Thứ Sáu, 29/06/2018 22:25

“Cú trồi” khác trước của tỷ giá

Mỗi khi chịu tác động từ thị trường tài chính bên ngoài, tỷ giá tiền đồng - đô la Mỹ thường biến động. Điều đó bình thường. Tuy nhiên lần biến động mới nhất dưới ảnh hưởng của nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu, sự mạnh lên rõ nét của đô la Mỹ, tỷ giá đã có những biểu hiện mới cho thấy cú “trồi” lên của nó kéo dài và không còn “nhẹ nhàng” như trước.

Tỷ giá đã có những biểu hiện mới cho thấy cú “trồi” lên của nó kéo dài và không còn “nhẹ nhàng” như trước. Ảnh: THÀNH HOA

Giá vàng nhập cuộc

Ngay từ cuối tháng 5-2018, tỷ giá đã “nhún nhảy” khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố khả năng điều chỉnh lãi suất đồng đô la bốn lần trong năm nay. Nhưng chỉ được một tuần, tỷ giá cả trên thị trường tự do và của ngân hàng thương mại trở lại vạch xuất phát 22.800 đồng/đô la Mỹ. Đơn giản vì nguồn cung vẫn đang lấn lướt cầu.

Sự “bình yên” của tỷ giá có lẽ vẫn tiếp tục nếu như Mỹ không đẩy nguy cơ chiến tranh thương mại lên cao bằng cách ấn định ngày cụ thể thực hiện mức thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 6-7-2018. Rất nhanh, giá nguyên liệu hàng hóa, kể cả kim loại quý hiếm như vàng tụt giảm. Ngày 26-6-2018, giá vàng quốc tế không chỉ mất mốc 1.300 đô la Mỹ/ounce, mà còn lùi xa hơn ngưỡng cản đã tồn tại nhiều tháng nay của vàng. Có thời điểm giá vàng thế giới rơi xuống tận 1.258 đô la Mỹ/ounce. Trong khi đó, giá vàng nội chỉ giảm rất nhẹ khoảng 100.000 đồng/lượng SJC. Chênh lệch giá vàng quốc tế - trong nước kéo giãn tới 1,9-2 triệu đồng/lượng. Theo phản ánh của các tiệm vàng lớn ở TPHCM, tình trạng gom đô la mặt nhập vàng lậu xuất hiện.

Vừa qua cơ quan quản lý đã để thanh khoản tiền đồng quá dồi dào, dồi dào đến mức lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có ngày chỉ còn 0,9%/năm, kích thích đầu cơ ngoại tệ.

Khảo sát của chúng tôi ở các tiệm vàng, cửa hàng của công ty SJC, PNJ, Doji và các ngân hàng dẫn đến kết quả nhu cầu mua vàng có tăng so với trước đó, song vẫn yếu. Người mua chủ yếu dưới 10 lượng/người, phần lớn 2-3 lượng/người. Sự neo ở mức cao của giá vàng trong nước khiến người mua không “hứng thú”. Đồng thời, không hẹn mà gặp, một số ngân hàng thông báo không giữ hộ vàng cho khách hàng nữa, dù người gửi trả phí.

Tuy vậy, giá niêm yết mua vào vàng miếng và vàng nguyên liệu của các doanh nghiệp, tiệm vàng cũng không giảm bao nhiêu và cũng có chênh lệch cao so với giá quốc tế. Nhìn từ đây, vàng lậu nhập về hẳn có mối tiêu thụ. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, giá vàng thế giới sẽ chưa thể sớm tăng lại, thậm chí nó còn có thể giảm thêm. Nếu điều này xảy ra và giá vàng nội vẫn chênh lệch nhiều so với giá bên ngoài, vàng nhập lậu sẽ chưa dừng lại.

Ngoài chạy, trong cũng chạy

Những lần trước, tỷ giá thị trường tự do “chạy” lên theo hướng tiền đồng mất giá so với đô la Mỹ, vừa “chạy” vừa trông chừng tỷ giá ngân hàng và mau chóng rớt lại. Lần này tỷ giá của ngân hàng lại ngóng theo tỷ giá thị trường tự do. Một số thời điểm, giá thị trường tự do chạm 23.140 đồng/đô la Mỹ, các ngân hàng niêm yết giá bán chuyển khoản tới 22.980 đồng/đô la Mỹ.

Vì sao vậy? Dưới đây là những lý do. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hàng ngày đến ngày 26-6-2018 tăng 194 đồng/đô la Mỹ, tương đương tăng 0,87% so với đầu năm (tỷ giá trung tâm ngày 2-1-2018 là 22.431 đồng; ngày 26-6-2018 là 22.625 đồng/đô la Mỹ). Cùng thời gian trên, giá đô la Mỹ chuyển khoản niêm yết bán của các tổ chức tín dụng từ 22.730 đồng lên 22.910 đồng, tăng 250 đồng hay 1,1%. Cả hai mức tăng 0,87% và 1,1% trong vòng sáu tháng hoàn toàn chấp nhận được.

Trao đổi với người viết bài này, đại diện NHNN nhấn mạnh cơ quan quản lý theo dõi rất sát thị trường. Trạng thái ngoại hối của các ngân hàng ổn định, nguồn cung ngoại tệ tốt. NHNN từ đầu tháng 6 đã phải phát hành tín phiếu để hút tiền đồng về nhằm trung hòa nguồn nội tệ đưa ra để mua đô la Mỹ. Khoảng cách giữa giá đô la Mỹ chuyển khoản mua vào - bán ra của các ngân hàng được nới ở mức rộng, tới 70 đồng/đô la Mỹ, trong khi bình thường chỉ 30-40 đồng/đô la Mỹ, chứng tỏ các ngân hàng có sẵn nguồn cung và dè chừng giá mua vào.

Cung không thiếu, cầu không đột biến, hà cớ gì các tổ chức tín dụng “chạy” theo giá thị trường tự do? Xuất phát có thể là đầu cơ dựa trên ba yếu tố vừa mang tính tâm lý, vừa mang tính chu kỳ.

Thứ nhất, tháng 5-2018 cả nước nhập siêu hơn 900 triệu đô la Mỹ theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan. Thứ hai, tháng 6 là thời điểm tập trung nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp nhập khẩu, của khối FDI chuyển lợi nhuận về chính quốc. Thứ ba, đô la Mỹ quá mạnh so với các ngoại tệ chủ chốt. Từ đầu năm đến nay đồng đô la lên giá 6,3% so với euro, 6,9% so với đồng bảng Anh, 7,8% so với đô la Canada và 0,45% so với yen Nhật (yen Nhật vốn là đồng tiền luôn được đầu cơ thường trực trên thị trường tài chính thế giới mà vẫn phải giảm giá so với đô la Mỹ - NV).

Thế chủ động 

Đại diện NHNN khẳng định nhà điều hành lúc này không ủng hộ quan điểm điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu vì tỷ trọng nguyên liệu nhập khẩu trong hàng hóa xuất khẩu của ta hiện nay tương đối cao (nhất là các sản phẩm gia công, lắp ráp để xuất khẩu). NHNN lưu ý thêm năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn mức tăng của năm ngoái và không dồn vào cuối năm như từ trước đến nay. Quan trọng nhất, NHNN cho biết sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá nhờ dự trữ ngoại hối đã vượt 64 tỉ đô la Mỹ.

Thế nhưng vẫn có những điều không thể không đề cập. Vừa qua cơ quan quản lý đã để thanh khoản tiền đồng quá dồi dào, dồi dào đến mức lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có ngày chỉ còn 0,9%/năm, kích thích đầu cơ ngoại tệ. Tiền đồng đã được hút về chậm. Song song với đó, nhà điều hành dường như có ý “lợi dụng” sự biến động của đô la Mỹ so với các ngoại tệ chủ chốt khác để nâng tỷ giá trung tâm. Đáng lý khi tỷ giá thị trường lững thững, thì tỷ giá trung tâm nên chạy, còn khi tỷ giá thị trường chạy, tỷ giá trung tâm phải đi bộ. Đằng này tỷ giá trung tâm lại thay đổi cùng hướng tỷ giá thị trường, chạy cùng chạy, đi bộ cùng đi bộ không phải là cách thức điều hành chủ động, kiểm soát tốt nhất.

Về cơ bản, chênh lệch lãi suất tiền gửi ngoại tệ và tiền đồng hiện nay vẫn có lợi cho người nắm giữ tiền đồng. Yếu tố then chốt này vẫn đang hiện diện. Nhưng để cho cú trồi lên của tỷ giá kéo dài hơn ba tuần và chênh lệch tỷ giá ngân hàng - tỷ giá thị trường tự do giãn rộng tới 250 đồng/đô la Mỹ là chuyện cần suy ngẫm. Cú trồi lên phải được đưa trở lại khuôn khổ trừ khi mục tiêu của nhà điều hành dành cho tỷ giá hối đoái đã khác trước. 

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thực hư việc BIDV bán đấu giá chung cư Gia Phú (29/06/2018)

>   Lại thêm khách hàng của DongABank mất 116 triệu đồng trong thẻ ATM (29/06/2018)

>   TPBank lên sàn, Mobifone muốn chuyển nhượng vốn với giá gấp 2.3 lần đầu năm (29/06/2018)

>   VIB: Phó Tổng Giám đốc đăng ký mua vào 2.3 triệu cổ phiếu (30/06/2018)

>   Lãnh đạo day dứt, cổ đông nóng lòng vì đồng lương của nhân viên Saigonbank (29/06/2018)

>   Lãi trước thuế nửa đầu năm của Vietcombank đạt hơn 7,700 tỷ đồng (29/06/2018)

>   VIB: Giá giảm 37% sau 3 tháng, vợ chồng Phó tổng đăng ký giao dịch hàng triệu cổ phiếu (28/06/2018)

>   Tài khoản bỗng dưng mất 85 triệu đồng (28/06/2018)

>   Nguyên phó thống đốc Đặng Thanh Bình: Tôi rất ân hận! (28/06/2018)

>   Sacombank vào "Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2018" (28/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật