Kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc mạnh vì căng thẳng thương mại và tăng trưởng tín dụng ảm đạm
Nền kinh tế Trung Quốc có thể giảm tốc mạnh trong tháng này vì căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn.
Ngoài ra, việc tăng trưởng tín dụng chậm lại đáng kể cũng có thể “đè nặng” lên nền kinh tế, Fielding Chen, người tổng hợp những chỉ báo sớm nhất về kinh tế Trung Quốc tại Bloomberg Economics, cho hay. Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến dịch giảm bớt đòn bẩy trên hệ thống tài chính, đà giảm tốc của tín dụng và căng thẳng thương mại với Mỹ sẽ gây tổn thương đến tâm lý của các công ty quy mô nhỏ cũng như nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản.
Xung đột thương mại và nỗi lo về đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã đẩy thị trường chứng khoán nước này vào thị trường con gấu. Thậm chí, nhóm cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông cũng bước vào thị trường con gấu trong phiên ngày hôm qua (27/06). Chưa hết, đồng Nhân dân tệ lao dốc 10 phiên liên tục và phá vỡ mốc 6.6 đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 12/2017. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư và cũng tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.
“Các cơ quan quản lý đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và duy trì thanh khoản vừa đủ để phản ứng với áp lực giảm”, Chen cho biết. “Xung đột thương mại đã gây tổn thương tới tâm lý thị trường, nhưng tác động của nó lên nền kinh tế thì vẫn chưa thể hiện rõ”.
Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng tệ hơn, trong đó cả hai bên cùng đe dọa nâng hàng rào thuế quan từ đầu tháng 7/2018 và đáp trả qua lại. Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc sẽ áp thuế quan lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau từ ngày thứ Sáu tới (06/07), và cuộc chiến áp thuế vẫn chưa dừng lại ở đây.
Trên thực tế, căng thẳng thương mại vẫn chưa tác động quá nhiều tới bức tranh xuất khẩu mạnh của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, mối đe dọa áp thuế bổ sung, áp đặt giới hạn đầu tư và sự tồi tệ đi trong mối quan hệ với Mỹ đang tác động tiêu cực tới tâm lý ở Trung Quốc.
Nhu cầu từ các đối tác thương mại đã tăng chậm lại. Chỉ số PMI bình quân của các đối tác thương mại, bao gồm cả Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản, đang cho thấy triển vọng tồi tệ hơn.
Dẫu vậy, vẫn có những điểm sáng trong dữ liệu tháng 6/2018. Cụ thể, giá hàng hóa từ các nhà máy vẫn đang tăng, qua đó củng cố thêm cho bức tranh lợi nhuận công nghiệp – vốn đã tăng hơn 20% trong tháng 4 và tháng 5/2018. Giá hàng hóa từ nhà máy tăng mạnh, qua đó giúp các công ty trả bớt nợ của họ.
Chiến dịch kiểm soát hệ thống ngân hàng ngầm đang tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp nhỏ, vì họ không phải là người được vay nợ ưu đãi nhất tại các ngân hàng Nhà nước. Trong số các nhà sản xuất công nghiệp, các công ty nhỏ ghi nhận các điều kiện kinh doanh đang xấu đi trong dữ liệu tháng 5/2018, còn các công ty lớn lại cho thấy sự tăng trưởng mạnh.
“Chúng tôi nhận thấy các yếu tố tiêu cực từ thị trường nhà ở, lĩnh vực xuất khẩu và công ty tư nhân của Trung Quốc vì nhu cầu đầu tư thấp hơn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng và điều kiện tín dụng thắt chặt hơn”, Shen Lan, Chuyên gia kinh tế tại Standard Chartered Plc chi nhánh Bắc Kinh, cho hay trong báo cáo tháng 6/2018.
“Nỗ lực giảm bớt đòn bẩy nhiều khả năng sẽ tiếp tục, nhưng chủ yếu thông qua các quy định thay vì thắt chặt chính sách tiền tệ”, Shen nhận định.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|