TTCK Trung Quốc trở lại mạnh mẽ, Hang Seng tăng hơn 400 điểm
Thị trường chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà tăng ở châu Á trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 2/2018, khi tâm lý nhà đầu tư được cải thiện phần nào.
Tính tới lúc 13h20 ngày thứ Sáu (29/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Shanghai Composite tăng vọt 55.14 điểm (tương ứng 1.98%) lên 2,842.04 điểm, sau khi rớt ngưỡng 2,800 điểm trong phiên trước đó. Chỉ số bluechip CSI 300 tiến 1.48% và chỉ số Shenzhen Composite vọt 2%.
Trên thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 415.22 điểm (tương ứng 1.46%) khi lĩnh vực hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin dẫn đầu đà leo dốc.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 13h20 giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Bên cạnh đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản trồi sụt liên tục, hiện tăng 13.24 điểm (tương ứng 0.06%). Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dược phẩm khởi sắc, trong khi nhóm cổ phiếu của các công ty xuất khẩu thì trái chiều vì biến động của đồng JPY.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi trở về phạm vi tăng điểm, tiến 11.58 điểm (tương ứng 0.5%), trong đó cổ phiếu Samsung Electronics – vốn chiếm tỷ trọng cao – tăng 0.32%. Ngoài ra, lĩnh vực tài chính cũng góp sức vào đà tăng này.
Trong khi đó, chỉ số ASX 200 giảm nhẹ 11.4 điểm (tương ứng 0.18%).
Đà hồi phục diễn ra sau khi Trung Quốc đã thông qua quyết định nới lỏng giới hạn đầu tư nước ngoài ở nhiều ngành, từ ngân hàng cho tới nông nghiệp.
Trong ngày thứ Năm (28/06), Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia (NDRC) của Trung Quốc đã công bố phiên bản cập nhật của danh sách hạn chế (negative list) – trong đó chỉ ra các ngành bị hạn chế hoặc bị cấm về khoản đầu tư nước ngoài. Trong những thay đổi chi tiết (nhiều trong số này đã được công bố trước đó), mức giới hạn lên tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngân hàng sẽ bị loại bỏ, giới hạn sở hữu ở các công ty môi giới và bảo hiểm sẽ được dỡ bỏ từ năm 2021. Bên cạnh đó, giới hạn sở hữu nước ngoài tại ngành sản xuất xe hơi chở khách (passenger car) sẽ được gỡ bỏ từ năm 2022.
Dù vậy, chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite vẫn chưa thoát khỏi phạm vi thị trường con gấu, tức vẫn còn giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh tháng 1/2018. Các thị trường Trung Quốc đại lục gần đây chịu nhiều áp lực khi nhà đầu tư lo ngại về các tác động từ cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Bước vào quý 3/2018, xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn được cho là rủi ro lớn mà nhà đầu tư cần phải quan tâm cùng với chính sách tiền tệ của nước Mỹ.
“Các hậu quả của quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ Mỹ, lạm phát tăng vừa phải và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đứng đầu danh sách lo ngại của chúng tôi. Song, chúng tôi vẫn không thay đổi đánh giá lạc quan về tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi tỏ ra cẩn trọng rằng sự kết hợp của các kết quả thương mại tồi tệ hơn, giá dầu cao hơn và một Fed ‘diều hâu’ hơn có thể làm suy giảm niềm tin trong năm 2018 và sau đó nữa”, Trưởng Bộ phận Kinh tế toàn cầu tại Standard Chartered, David Mann, cho biết trong một báo cáo.
Tâm lý nhà đầu tư đã cải thiện trong đêm qua, trong đó chứng khoán Mỹ khởi sắc trở lại nhờ đà tăng của nhóm ngân hàng và công nghệ.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tiến 98.46 điểm (tương đương 0.41%) lên 24,216.05 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 16.68 điểm (tương đương 0.62%) lên 2,716.31 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 58.60 điểm (tương đương 0.79%) lên 7,503.68 điểm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|