Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang cận kề
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin tưởng mục tiêu tiêu này hoàn toàn khả thi.
Ảnh minh họa: Internet
|
Kỳ vọng đạt được 1 triệu doanh nghiệp luôn là điều mong mỏi nhưng cái quan trọng là phải có những doanh nghiệp mạnh tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đúng như mục tiêu của Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ.
Đây là chia sẻ của TS Trần Thị Hồng Minh (Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KH&ĐT) về việc phấn đấu để hoàn thiện mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Bà Minh cho biết, chúng ta đang có rất nhiều chính sách nhằm tạo bệ đỡ cho việc phát triển, đơn cử như chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là một trong những cách tăng cường thành viên vào con số 1 triệu.
“Năm 2017 có 127.000 doanh nghiệp đăng ký mới thì đến nay vẫn còn 87% trong số đó hoạt động, nên tôi cho rằng cải thiện điều kiện, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là rất quan trọng”, bà Minh nói.
Tất nhiên, bà Minh cho rằng, số doanh nghiệp vào – ra là theo quy luật thị trường và cung – cầu, nhưng phải làm thế nào để giữ chân và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp đã ra nhập thị trường trước đó tồn tại và phát triển.
Với câu hỏi làm thế nào đạt được 1 triệu doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tin tưởng mục tiêu tiêu này hoàn toàn khả thi. Bởi vì, riêng trong khu vực các hộ kinh doanh có quy mô cũng tương đối lớn, thậm chí có nhiều hộ còn lớn hơn nhiều doanh nghiệp đăng ký chính thức. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chúng ta có khoảng từ 3,5 đến hơn 4 triệu hộ.
Do đó, số hộ kinh doanh tiềm năng có thể trở thành doanh nghiệp là rất lớn. Nhưng cái vướng của việc chuyển đổi này là chúng ta vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, thuận lợi cho hộ kinh doanh hoạt động. Ông Tuấn đưa ra ví dụ pháp luật về thuế, kế toán…đang có sự đối xử chưa công bằng, quy mô khác nhau của doanh nghiệp nhưng vẫn phải chịu chung mức một quy định. Điều này khiến doanh nghiệp thấy phiền hà với gánh nặng hồ sơ, giấy tờ rất lớn.
Và quan trọng hơn nữa là chúng ta cần có những doanh nghiệp mạnh. Vấn đề này đã được Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ ra. Theo đó, “bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”.
Nguyễn Việt
DĐDN
|