Thứ Bảy, 23/06/2018 09:30

Bộ Giao thông không cho phép Grab mở rộng địa bàn hoạt động

Công ty TNHH Grab Taxi muốn mở rộng dịch vụ ra các tỉnh thành ngoài đề án thí điểm, nhưng đã bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối.

Ngoài các tỉnh, thành thí điểm, Công ty TNHH Grab Taxi có văn bản đề xuất được mở rộng dịch vụ Grab Taxi ra nhiều tỉnh, thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai… Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải không chấp nhận, yêu cầu không được mở rộng hoạt động ngoài địa bàn thí điểm.

Theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, Công ty TNHH Grab Taxi chỉ được phép hoạt động tại 5 tỉnh thành, là: Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Bộ Giao thông Vận tải khẳng định luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân.

Grab đã không được Bộ Giao thông Vận tải đồng ý cho mở rộng địa bàn. Ảnh: Grab.

Tuy nhiên, việc ứng dụng chỉ được áp dụng đối với các đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh và phương tiện đã được cấp phù hiệu vận tải. Đồng thời, phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Bộ yêu cầu Sở Giao thông Vận tải các tỉnh phối hợp với công an tỉnh và cơ quan chức năng làm việc với các đơn vị taxi, hiệp hội vận tải trên địa bàn để làm rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách, đảm bảo đúng các điều kiện nêu trên. Căn cứ vào tình hình hoạt động vận tải và an toàn giao thông trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải.

Bộ cũng yêu cầu Grab Taxi Việt Nam không triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng trên địa bàn các tỉnh nêu trên; không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ khi chưa được sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở Giao thông Vận tải địa phương.

Trước đó, Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam đã giới thiệu dịch vụ Grab Taxi đến các tỉnh nêu trên. Nội dung giới thiệu là một dịch vụ trên ứng dụng Grab, giúp kết nối các xe taxi có sẵn trên địa bàn tỉnh với hành khách có nhu cầu di chuyển.

Đầu tháng 1/2018, Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết đã có văn bản yêu cầu Công ty GrabTaxi Việt Nam không được triển khai dịch vụ kết nối vận tải hành khách bằng ôtô theo hợp đồng (hợp đồng điện tử) trên địa bàn Thừa Thiên-Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng.

Ba địa phương này không nằm trong danh sách 5 tỉnh, thành mà Grab được phép hoạt động trong đề án thí điểm.

Phản hồi về việc "tuýt còi" của Bộ Giao thông Vận tải, Grab Việt Nam nói rằng Grab Taxi là một trong những dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng đã đăng ký với Bộ Công Thương và có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, được vận hành hoàn toàn hợp pháp.

 Thực tế không chỉ có 3 tỉnh này, ở các tỉnh ven TP.HCM, ứng dụng gọi xe của Grab (Grab Taxi) đã hoạt động khá lâu dù không nằm trong số các tỉnh thành được cho phép thí điểm.

ZING.VN

Các tin tức khác

>   Năm startup lĩnh vực giao thông tại Việt Nam (23/06/2018)

>   Hòa giải vụ kiện giữa Uber B.V và Cục Thuế TP bất thành (23/06/2018)

>   Xuất khẩu rau quả của Việt Nam chạm mốc 1,8 tỷ USD (22/06/2018)

>   Chặn rác phế liệu nhập khẩu (22/06/2018)

>   Hai cựu Tổng giám đốc ngành dầu khí bị bắt (21/06/2018)

>   Hàng nhái, giả ngập chợ điện tử (21/06/2018)

>   Cựu kế toán trưởng PVN nhận 20 tỉ để tạo điều kiện cho OceanBank (21/06/2018)

>   Giảm mạnh nhiều loại 'phí vô lý' (21/06/2018)

>   Vỡ mộng đại dự án cao su (21/06/2018)

>   Rác, phế liệu ồ ạt vào Việt Nam như thế nào (20/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật