Thứ Bảy, 02/06/2018 11:30

Grab châm ngòi cuộc chiến ứng dụng gọi xe

Sắp tới có thể sẽ xảy ra "cuộc chiến" mới hấp dẫn hơn để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc gọi xe chứ không còn lệ thuộc vào Grab.

Không chỉ trong nước mà nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ từ nước ngoài cũng bắt đầu "thò" chân vào thị trường Việt Nam.

Cạnh tranh quyết liệt

Nhiều tài xế Grab cho biết đã bị đè nén quá nhiều nhưng phải cố chịu đựng để chờ cơ hội mới, khi có nhiều ứng dụng gọi xe ra đời. Họ cho rằng bị đối xử bất công như chiết khấu tăng vô tội vạ, thậm chí khóa luôn tài khoản của tài xế mà không cần trao đổi.

Thông tin từ Go-ixe cho thấy đến thời điểm này, họ đã có gần 10.000 xe, gồm cả ôtô và xe máy, hiện diện nhiều nơi như TP HCM, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bắc Giang, Thanh Hóa, Lạng Sơn… Ứng dụng gọi xe này thu hoa hồng tài xế thấp hơn Grab 5%, cước cũng thấp hơn 5%-10%. Ngoài ra, Go-ixe còn có nhiều chính sách phúc lợi cho tài xế nhằm tạo mối liên kết gắn bó lâu dài. Ứng dụng này còn có thế mạnh là chia sẻ với các đơn vị vận tải để cùng tham gia điều hành nhưng vẫn giữ được thương hiệu của họ. Mức cước cũng được tính linh hoạt theo từng đơn vị vận tải, từng địa phương.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã khai thác ứng dụng gọi xe Ảnh: Hoàng Triều

Một ứng dụng gọi xe công nghệ khác là ABER do một nhóm người Việt sáng lập dựa trên nền tảng công nghệ từ Đức, dự kiến triển khai trong tháng 6 này. Giai đoạn đầu, ABER tập trung vận chuyển hành khách bằng ôtô, sau đó là xe máy. Tham vọng của ABER không chỉ vận chuyển hành khách mà còn tiến tới vận chuyển hàng hóa, xe cho thuê, xe khách đường dài, thậm chí cả dịch vụ hướng dẫn du lịch.

Bà Hoàng Biên, Trưởng đại diện ứng dụng gọi xe MVL (Singapore) tại Việt Nam, cho biết ứng dụng này sẽ triển khai thử nghiệm tại Singapore trong tháng 7 tới. Đến tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay sẽ triển khai tại Việt Nam. Ứng dụng MVL hướng tới mục đích bảo đảm cả thu nhập của tài xế và chi phí đi lại của khách hàng ở mức cạnh tranh mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Theo đó, khách thanh toán tiền mặt sẽ không bị cộng thêm phí, thanh toán bằng thẻ sẽ bị trừ phí 3%-4% cước. Một thế mạnh khác là tài xế sẽ không bị trừ hoa hồng trên tất cả chuyến đi, MVL chỉ thu một khoản phí giao dịch không đáng kể nhằm duy trì nền tảng ứng dụng. Vị trưởng đại diện cho biết thêm để có nguồn thu, MVL khai thác quảng cáo trên ứng dụng này.

Có công nghệ vẫn chưa đủ

Các đơn vị dịch vụ xe công nghệ Vato, Xeno, T.Net sau một thời gian phát triển "nóng", nay đều bị chựng lại. Không ít tài xế tham gia những đơn vị này đã âm thầm rút lui hoặc ít khi đưa xe vào hoạt động do hiệu quả thấp. Họ cho biết nhiều ứng dụng trong nước chưa thể sánh bằng Grab, thường gặp trục trặc và ít hấp dẫn khách.

Ông Nguyễn Văn Sang, người sáng lập T.Net cùng các cộng sự, nhìn nhận sở dĩ ứng dụng gọi xe công nghệ trong nước chậm phát triển là do phải cạnh tranh lẫn nhau. Nhiều tài xế đang phân vân do chưa thấy ứng dụng nào nổi trội. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh taxi công nghệ cũng đang xâm nhập thị trường Việt Nam với tiêu chí hoạt động rất có lợi cho tài xế.

Đại diện Vato xác nhận chưa đẩy mạnh quảng bá ứng dụng gọi xe vì đang trong thời gian hoàn tất các thủ tục. Dự kiến, cuối tháng 6 này, khi có giấy phép, Vato sẽ chính thức tuyên bố tham gia "đường đua" này.

Đại diện hãng xe Mai Linh thừa nhận mới triển khai ứng dụng đối với xe ôm, còn taxi thì chưa thể phát triển do chờ quy định rõ ràng về loại hình này.

Theo ông Hàng Bá Trí, sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Go-ixe, các ứng dụng trong nước chưa thể sánh kịp với đối thủ nước ngoài là do hệ thống của họ chưa được chăm sóc, nâng cấp cũng như liên tục cập nhật công nghệ mới. Một số doanh nghiệp nghĩ bỏ tiền mua ứng dụng về vận hành là đủ. Đó là sai lầm. Những ứng dụng này phải thường xuyên được nâng cấp, nếu không sẽ trở nên lỗi thời, lỗi liên tục dẫn đến mất khách hàng là điều khó tránh khỏi. 

 

Grab gỡ quy định trừ tiền do hủy chuyến

Gần đây, Grab tung chiêu "dụ" khách thanh toán tiền qua mạng bằng cách nạp tiền vào tài khoản GrabPay Credits. Từ tài khoản này, khách đi xe sẽ được trừ dần. Ngoài ra, khách thanh toán tiền mặt hiện không được Grab khuyến mãi như trước mà chuyển sang khuyến mãi cho khách có tiền trên tài khoản. Do đó, nhiều người nạp tiền vào tài khoản của Grab để được hưởng khuyến mãi.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian nhiều người "vỡ mộng" vì bị hãng này trừ tiền dù họ không đi xe. Khách hàng khiếu nại thì được giải thích là do đặt xe rồi hủy chuyến. Tiền trừ hủy chuyến là 10.000 đồng. Từ đó, nhiều khách hàng tuyên bố không "chơi" với Grab nữa. Mới đây, Grab phải gỡ thông báo trừ tiền do hủy chuyến trên website.

Nguyễn Hải

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Phải thay đổi cách quản lý vỉa hè (02/06/2018)

>   Hà Nội sẽ sáp nhập 12 chi Cục Thuế (02/06/2018)

>   "Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 có nguy cơ không thành" (02/06/2018)

>   Chính phủ thúc thu hồi một dự án dầu khí của Petro Vietnam (02/06/2018)

>   Sức hút nhà đầu tư ngoại vào năng lượng Việt (02/06/2018)

>   Quảng Ninh thay nhà thầu làm chậm tiến độ tại dự án 7.600 tỷ (02/06/2018)

>   Nguyên trưởng ban bồi thường quận Tân Phú lãnh án tử hình (01/06/2018)

>   Năm xu hướng kiện phòng vệ thương mại (11/06/2018)

>   Tôm Việt gặp khó vì Mỹ đưa vào chương trình giám sát nhập khẩu (01/06/2018)

>   Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 đội vốn 10.500 tỷ đồng (01/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật