Bài cập nhật
Sắc xanh đã về với TTCK châu Á, Trung Quốc và Hồng Kông dẫn đầu đà tăng
Sắc xanh bao trùm thị trường chứng khoán châu Á trong ngày thứ Sáu (29/06), trong đó chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đều tăng hơn 1%.
Tính tới lúc 11h ngày thứ Sáu (19/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 319.14 điểm (tương ứng 1.12%) nhờ đà leo dốc của nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin.
Trên thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite cộng 33.44 điểm (tương ứng 1.2%) và vượt ngưỡng 2,800 điểm, sau 4 phiên suy giảm liên tiếp. Còn chỉ số bluechip CSI 300 tiến 0.43%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản xóa sạch đà giảm đầu phiên và tăng 10.29 điểm (tương ứng 0.05%). Còn chỉ số Kospi của Hàn Quốc tiến nhẹ 1.59 điểm (tương ứng 0.07%). Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 của Australia cộng 1.1 điểm (tương ứng 0.02%).
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á lúc 11h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Tâm lý nhà đầu tư đã cải thiện trong đêm qua, trong đó chứng khoán Mỹ khởi sắc trở lại nhờ đà tăng của nhóm ngân hàng và công nghệ.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tiến 98.46 điểm (tương đương 0.41%) lên 24,216.05 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 16.68 điểm (tương đương 0.62%) lên 2,716.31 điểm và chỉ số Nasdaq Composite cộng 58.60 điểm (tương đương 0.79%) lên 7,503.68 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ nhích nhẹ trong phiên ngày thứ Năm, khi tăng trưởng GDP Mỹ thấp hơn so với dự báo. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động ở mức 2.84%.
Trong ngày thứ Năm (28/06), các thị trường châu Á và châu Âu suy giảm vì nỗi lo về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, một yếu tố đã “đè nặng” lên tâm lý nhà đầu tư trong những tuần qua. Đà giảm vẫn diễn ra trong ngày thứ Năm mặc dù Chính phủ Mỹ đưa ra biện pháp ít hà khắc hơn dự kiến đối với khoản đầu tư Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ.
Đáng chú ý nhất, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc liền 4 phiên khi nhà đầu tư lo ngại về tác động của cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Composite đều rơi vào phạm vi thị trường con gấu, tức đã giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh gần đó.
“Đà suy giảm của đồng Nhân dân tệ và cổ phiếu Trung Quốc đang gây áp lực lên các thị trường mới nổi, và đà tăng của giá dầu cũng càng khiến mọi thứ tồi tệ hơn”, Rodrigo Catril, Chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại National Australia Bank, cho biết trong một báo cáo.
Đêm qua, giá dầu xóa bớt đà tăng sau khi dầu WTI leo dốc hơn 1.5% và có lúc vượt mốc 74 USD/thùng hồi đầu phiên.
Tính tới lúc 11h20 giờ Việt Nam, hợp đồng dầu WTI giảm 0.57% xuống 73.03 USD/thùng, còn hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 0.39% xuống 77.55 USD/thùng.
---------------------------------------
10h giờ Việt Nam: TTCK Trung Quốc hồi phục, Hang Seng tăng gần 300 điểm
Thị trường chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều trong phiên giao dịch cuối cùng của quý 2/2018, trong đó chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông khởi sắc trở lại.
Tính tới lúc 10h ngày thứ Sáu (29/06 – giờ Việt Nam), thị trường chứng khoán hồi phục trở lại sau 4 phiên suy giảm liên tiếp. Chỉ số Shanghai Composite tiến 24.26 điểm (tương ứng 0.87%) và chỉ số bluechip CSI 300 cộng 0.43%.
Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 279.65 điểm (tương ứng 0.98%) nhờ đà tăng của lĩnh vực hàng tiêu dùng và công nghệ thông tin.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á vào lúc 10h giờ Việt Nam
Nguồn: CNBC
|
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lùi 76.18 điểm (tương ứng 0.34%). Đà giảm diễn ra trên diện rộng, trong đó lĩnh vực khai khoáng, dầu khí và đường sắt có thành quả tệ nhất.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi xóa sạch đà tăng đầu phiên và quay đầu giảm nhẹ 3.1 điểm (tương ứng 0.13%). Cổ phiếu có tỷ trọng cao là Samsung Electronics giảm 0.85%, trong khi các cổ phiếu công nghệ khác lại tăng nhẹ.
Chỉ số ASX 200 của Australia hạ 0.04%, khi đà giảm của nhóm cổ phiếu y tế đè nặng lên chỉ số. Các lĩnh vực nguyên vật liệu và tài chính gần như không thay đổi.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tiến 0.25%, sau khi lao xuống đáy 9 tháng trong ngày thứ Năm (28/06).
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|