Thứ Sáu, 29/06/2018 14:45

Lãnh đạo day dứt, cổ đông nóng lòng vì đồng lương của nhân viên Saigonbank

Cổ tức và thu nhập của cán bộ nhân viên là hai vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ phía cổ đông Saigonbank.

Sáng ngày 29/06/2018, khán phòng tổ chức ĐHĐCĐ thường niên Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, SGB) được lấp đầy bởi hơn 250 cổ đông, phần lớn là những cổ đông lớn tuổi gắn bó với Saigonbank từ những ngày đầu và đã trải qua nhiều thăng trầm cùng ngân hàng.

Một trong những cổ đông sáng lập cho biết ông rất nóng lòng về đồng lương của Hội đồng quản trị và nhân viên Saigonbank. Ông đề xuất mức lương tối thiểu cho nhân viên phải là 15 triệu đồng mỗi tháng, chứ lãnh đạo ngân hàng cứ để lương lẹt đẹt thì làm sao làm việc được.

Không phủ nhận điều này, ông Vũ Quang Lãm đại diện cho Hội đồng quản trị Saigonbank chia sẻ, những người đứng đầu ngân hàng luôn muốn tạo điều kiện cho nhân viên có một mặt bằng lương cao và rất day dứt khi một số thông tin từ báo giới đề cập rằng Saigonbank là ngân hàng có mức lương thấp nhất hệ thống.

ĐHĐCĐ thường niên của Saigonbank tổ chức sáng ngày 29/06/2018

Đến nay, Saigonbank đã xây dựng xong hệ thống bảng lương mới. Mức lương bình quân của cán bộ nhân viên tăng từ 10 triệu lên 13.6 triệu đồng mỗi tháng. Đây là một bước tiến, tuy không lớn lắm nhưng cũng tạo động lực cho nhân viên.

Năm vừa qua, Saigonbank đã tuyển dụng thêm 89 người, nghỉ việc 112 người. Tổng số cán bộ tính đến cuối năm 2017 đạt khoảng 1,460 người.

Ông Lãm cho hay, nhân viên nghỉ việc là thách thức lớn của Ban điều hành hiện nay vì các ngân hàng cạnh tranh rất nhiều về nhân sự, nhất là nhân sự cấp cao và cấp trung. Ông nói: “Mấy em thấy có cơ hội tốt thì người ta ra đi, đa số nghỉ vì các ngân hàng nước ngoài họ mời và chào mức lương quá khủng. Trong đơn nghỉ việc của nhân viên, lãnh đạo Saigonbank đều lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, kiểm tra xem họ có gì không hài lòng với ngân hàng. Cũng có một số trường hợp chúng tôi thuyết phục thành công, vì nhân viên thực sự muốn gắn bó, đóng góp cho ngân hàng”.

Theo Báo cáo tài chính quý 1/2018 mới được Saigonbank công bố, chi phí cho nhân viên đã tăng mạnh 66% so với cùng kỳ năm trước, từ 35,500 tỷ đồng lên 58,900 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lương và phụ cấp tăng gấp đôi trong khi số lượng nhân viên không thay đổi nhiều với thời điểm cuối năm trước.

Đại diện NHNN: “Kế hoạch lợi nhuận năm 2018 là khó cho Saigonbank”

Năm 2017 là năm Saigonbank trải qua nhiều thay đổi lớn trong dàn lãnh đạo cốt cán, cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc đều được thay mới. Sự xáo trộn này đã ảnh hưởng đôi phần đến tình hình hoạt động của Ngân hàng. Các chỉ tiêu về huy động, cho vay đều không đạt kế hoạch đề ra nhưng vẫn tăng trưởng so với năm 2016. Sở dĩ lợi nhuận trước thuế giảm tới 60% so với năm trước bởi Saigonbank đã trích lập dự phòng tăng gấp đôi trong năm 2017.

Ông Vũ Quang Lãm nói rõ hơn, thực chất lợi nhuận năm qua của Saigonbank đạt khoảng 388 tỷ đồng, đây không phải là một con số thấp. Tuy nhiên, ngân hàng phải chấp hành đúng quy định của NHNN trong việc phân loại nợ, do đó trích lập dự phòng rủi ro lên đến 281 tỷ đồng.

Theo ông, trích lập dự phòng như của để dành, quỹ dự phòng đến hết năm 2017 của Saigonbank ghi nhận 669 tỷ đồng. Con số này đủ để đảm bảo thanh khoản và ổn định ngân hàng, giữ giá cổ phiếu.

Các khoản nợ xấu của Saigonbank đều có tài sản đảm bảo. Vấn đề là ngân hàng phải “đeo bám” các cơ quan pháp luật, tăng cường thương lượng đàm phán. Ông Lãm nhấn mạnh, nếu xử lý, thu hồi được nợ xấu thì sẽ trở thành lợi nhuận bất thường và tiến hành chia lại ngay cho cổ đông.

Trong nhiều năm qua, cổ đông của Saigonbank đều “trắng tay” với cổ tức. Vẫn là những lời phàn nàn qua các mùa đại hội, nhiều người trong số các cổ đông cho rằng họ là những người đầu tư, nhưng lợi nhuận thu về còn không bằng người gửi tiết kiệm. Và thêm cả phần chê trách vì lãnh đạo ngân hàng không mạnh dạn đầu tư, cứ “ỳ” ra hay việc rút tiền quá bất tiện bởi Saigonbank có rất ít các cây ATM nằm ở các vị trí thuận lợi như siêu thị, trường học.

Năm 2018, Ban lãnh đạo Saigonbank đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ bán nợ xấu cho DATC, VAMC và các doanh nghiệp khác; tiến hành thủ tục khởi kiện khách hàng vay, làm việc với các cơ quan tòa án, thi hành án, các cơ quan chức năng để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu,…

Riêng số tiền đang phải “neo” vì liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, ông Vũ Quang Lãm khẳng định, con số 210 tỷ đồng mà nhiều người nghĩ rằng Huyền Như chiếm dụng của ngân hàng là không đúng. Một trong những nguyên đơn của vụ án này là CTCP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) và thông qua việc góp vốn vào SBBS mà Saigonbank bị mất tiền, nhưng Saigonbank chỉ góp 33 tỷ đồng. Hiện nay cấp thẩm quyền đang xử vụ án và ngân hàng không bị ảnh hưởng nhiều về hoạt động, thanh khoản. Tình hình cụ thể lãnh đạo sẽ báo cáo các cổ đông trong đại hội sau nhưng theo nhận định của ông Lãm thì không hề kém khả quan.

Trước thắc mắc của nhiều cổ đông nghe phong phanh rằng ông Vũ “nhôm” (tức Phan Văn Anh Vũ) đòi mua Saigonbank, ông Lãm trấn an cổ đông, ông chưa thấy văn bản hay chỉ đạo gì liên quan đến việc này.

Cùng với xử lý nợ xấu, Saigonbank cũng đặt kế hoạch tổng tài sản tính đến cuối năm 2018 đạt 23,500 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2017. Huy động vốn dự kiến đạt 20,000 tỷ, dư nợ cho vay 15,800 tỷ đồng, tăng khoảng 12-13% so với cuối năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 150 tỷ đồng, gần như gấp đôi năm 2017.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Dũng - Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước TP. HCM, nếu xét trên sự tương quan giữa những tăng trưởng về tài sản, huy động và tín dụng thì kế hoạch lợi nhuận là khó cho Saigonbank. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn; nhiều ngành nghề như bất động sản, vận tải,… rủi ro lớn.

Vị này cho hay, mặc dù Saigonbank là mô hình cổ phần nhưng lại ở một quy mô nhỏ; tất nhiên ngân hàng không cần tăng trưởng quá nóng nhưng phải tăng trưởng chứ không nên để thấp quá. Được biết, vốn điều lệ hiện tại của Saigonbank vẫn chỉ đạt hơn 3,000 tỷ đồng. Từ năm 2014, ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 4,000 tỷ đồng và tiếp tục lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng lên 4,080 tỷ đồng song đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Về nhân sự, từ ngày 19/06/2018, ông Phạm Văn Thông đã “rời ghế” Chủ tịch HĐQT Saigonbank nhiệm kỳ 2013-2017 do không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông. Ông Vũ Quang Lãm - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Saigonbank thôi giữ chức Tổng Giám đốc để tạm thời đảm nhiệm công việc của Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017. Bà Võ Nguyệt Minh - Phó Tổng Giám đốc thường trực chịu trách nhiệm điều hành hoạt động của Ngân hàng thay cho ông Vũ Quang Lãm.

Việc đề cử và bầu mới nhân sự Ban quản trị và Ban điều hành chưa được đề cập trong đại hội lần này của Saigonbank.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Lãi trước thuế nửa đầu năm của Vietcombank đạt hơn 7,700 tỷ đồng (29/06/2018)

>   VIB: Giá giảm 37% sau 3 tháng, vợ chồng Phó tổng đăng ký giao dịch hàng triệu cổ phiếu (28/06/2018)

>   Tài khoản bỗng dưng mất 85 triệu đồng (28/06/2018)

>   Nguyên phó thống đốc Đặng Thanh Bình: Tôi rất ân hận! (28/06/2018)

>   Sacombank vào "Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2018" (28/06/2018)

>   Chủ thẻ Sacombank JCB đã có thể thanh toán chạm (28/06/2018)

>   Cuộc đua tăng vốn tỷ USD của các đại gia ngân hàng (27/06/2018)

>   Sacombank - Ngân hàng hiện đại 24/7 cho doanh nghiệp (27/06/2018)

>   SeABank có “trả giá đắt” khi mua Tài chính Bưu điện? (27/06/2018)

>   Đề nghị phạt nguyên phó thống đốc Đặng Thanh Bình 4-5 năm tù (27/06/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật