Thứ Hai, 04/06/2018 11:05

Thương mại Việt Nam: Độ mở càng cao, gia công càng nhiều

Thời gian gần đây có những ý kiến nhận định nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở thương mại rất lớn, thậm chí nằm trong số những quốc gia có độ mở lớn nhất thế giới và điều này khiến Việt Nam dễ bị tổn thương bởi những biến động kinh tế đến từ bên ngoài.

Cần nhìn nhận độ mở thương mại của Việt Nam về bản chất là kết quả của các yếu tố mang tính cấu trúc, phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế. Ảnh: KỲ ANH

Một câu hỏi quan trọng được đặt ra hiện nay là chính sách thương mại của Việt Nam có phải là nguyên nhân dẫn tới độ mở cao như vậy và liệu có cần những điều chỉnh về chính sách, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại toàn cầu với trọng tâm là quan hệ kinh tế Mỹ-Trung Quốc đang diễn biến đi kèm với những rủi ro chưa thể lường trước.

Thương mại Việt Nam có thực sự mở?

Trước hết cần phân biệt giữa hai khái niệm có nội hàm khác nhau là độ mở thương mại và mức độ tự do hóa thương mại của một nền kinh tế. Độ mở thương mại là để chỉ quy mô tương đối của khu vực ngoại thương trong một nền kinh tế, được đo lường bằng tiêu chí tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP. Trong khi đó, mức độ tự do hóa thương mại phản ánh các yếu tố rào cản ảnh hưởng đến sự tự do trao đổi hàng hóa qua biên giới của một quốc gia, như thuế, hạn ngạch xuất nhập khẩu hay các hàng rào kỹ thuật.

Trong trường hợp của Việt Nam, độ mở thương mại cao hơn các quốc gia trong khu vực chỉ đơn thuần phản ánh tính chất gia công của hoạt động sản xuất trong nước chứ không có nghĩa chúng ta có nền kinh tế hội nhập và tự do hóa thương mại cao hơn.

Với tỷ lệ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức 185% theo số liệu năm 2016, Việt Nam có độ mở thương mại đứng cao thứ 3 ở châu Á và thứ 8 trên thế giới. Tuy nhiên, ngược lại, Việt Nam hiện vẫn được đánh giá khá thấp về mức độ tự do hóa thương mại. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 73 trong tổng số 136 quốc gia được đánh giá về chỉ số thúc đẩy thương mại, một vị trí thấp hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Malaysia (37), Trung Quốc (61), Thái Lan (63), Indonesia (70). Thuế suất nhập khẩu còn cao, thủ tục hành chính phức tạp vẫn là hai trong số những rào cản thương mại lớn nhất của Việt Nam khi so sánh với các nước trong khu vực.

Điều có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người là độ mở của một nền kinh tế không hoàn toàn liên hệ mật thiết đến chính sách thương mại tự do của quốc gia đó, mà phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố mang tính cấu trúc của nền kinh tế.

Thứ nhất, những nền kinh tế lớn hơn sẽ có độ mở thấp hơn do có khả năng sản xuất được hầu hết mọi thứ và các quan hệ thương mại chủ yếu diễn ra trong nội bộ nền kinh tế. Ví dụ, theo số liệu năm 2016, ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều có độ mở thương mại thấp ở mức 27%, 37% và 31%. Ngược lại, ở các nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, độ mở của nền kinh tế sẽ cao hơn.

Thứ hai, các nước kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp sẽ có xu hướng có độ mở thương mại cao. Ở các quốc gia phát triển, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu GDP và rất ít bị ảnh hưởng bởi các quan hệ thương mại quốc tế. Ngược lại, tại các quốc gia đang phát triển, khu vực nông nghiệp và công nghiệp vốn chịu ảnh hưởng nhiều của thương mại quốc tế lại chiếm tỷ trọng cao. Ở những quốc gia này, khu vực kinh tế phi chính thức cũng có quy mô khá lớn nên tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP cũng thường bị phóng đại do phần mẫu số bị thu nhỏ hơn thực tế. Trong khu vực ASEAN, có thể thấy Việt Nam (185%) và Campuchia (127%) có độ mở thương mại khá lớn so với các nền kinh tế phát triển hơn như Thái Lan (123%), Philippines (65%), Indonesia (37%).

Thứ ba, độ mở thương mại sẽ đặc biệt lớn trong trường hợp các nước là điểm trung chuyển thương mại của khu vực hay các nền kinh tế chuyên sản xuất gia công. Trường hợp thứ nhất là các nền kinh tế như Hồng Kông, Singapore và trường hợp thứ hai là Việt Nam. Cả ba nền kinh tế này đang đứng đầu châu Á về độ mở thương mại. Ở những nền kinh tế này, kim ngạch xuất nhập khẩu được tính hai lần, cả ở chiều nhập về và chiều xuất đi.

Tóm lại, cần nhìn nhận độ mở thương mại của Việt Nam về bản chất là kết quả của các yếu tố mang tính cấu trúc, phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế. Nó không phải là một lựa chọn chính sách mà Việt Nam có thể dễ dàng thay đổi và điều chỉnh trong ngắn hạn. Chính sách thương mại tự do chỉ là một trong những biến số gây ảnh hưởng đến độ mở của một nền kinh tế. Trong trường hợp của Việt Nam, độ mở thương mại cao hơn các quốc gia trong khu vực chỉ đơn thuần phản ánh tính chất gia công của hoạt động sản xuất trong nước chứ không có nghĩa chúng ta có nền kinh tế hội nhập và tự do hóa thương mại cao hơn. Độ mở thương mại có thể sẽ giảm xuống khi kinh tế Việt Nam phát triển lên được vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, khu vực dịch vụ được mở rộng nhờ mức thu nhập bình quân đầu người cải thiện.

Rủi ro phóng đại

Một nhận định phổ biến là những quốc gia có độ mở thương mại cao sẽ chịu nhiều ảnh hưởng hơn khi thị trường thế giới biến động, sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn trước các cú sốc kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên trong trường hợp của những nền kinh tế gia công như Việt Nam, mức độ ảnh hưởng của các cú sốc thương mại có thể không quá lớn như con số về độ mở thương mại phản ánh. Các cú sốc thương mại nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất đến khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, khu vực này hiện không có nhiều quan hệ hữu cơ đến khu vực sản xuất nội địa.

Độ mở thương mại được sử dụng rộng rãi một phần nhờ tính giản lược cao, dễ tính toán với nguồn số liệu sẵn có nhưng đây không phải là một tiêu chí toàn diện để phản ánh mức độ nghiêm trọng của các cú sốc từ bên ngoài đến nền kinh tế. Nó không đánh giá được nhiều yếu tố như bản chất của các mối quan hệ thương mại, đối thủ cạnh tranh, tính chất các mặt hàng xuất nhập khẩu hay mức độ đa dạng hóa các đối tác thương mại. Hay nói cách khác, độ mở thương mại của Việt Nam rất cao so với mặt bằng các nước trong khu vực, song điều đó không dẫn đến kết luận chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các biến động thương mại toàn cầu.

Phạm Văn Đại

TBKTSG

Các tin tức khác

>   HSBC: Nhiều điểm sáng về tình hình tài chính Việt Nam (04/06/2018)

>   Muốn thoái vốn, Habeco phải 'ưu tiên Carlsberg’? (03/06/2018)

>   Ông Trần Bắc Hà vi phạm rất nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật (02/06/2018)

>   Ngoài kênh Sào Khê, Ninh Bình còn loạt dự án đội vốn nghìn tỷ (02/06/2018)

>   Nhiều phi công Vietnam Airlines xin thôi việc (02/06/2018)

>   Uỷ ban Kiểm tra: Vi phạm vụ mua cổ phần AVG 'rất nghiêm trọng' (02/06/2018)

>   Đề xuất chủ SIM 11 số không cần đến ngân hàng cập nhật thông tin (02/06/2018)

>   Grab châm ngòi cuộc chiến ứng dụng gọi xe (02/06/2018)

>   Phải thay đổi cách quản lý vỉa hè (02/06/2018)

>   Hà Nội sẽ sáp nhập 12 chi Cục Thuế (02/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật