Môi trường kinh doanh: Cải thiện nhưng phải đột phá
Môi trường kinh doanh Việt Nam đã có cải thiện nhưng trong bối cảnh phải chạy đua với khu vực và quốc tế, cần động lực mới cho phát triển thì "cải thiện” thôi là chưa đủ mà phải “đột phá”.
Hình ảnh tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Thu Lê
|
Đây là nhận định được đưa ra trong Diễn đàn phát triển DN Việt Nam 2018 được tổ chức ngày 19/6, tại Hà Nội.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 4 tháng đầu năm 2018 cả nước có 41.295 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số DN và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%. Tổng vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2018 là 1.161 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các DN vẫn đang đối mặt với rào cản từ các thủ tục hành chính.
“Thủ tục xuất nhập khẩu của các nước tính bằng giờ thì Việt Nam tính bằng ngày. Thời gian nộp thuế trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN chỉ khoảng hơn 100 giờ mỗi năm. Trong khi Việt Nam hiện nay vẫn hơn 500 giờ”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, việc DN thành lập rồi lại ra khỏi thị trường là quy luật chung nhưng đáng lưu ý là tỷ lệ này luôn ở mức cao tại Việt Nam. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2018, cứ 10 DN gia nhập thị trường thì có ít nhất 6 DN giải thể, phá sản. “Việc họ kinh doanh không thành công và rời bỏ thị trường là điều dễ hiểu, nhưng cũng cần tìm hiểu xem có bao nhiêu DN vì gặp phải rào cản, khó khăn về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính dẫn đến giải thể”.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
|
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Những chủ trương mạnh mẽ từ Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp là một điểm mạnh của Việt Nam khi cam kết chính trị đã có ở mức cao nhất-yếu tố tiên quyết bảo đảm cho cải cách thành công. Đồng thời, các giải pháp thể hiện các Nghị quyết và chương trình hành động cũng rất toàn diện, đầy đủ và cụ thể”.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc cải cách “thành hay bại” vẫn là chuyện cần bàn.
Dẫn lại những con số ấn tượng của năm 2017 như Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc; Môi trường kinh doanh tăng 14 bậc; Chỉ số nộp thuế và BHXH tăng điểm và có cải thiện, hiện đứng vị trí 86/190 quốc gia; các bộ, ngành ra nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh… ông Phan Đức Hiếu cho rằng đây là những kết quả đáng ghi nhận nhưng chưa được như kỳ vọng và yêu cầu của công cuộc cải cách.
Theo ông Phan Đức Hiếu, cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với 3 vấn đề mà nếu không giải quyết được sẽ rất khó tạo nên sự thay đổi căn bản. Trong đó, thời gian thực hiện cải cách là một thách thức rất lớn.
“Tháng 8/2017, tại Nghị quyết 98, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cắt giảm, bãi bỏ từ 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh đang quản lý. Nhưng đến tháng 1/2018, mới chỉ có Bộ Công Thương hoàn thành lần thứ nhất việc này bằng việc ra nghị định 8/2018/NĐ-CP. Tháng 6/2018, gần 1 năm sau, các bộ mới vẫn chỉ trong quá trình rà soát, xây dựng phương án hoặc bộ nào đó đi nhanh hơn mới đang dự thảo phương án ở cấp nghị định. Đó là chưa kể có những điều kiện kinh doanh còn nằm trong các luật, bao giờ mới có thể đạt được mục tiêu khi thời gian sửa luật phải mất đến hàng năm? ”, ông Hiếu nói.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng: “Hiện chúng ta đang theo một lối mòn coi ‘cải cách’ là ‘xóa bỏ rào cản’ nhưng ở nhiều quốc gia, ‘cải cách’ là nhằm tạo ra các yếu tố thúc đẩy phát triển, không đơn thuần chỉ là dẹp bỏ rào cản cho DN”.
Cụ thể, việc cải cách môi trường kinh doanh mới đang tập trung ở hai việc: Xóa bỏ những gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, còn một loạt các yếu tố quan trọng liên quan mật thiết đến sự phát triển của DN như: Rủi ro pháp lý; sự an toàn trong kinh doanh, đặc biệt là bảo vệ quyền tài sản và sở hữu trí tuệ hay xây dựng chính sách cạnh tranh… thì vẫn chưa có chủ trương cụ thể, rõ nét.
Khẳng định môi trường kinh doanh Việt Nam có cải thiện nhưng trong bối cảnh phải chạy đua, phải tạo động lực mới cho phát triển, ông Phan Đức Hiếu cho rằng “cải thiện” thôi là chưa đủ mà phải “đột phá”, đây cũng chính là một thách thức cho các nhà quản lý.
“Năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp ra đời, thủ tục đăng ký thành lập DN được rút ngắn từ 1 năm 6 tháng xuống còn 15 ngày với chi phí vài cây vàng xuống còn vài trăm nghìn đồng. Trong năm đầu tiên thực hiện Luật Doanh nghiệp, số lượng DN thành lập mới tương đương với 10 năm trước. Rõ ràng nếu không có ‘đột phá’ sẽ không tạo ‘đà’ cho phát triển DN”, ông Hiếu khẳng định.
Còn theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), song song với việc cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật về DN theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của DN, thì để bảo đảm trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm.
Hiện nay, việc bố trí nguồn lực hậu kiểm tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức, lực lượng cán bộ phục vụ cho công tác hậu kiểm còn rất “mỏng”, chủ yếu là thực hiện kiêm nhiệm với các nhiệm vụ khác. Nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về quy định pháp lý cũng như trách nhiệm của mình trong công tác quản lý Nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập.
“Vì vậy, cần bổ sung nguồn lực cho hoạt động hậu kiểm, đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý Nhà nước đối với DN sau đăng ký thành lập”, bà Minh nói.
Thu Lê
Báo Chính Phủ
|