Bán lẻ nội có nguy cơ bị thâu tóm cao
Đó là cảnh báo được đưa ra tại buổi công bố Quy hoạch phát triển ngành thương mại TP.HCM đến năm 2025 do Sở Công thương phối hợp Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM tổ chức tại TP.HCM sáng 22.6.
Đến năm 2030, Việt Nam phải có 5 thương hiệu bán lẻ mạnh.
Ng.Nga
|
Quy hoạch này được bàn hành kèm Quyết định 1891 của UBND TP.HCM.
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, tăng trưởng trong bán lẻ của thành phố 10 năm qua khá tốt, song do xu hướng phát triển thương mại toàn cầu, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển ngành bán lẻ nói chung. Từ đó, lộ ra một số hạn chế nhất định bắt buộc phải quy hoạch lại. Nổi cộm nhất có thể nói về tình trạng xuống cấp của các chợ bán lẻ, hạn chế về pháp lý quầy sạp tại các chợ trong quá trình sửa chữa…
Đặc biệt, kênh bán lẻ hiện đại như một số chuỗi siêu thị của Việt Nam đang đối diện sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Ngay chính các nhà bán lẻ trong nước cũng hiểu rõ sức ép cạnh tranh và nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm cũng được tính tới.
Tuy đưa cảnh báo dễ bị thâu tóm, song theo quy hoạch, giai đoạn 2025 - 2030, TP.HCM phải hình thành được tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.
Hiện tại, toàn thành phố có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và 1.100 cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, TP.HCM cũng kêu gọi các hộ kinh doanh bán lẻ đang hoạt động chưa hiệu quả nhanh chóng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại.
Theo đánh giá của các nhà soạn thảo quy hoạch thương mại TP.HCM, từ nay đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trung bình mỗi năm từ 8,55 - 11,53%. Chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tăng từ 10,89 - 14,02% mỗi năm. Sang giai đoạn cuối của quy hoạch từ 2026 - 2030 tăng trưởng tăng từ 6,82 - 9,06% mỗi năm.
Theo đó, đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ trong các kênh phân phối hiện đại TP.HCM phải đạt tối thiểu 40%, tăng dần lên 50% vào năm 2025 và 60% vào năm 2030.
Cạnh tranh ngành bán lẻ gay gắt hơn, nguy cơ bị thâu tóm cũng cao hơn.
Ng.Nga
|
Sẽ có mức thu phí mới tại các chợ truyền thống
Hiện mạng lưới phân phối trên địa bàn TP.HCM gồm 239 chợ (3 chợ đầu mối, 14 hạng 1, 54 hạng 2, 168 hạng 3 và còn lại là chợ tạm).
Được biết, Sở Công thương TP.HCM đã có tờ trình UBND TP.HCM sớm thông qua và ban hành quyết định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Theo đó, mức thu phí dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM là 200.000 đồng/m2/tháng. Với chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng vốn xã hội hóa, phí dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng hơn mức quy định trên, nhưng tối đa không quá 2 lần mức thu của chợ truyền thống được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Căn cứ trên quyết định của thành phố, UBND các quận, huyện sau đó sẽ ban hành mức giá cụ thể thu từng chợ.
Nguyên Nga
THANH NIÊN
|