chuyển công nghệ sản xuất, đầu tư vùng nguyên liệu tre lớn tại Mai Châu.

Đối với lĩnh vực kết nối giá trị toàn cầu về thương mại, công nghệ và đầu tư, Công ty đang chuẩn bị ký hợp đồng với một đối tác của Mỹ về kết nối thương mại toàn cầu B2B, trong đó SJF sẽ là đầu mối đại diện tại Việt Nam. Đồng thời, Công ty sẽ đẩy mạnh thương mại xuất nhập khẩu các hàng hoá nông sản thông qua việc sáp nhập một số doanh nghiệp lớn về thương mại toàn cầu đang hoạt động hiệu quả để giúp gia tăng giá trị và kết nối chuỗi.

Thái Hương

Fili

Các tin tức khác

>   Nhịp đập Thị trường 28/06: Khởi nghĩa thất bại (28/06/2018)

>   28/06: Đọc gì trước giờ giao dịch? (28/06/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 28/06 (28/06/2018)

>   HAH: Thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ Nguyễn Thị Thanh Tú (27/06/2018)

>   Tái cấu trúc, GEX đăng ký bán hơn 24 triệu cp HEM (27/06/2018)

>   27/06: Đọc gì trước giờ giao dịch? (27/06/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 27/06 (27/06/2018)

>   Vietstock Daily 27/06: Vận động trong thế giằng co? (26/06/2018)

>   Chính thức giải thể, Khoáng sản Mangan sẽ hủy niêm yết từ 28/06 (26/06/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 26/06: Không đảo ngược được đà giảm (26/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật